Nữ sinh không dám dùng điện thoại trước mặt bạn bè vì mặc cảm điện thoại cũ

Hoàng Hồng

(Dân trí) - "Tôi không thể giơ chiếc máy mẹ để lại cho tôi từ năm 2014 ra trước mặt bạn bè được. Họ đều dùng Iphone 12 đổ lên", đoạn tâm sự này được chia sẻ trên nhiều diễn đàn mạng xã hội.

Những ngày qua, mạng xã hội chia sẻ bài viết mang tên "Tâm sự của một đứa trẻ không có điều kiện" với 13 gạch đầu dòng thể hiện nỗi tự ti, mặc cảm vì nghèo của một nữ sinh. 

Trong 13 nỗi niềm được giãi bày, cô gái mở đầu bằng lý do vì sao luôn phải nói dối bạn bè rằng bản thân ít sử dụng điện thoại. Thực chất cô không dám giơ chiếc máy mẹ cho từ năm 2014 ra khi bạn bè đều dùng Iphone 12 trở lên.

Nữ sinh cũng nói về việc thường phải cố gắng giả vờ đang chăm chú học bài mỗi khi các bạn cùng phòng mua quần áo và giày dép mới. Hay việc cô rất muốn đi làm tóc cùng bạn nhưng chỉ có thể để tóc ngắn hoặc buộc đuôi ngựa vì không có tiền.

Cũng vì không có tiền, cô không dám ăn nhiều khi ở căng tin, luôn từ chối các chuyến đi chơi xa với lớp hay các cuộc tụ tập bạn bè ngoài quán xá.

Thậm chí, nữ sinh tâm sự không muốn đến trường vì luôn cảm thấy tất cả mọi người đều bàn tán về gia cảnh của mình, không muốn bố mẹ lên thăm vì bố mẹ "có mùi không phù hợp ở môi trường tôi đang học".

Đặc biệt, ở gạch đầu dòng cuối, cô viết: "Chính là suy nghĩ phải học thật giỏi để ra trường không cần xin việc đó. Nhưng thật khó khăn vì tôi không có điều kiện học tập như nhiều bạn khác".

Trên các trang mạng, người bình luận thể hiện ý kiến trái chiều. Người đồng cảm, chia sẻ với nỗi niềm của nữ sinh. Người cho rằng nữ sinh suy nghĩ tiêu cực, tính so đo, không có sự cố gắng và không biết trân trọng những gì mình có để vươn lên.

Nữ sinh không dám dùng điện thoại trước mặt bạn bè vì mặc cảm điện thoại cũ - 1

Sinh viên làm thêm trong quán cà phê (Ảnh: Văn Mạnh).

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, N.M.H, nữ sinh giành học bổng "Nâng bước thủ khoa 2024" dành cho sinh viên nghèo vượt khó, bày tỏ: "Có rất nhiều người đang khó khăn hơn bạn ấy và họ vẫn đang sống một cách lạc quan".

H. mồ côi mẹ từ nhỏ, sống dựa vào sự chăm sóc của bác vì bố đi thêm bước nữa. Những năm phổ thông, H. luôn đạt học sinh giỏi. Tuy vậy, học xong lớp 12, H. không thi đại học mà đi làm công nhân vì người bác đã già yếu, không có tiền nuôi cháu ăn học nữa. 

Sau 2 năm làm việc và có một khoản tích cóp, H. quyết định đi học đại học. H. tự ôn luyện và thi đỗ vào Đại học Thương mại. Ở tuổi 20, với kinh nghiệm 2 năm đi làm, H. tự tin vừa học vừa làm thêm để lo cho bản thân ở Hà Nội mà không cần người nhà chu cấp.

Kể câu chuyện của mình, H. cho biết: "Không ai lựa chọn được nơi mình sinh ra nhưng ai cũng lựa chọn được cách mình sẽ lớn lên.

Khi còn ở quê, tôi từng nghĩ chắc không ai nghèo như mình. Nhưng khi rời quê đi làm công nhân, tôi gặp rất nhiều người nghèo như mình và khổ hơn mình. Khổ bởi vì họ không may mắn có một người thân ở bên, thậm chí cơ thể không lành lặn, sinh ra đã khiếm khuyết.

Tôi may mắn vì vẫn còn bố, còn bác, còn anh chị em. May mắn hơn nữa là mình có cơ thể lành lặn, có sức khỏe, có trí tuệ. Đó là những tài sản vô giá để mình xây dựng một cuộc sống đầy đủ cho bản thân mà không phải so đo với ai."

Chia sẻ về hoàn cảnh của nữ sinh nói trên, H. nhận định cô gái có 3 điều may mắn nhưng chưa biết trân trọng và 3 sai lầm nên thay đổi.

"Ba điều may mắn của bạn ấy là: có khả năng học tập, có đầy đủ bố mẹ, được bố mẹ yêu thương và chu cấp học hành mà không phải đi làm thêm. 

Ba sai lầm của bạn ấy là: kết bạn với những người bạn không phù hợp, không hiểu hoàn cảnh của mình để chia sẻ cùng mình; đặt giá trị vật chất lên quá cao nên mới mặc cảm vì dùng điện thoại cũ hay mái tóc không nhuộm; đổ lỗi do nghèo nên không muốn đến trường".

Nữ sinh không dám dùng điện thoại trước mặt bạn bè vì mặc cảm điện thoại cũ - 2

Sinh viên nghèo vượt khó giành học bổng Nâng bước thủ khoa đến thăm tòa nhà quốc hội (Ảnh: Hoàng Hồng).

H. cho biết, cô không từ chối mối quan hệ với bạn bè có điều kiện khá giả nhưng luôn xây đắp tình bạn thân thiết với những người bạn hiểu được hoàn cảnh của mình. Nhờ những người bạn này, dù không đi tụ tập, đi chơi, H. không thấy cô đơn, lạc lõng.

"Tôi và bạn hàng ngày nấu ăn với 15.000 đồng tiền chợ cho cả hai đứa. Chúng tôi không có máy tính để học, không có tiền mua sách nên rất chăm lên thư viện. 

Chúng tôi đều dùng điện thoại Trung Quốc loại rẻ tiền. Thi thoảng, chúng tôi mua quần áo trên Shopee với giá vài chục ngàn để mặc. 

Ở trường đại học, tôi cũng có vài người bạn mới, trong đó có 2 bạn ở Hà Nội. Các bạn không nghèo nhưng sống giản dị, đi học bằng xe buýt, tự mang cơm ở nhà đến trường ăn trưa, mang bình nước cá nhân đi dùng. Các bạn cũng đi làm thêm dù bố mẹ chu cấp đầy đủ. 

Nhìn họ, tôi thấy có thêm động lực để học tập", H. nói.

H. nhấn mạnh thêm, có những người bạn tốt, cùng cảnh hoặc hiểu mình là yếu tố quan trọng để sống tích cực dù cuộc sống thiếu thốn, khó khăn về tiền bạc.