Nữ sinh ngồi tù chung thân vì sát hại con ruột, trách nhiệm thuộc về ai?
(Dân trí) - Theo các chuyên gia giáo dục, sự việc xảy ra với nữ sinh người Malaysia Jia Xin Teo, là lời cảnh tỉnh tới các thanh thiếu niên, gia đình và nhà trường.
Mới đây, nữ sinh viên Jia Xin Teo bị kết tội sát hại con ruột trong ký túc xá của Đại học Coventry (Anh) ngay sau khi đứa trẻ chào đời. Với tội danh này, Jia Xin Teo chịu án tù chung thân. Mức thụ án tù tối thiểu đối với Teo là 17 năm.
Vụ việc đang gây xôn xao trong dư luận Malaysia. Đầu năm nay, Teo tới Anh để bắt đầu việc học tại Đại học Coventry, lúc này cô đã mang thai. Teo giữ kín việc mình mang thai với mọi người, bao gồm cả cha ruột của đứa trẻ tại Malaysia.
Sự việc chỉ bị phát hiện khi những sinh viên trong ký túc xá quyết định cùng nhau phá cửa, xông vào phòng riêng của Teo.
Các chuyên gia giáo dục tại Malaysia nhìn nhận vụ việc của Jia Xin Teo là lời cảnh tỉnh tới các thanh thiếu niên, gia đình và nhà trường.
Tờ tin tức Free Malaysia Today đã đăng tải bài viết của giảng viên Tan Peck Leong đang làm việc tại khoa Kinh tế của Đại học Công nghệ MARA (Malaysia).
Ông Tan Peck Leong đánh giá vụ việc của Teo cần phải được nhìn nhận nghiêm túc để gia đình và nhà trường thay đổi cách thức giáo dục giới tính, nhằm ngăn chặn những bi kịch tương tự xảy ra trong tương lai.
Là một giảng viên đại học và là một phụ huynh, ông Leong đánh giá sự việc của Jia Xin Teo rất đau lòng, bởi một đứa trẻ đã không có cơ hội được sống, một phụ nữ trẻ đã gây nên tội ác và phải thụ án tù tối thiểu 17 năm.
Ông Leong đặt ra câu hỏi: "Tại sao một cô gái 22 tuổi lại nghĩ rằng bản thân có thể giấu kín việc mang thai và sinh nở? Hơn thế, tại sao cô gái ấy lại nghĩ rằng giấu kín mọi chuyện là lựa chọn duy nhất? Hai câu hỏi này đặt ra nhiều thách thức đối với các nhà giáo dục và cả các vị phụ huynh".
Nhiều người Malaysia cho rằng chính nỗi sợ đã khiến Teo gây nên tội ác. Chính Teo cũng thừa nhận rằng cô lo sợ khi nghĩ về sự giận dữ của cha mẹ, sự bàn tán của bạn bè và những phán xét của cộng đồng tại Malaysia.
Teo đã cảm thấy cô độc và khủng hoảng, cô không dám tìm tới sự hỗ trợ nào vì sợ mọi người biết chuyện. Sự việc của Teo khiến các vị phụ huynh và các nhà giáo dục tại Malaysia hiểu rằng, không ít thanh thiếu niên đang phải âm thầm đối diện với các vấn đề khủng hoảng.
Xã hội phương Đông đề cao các giá trị truyền thống, vì vậy, dù cuộc sống của người trẻ đương đại cởi mở tới mức nào, họ vẫn có những nỗi lo lắng, thậm chí sợ hãi khi đứng trước những chuẩn mực đã "ăn sâu" vào đời sống xã hội.
Khi bị nỗi sợ thống trị, người trẻ có thể sẽ phạm phải những sai lầm khủng khiếp, vì không thể chia sẻ với ai, không dám tìm kiếm sự giúp đỡ, trong khi họ đang cần sự giúp đỡ nhiều nhất.
Giáo dục giới tính
Sự việc xảy ra với Jia Xin Teo đặt ra một câu hỏi về những kiến thức giáo dục giới tính mà Teo đã nhận được. Giáo dục giới tính đã được đưa vào trong chương trình giáo dục tại Malaysia, nhưng kiến thức cung cấp cho thanh thiếu niên thường bị đánh giá là không đủ, còn nhiều hạn chế, thường dừng lại ở những kiến thức sinh học cơ bản về cơ thể người.
