Bác sĩ tâm lý cũng hối hận vì từng quát mắng con

Bích Ngọc

(Dân trí) - Bác sĩ tâm lý nhi khoa người Mỹ Tovah Klein hối hận vì từng quát mắng con những khi giận dữ. Theo bà Klein, đây là lỗi sai thường gặp nhất trong quá trình cha mẹ nuôi con.

Bác sĩ tâm lý nhi khoa người Mỹ Tovah Klein là tác giả của cuốn sách Raising Resilience viết về các phương pháp để phụ huynh nuôi con trưởng thành mạnh mẽ, tự tin. Bà Klein khẳng định không có cha mẹ nào hoàn hảo, trải nghiệm làm cha mẹ đầy thách thức và sẽ khiến phụ huynh hiểu rõ rằng bản thân mình cũng còn nhiều thiếu sót.

Dù vậy, chính việc nhận ra thiếu sót, sai lầm và sẵn sàng học hỏi từ đó cũng là cách để cha mẹ dạy con về cách trưởng thành liên tục trong cuộc sống, ngay cả khi đã ở tuổi trưởng thành.

Bác sĩ tâm lý cũng hối hận vì từng quát mắng con - 1

Quát mắng con là lỗi sai thường gặp nhất trong quá trình cha mẹ nuôi con (Ảnh minh họa: Shuterstock).

"Tham vọng làm cha mẹ hoàn hảo là điều không tưởng, nhưng chính việc cha mẹ dám thẳng thắn nhìn nhận điều này sẽ giúp trẻ học cách linh hoạt xử lý các vấn đề trong cuộc sống và hiểu rằng, không có con người hay sự việc nào hoàn hảo", bác sĩ Klein cho hay.

Trong cuốn sách Raising Resilience, bác sĩ Klein cho biết chính bà cũng từng để cảm xúc lấn át lý trí trong quá trình nuôi 3 người con. Hiện tại, khi cả 3 con của bà đều đã trưởng thành, bà Klein đúc kết lại kinh nghiệm nuôi con của chính mình để hỗ trợ các phụ huynh khác.

Theo bà Klein, vấn đề thường gặp nhất của các bậc phụ huynh và chính bà cũng từng mắc phải, đó là trở nên nóng giận, thiếu kiểm soát rồi to tiếng với con. Đối với bà Klein, thời điểm khiến bà thường cảm thấy khó kiểm soát nhất chính là vào buổi tối, khi các con của bà còn nhỏ và thường gây ồn ã, náo loạn từ trong bữa ăn cho tới trước giờ đi ngủ.

Sự nghịch ngợm của các con thường khiến bà Klein to tiếng quát mắng. Hoạt cảnh hỗn loạn trong nhà khi ấy khiến bà Klein nghĩ rằng, nếu có khách đến nhà vào khung giờ tối, bà hẳn sẽ cảm thấy rất xấu hổ, bởi cả cha mẹ lẫn con cái đều trở nên mất kiểm soát. Tiếng trẻ con hò hét, tiếng người lớn quát tháo thường xuất hiện trong ngôi nhà của bà Klein vào khung giờ tối.

Theo bà Klein, khi trở nên nóng giận, việc cha mẹ quát mắng con cái là thường gặp và có thể cảm thông được, nhưng đó không phải một cách hành xử lý tưởng. Cha mẹ nên tìm cách khắc phục trạng thái này sau khi bình tĩnh lại.

Bác sĩ tâm lý cũng hối hận vì từng quát mắng con - 2

Bác sĩ tâm lý nhi khoa người Mỹ Tovah Klein (Ảnh: CNBC).

Bà Klein thừa nhận trong cuốn sách rằng những khoảnh khắc xung đột, giận dữ giữa cha mẹ và con cái có thể tạo nên sự "đứt gãy" trong mối quan hệ, gây nên những ảnh hưởng tiêu cực nếu không được xử lý đúng cách. Việc thấy cha mẹ giận dữ, thậm chí phạt đòn mình, khiến trẻ có thể gặp phải những vấn đề tâm lý kéo dài.

Một nghiên cứu công bố trên tạp chí chuyên về sức khỏe trẻ em The Journal of Child Development (Mỹ) hồi năm 2013 cho biết, những trẻ thường xuyên bị cha mẹ quát mắng dễ có vấn đề về hành vi, thiếu tự tin, thậm chí có xu hướng dễ rơi vào trầm cảm.

Theo bà Klein, sau khi cha mẹ nóng giận quát mắng, phạt đòn con cái, lúc bình tĩnh lại, cha mẹ nên tìm cách cải thiện tình hình và xoa dịu tâm lý của con. Cha mẹ không nên tiếp tục giữ thái độ căng thẳng, thậm chí tỏ ra lạnh lùng với con, vì cho rằng đó là sự nghiêm khắc cần thiết để dạy con.

Đặc biệt, nếu trong cơn cáu giận trước đó, cha mẹ đã có lời nói hoặc hành động khó chấp nhận, cha mẹ nên chân thành và thẳng thắn đối thoại ngắn gọn với con: "Cha/mẹ xin lỗi, đáng ra cha/mẹ không nên nói/làm như vậy".

Một lời xin lỗi dù ngắn gọn và đơn giản, nhưng lại đưa ra tín hiệu tích cực cho thấy cha mẹ biết tự nhìn nhận lại mình. Khi cha mẹ dám nhìn nhận lại bản thân để xin lỗi con, con cũng sẽ biết cách tự nhìn lại chính mình và đưa ra lời xin lỗi khi cần thiết.

Sự chủ động đối thoại của cha mẹ sau một cơn giận dữ thiếu kiểm soát sẽ giúp trẻ được xoa dịu tâm lý và học được kỹ năng sửa chữa các mối quan hệ sau cơn giận dữ.

Việc cởi mở, chân thành, thẳng thắn với con về những điều chưa hoàn hảo ở cha mẹ sẽ đưa lại lợi ích cho cả cha mẹ và con, hai bên sẽ luôn ý thức được việc cần cải thiện bản thân qua thời gian để trở nên tốt đẹp hơn.

Theo CNBC

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm