Nữ sinh Bách khoa và bí quyết giành liên hoàn học bổng
(Dân trí) - Từ năm 2 đến năm thứ 4, Thảo Anh (Đại học Bách khoa Hà Nội) liên tiếp đạt học bổng học tập loại A. Em cũng là sinh viên hiếm hoi đạt nhiều học bổng danh giá khác.
Trần Thị Thảo Anh là sinh viên K64 Chương trình tiên tiến Hệ thống Nhúng và IOT Trường Điện - Điện tử (Đại học Bách khoa Hà Nội).
Nữ sinh Bách khoa giành liên hoàn học bổng
Nữ sinh K64 đã vượt qua các môn đại cương ngay từ vòng đầu, đạt điểm cao thứ 2 của lớp. Kết thúc năm nhất với điểm học tập GPA 3.88/4.0, điểm rèn luyện 93/100, giành học bổng Khuyến khích học tập loại A.
Không dừng ở kết quả trên, đầu tháng 8/2023, cô gái giành được học bổng của KAIST Electrical Eng Hàn Quốc dành cho sinh viên năm cuối có dự định học tiếp sau đại học.
Cuối tháng 8/2023, cô giật tiếp học bổng chương trình Summer Seminar Program 2023 của Học viện Công nghệ Toyota Nhật Bản đài thọ tất cả các chi phí đi lại, sinh hoạt cho sinh viên sang Nhật 2 tuần.
Tháng 1 vừa qua, vượt qua nhiều đối thủ nặng ký, Thảo Anh xếp thứ nhất trong số 8 nữ sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội được trao học bổng Nữ sinh công nghệ từ Tập đoàn Bosch Global Software Technologies Vietnam, trị giá 11 triệu đồng.
Nữ sinh cho biết, em sẽ dùng một phần học bổng để cảm ơn bố mẹ, số còn lại em đăng ký các khóa học nâng cao kiến thức phát triển bản thân.
Trần Thị Thảo Anh đạt thành tích đồ án xuất sắc nhất Hội đồng bảo vệ tốt nghiệp ngành Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông trong kỳ bảo vệ tốt nghiệp tháng 8 vừa qua với đề tài "Tối ưu truyền dẫn video 360 qua giao thức HTTP/3", CPA đứng thứ 2 toàn Trường Điện Điện tử.
Với thành tích học tập xuất sắc, cô vinh dự được đọc bài phát biểu trong Lễ tốt nghiệp Trường Điện - Điện tử vừa qua.
Theo đại diện nhà trường, mặc dù mới tốt nghiệp nhưng Thảo Anh được nhiều doanh nghiệp săn đón với mức lương khá hấp dẫn. Hiện cô làm việc tại Viện Hàng không vũ trụ Viettel.
Thảo Anh mong muốn tiếp tục tìm học bổng để du học thạc sỹ và cao hơn. Cô mơ ước sau này sẽ trở về làm giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội được tiếp tục theo đuổi đam mê nghiên cứu khoa học.
Tìm gốc mọi lúc mọi nơi
Đam mê nghiên cứu khoa học, thích tìm hiểu khám phá những vấn đề liên quan đến khoa học kỹ thuật, Thảo Anh thường xuyên tìm đọc các loại sách liên quan đến khoa học công nghệ, chuyên ngành của mình.
Ngay từ lúc học phổ thông, em rất thích những môn liên quan đến thí nghiệm, tính toán logic. Đam mê này còn theo vào cả list phim "giải trí" trên tivi như: Chương trình khám phá về khoa học, chương trình khoa học thí nghiệm… "Em luôn ước mơ sau này được làm nghiên cứu khoa học" - Thảo Anh tâm sự.
Sang năm 2 học các môn chuyên ngành, cô nữ sinh này gặp phải môn hóc búa "thiết kế vi xử lý" khiến đôi lúc cô gái cảm giác như mất định hướng. Cô tự hỏi bản thân, học "nhúng" mà không hiểu gì về "nhúng" vậy mình đang mất gốc ở đâu?
Để giải đáp cho trăn trở "mất gốc" trên đây, Thảo Anh chủ động liên lạc với các thầy cô chuyên môn sâu để được hướng dẫn; luyện tập các phần mềm theo kiến thức đã học; gặp những vấn đề khó giải quyết, nữ sinh sẽ mang lên lab để các anh chị khóa trước hướng dẫn, thảo luận.
Quyết tâm không bỏ cuộc, Thảo Anh đã vượt qua môn "thiết kế vi xử lý", đứng trong top đầu của lớp.
Chia sẻ về bí quyết giành "liên hoàn học bổng", Thảo Anh cho biết, ngay từ năm nhất, em gặp rất nhiều áp lực học tập bởi chương trình tiên tiến Hệ thống nhúng và IOT là khóa đầu tiên của Trường Điện - Điện tử học bằng tiếng Nhật, học ghép với lớp tài năng.
Trong môi trường toàn những "siêu nhân", kiến thức nhiều và khó, nữ sinh sợ mình không theo kịp, bị tụt lại phía sau.
Thảo Anh bắt đầu lên kế hoạch học tập và mục tiêu phấn đấu, đầu tiên là nâng cao kỹ năng tiếng Nhật và đạt điểm cao các môn đại cương.
Em học tiếng Nhật mọi lúc, mọi nơi. Chẳng hạn, khi gặp đèn đỏ, cô gái tranh thủ đếm bằng tiếng Nhật, tìm những chủ đề dạy tiếng Nhật trên youtube để học, tích cực tương tác với giáo viên Tiếng Nhật ngoài giờ, chăm chỉ làm bài tập về nhà…
Đối với Thảo Anh, nghe giảng trên lớp chưa bao giờ đủ. Ngoài những giờ trên lớp, nữ sinh lên thư viện tự học, gặp vấn đề khó cô gái kết nối nhờ thầy/cô giáo giải đáp.
Nữ sinh còn tìm hiểu, học hỏi thêm kiến thức của các bạn trong trường và ngoài trường, tham gia các nhóm học tập, chủ động giảng lại kiến thức cho những bạn còn yếu. "Chia sẻ kiến thức như thế sẽ khiến em nhớ sâu hơn và không quên bài", Thảo Anh bày tỏ.
Ngoài giờ học, nữ sinh còn tham gia nghiên cứu khoa học cùng các thầy cô trên lab. Giáo viên hướng dẫn trên lab của Thảo Anh là cô Trương Thu Hương.
"Em học tập được từ cô Thu Hương rất nhiều kỹ năng, kiến thức và cả những ứng xử trong cuộc sống thường ngày", Thảo Anh tâm sự.
Dưới sự hướng dẫn của "cô giáo idol", Thảo Anh và thành viên trong lab đã có bài báo đăng trên tạp chí AIP Conference Proceedings năm 2023.
Thanh Lê