Trong khi đó, giáo dục giới tính dành cho thanh thiếu niên ở ngưỡng tuổi trưởng thành đòi hỏi phải chú trọng các yếu tố tâm sinh lý, các vấn đề thực tế xoay quanh các mối quan hệ tình cảm, sức khỏe sinh sản, kiến thức về việc mang thai, làm cha mẹ...
Khi không có được những kiến thức đầy đủ, thanh thiếu niên sẽ thiếu đi khả năng đưa ra những quyết định đúng đắn về sức khỏe sinh sản. Theo giảng viên Leong, muốn ngăn chặn những bi kịch tương tự như sự việc của Teo, giáo dục giới tính một cách toàn diện là điều cần thiết.
Khi ấy, thanh thiếu niên sẽ được học cả về trách nhiệm của bản thân trong vấn đề sức khỏe sinh sản, về các hệ thống đưa lại sự hỗ trợ cần thiết cho các em, cũng như cách để các em tiếp cận với các nguồn hỗ trợ này.
Thanh thiếu niên cần học cách bước vào các mối quan hệ tình cảm một cách có trách nhiệm. Giáo dục giới tính hiệu quả là để giúp thanh thiếu niên biết cách làm chủ các tình huống, biết cách tìm kiếm sự giúp đỡ khi gặp vấn đề, để không rơi vào khủng hoảng, tuyệt vọng.
Giáo dục hệ giá trị trong cuộc sống
Cuộc sống ảo trên mạng khiến đời sống của con người hiện nay trở nên phức tạp hơn. Sự thống trị của mạng xã hội khiến đời sống của không ít người trẻ trở nên cô đơn hơn, dù họ tương tác rất nhiều trên thế giới ảo.
Các kết nối có giá trị trong đời sống thực giảm đi, còn nỗi sợ xoay quanh những diễn biến trên mạng ảo lại tăng lên. Không ít người trẻ gặp vấn đề tâm lý vì mạng xã hội, họ có thể trở thành mục tiêu bị bêu riếu vì lý do nào đó. Thế giới ảo chi phối rất mạnh tới cách nghĩ, cách hành động của người trẻ hiện nay, đôi khi là theo hướng tiêu cực.
Không ít người trẻ cảm thấy khó chia sẻ chân thành hơn, khó tạo dựng được những mối quan hệ sâu sắc, ý nghĩa. Hậu quả là không ít người trẻ cảm thấy cô đơn, lạc lõng trong thế giới thực, một mình âm thầm trải qua những khủng hoảng.
Ngoài ra, trên mạng xã hội, hình ảnh và danh dự của một cá nhân có thể nhanh chóng bị phán xét nghiệt ngã. Chính Jia Xin Teo cũng thừa nhận rằng ở thời điểm ra tay sát hại con ruột vừa chào đời, cô chỉ nghĩ tới nỗi sợ của bản thân nếu để lộ sự việc, khiến cha mẹ, bạn bè của cô ở Malaysia biết được.
Cần hành động khác đi
Theo ông Leong, trong sự việc của Jia Xin Teo, gia đình, nhà trường và xã hội đều có phần trách nhiệm. Có những vấn đề tồn tại ở mỗi bên khiến cho bi kịch này xảy ra.
Vì vậy, gia đình, nhà trường và xã hội đều cần phải hành động khác đi, cải thiện hơn so với trước trong cách nhìn nhận về vấn đề giới tính, để thanh niên Malaysia có thể tìm kiếm sự tư vấn, hỗ trợ khi gặp phải vấn đề.
Cho dù thanh thiếu niên có phạm phải sai lầm, họ vẫn xứng đáng được cảm thông và hỗ trợ cùng với sự tôn trọng. Giảng viên Leong nhấn mạnh việc đào tạo nên một cá nhân toàn diện không thể chỉ chú trọng vào giáo dục tri thức hay đầu ra của cá nhân đó trong thị trường lao động.
Hoạt động giáo dục cần chú trọng sự phát triển toàn diện, quan tâm tới những khía cạnh đa dạng và thực tế trong đời sống của thanh thiếu niên hiện nay.