Nữ sinh Bạc Liêu đam mê “thổi hồn” vào thư pháp

(Dân trí) - Chưa từng qua trường lớp đào tạo nghệ thuật nhưng một nữ sinh ở Bạc Liêu lại có niềm đam mê vẽ tranh, viết thư pháp hết sức sống động. Thế nhưng, từ một câu chuyện xúc động, em đành theo ngành Y dược truyền thống của cha mẹ vì muốn được chữa bệnh cứu người.

Nữ sinh có đôi mắt trong veo, gương mặt xinh xắn, nụ cười tươi tắn và có cái tên cũng rất đẹp - Quách Tú Vy (quê ở huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu) đang là học sinh lớp 12 trường THPT Bạc Liêu.

Nữ sinh Bạc Liêu đam mê "thổi hồn" vào thư pháp.

Đam mê vẽ, thích thư pháp…

Tìm gặp em Quách Tú Vy tại nhà khi em đang nghỉ Tết Nguyên đán và tất bật viết chữ, vẽ hoa trên quả dưa hấu, trái dừa,... để chuẩn bị giao hàng cho khách.

Trò chuyện với phóng viên Dân trí, Tú Vy cho biết, em rất thích vẽ thể loại tranh cổ trang, và muốn viết một vài chữ thư pháp vào bức tranh cho đẹp hơn. Từ ý tưởng đó, em đã lên mạng tìm hiểu để xem viết chữ thư pháp dễ khó như thế nào.

Nữ sinh Bạc Liêu đam mê “thổi hồn” vào thư pháp - 1
Nữ sinh Bạc Liêu đam mê “thổi hồn” vào thư pháp - 2

Quách Tú Vy với những bức tranh cổ trang em thích do chính tay em vẽ nên.

Tú Vy nói mình tìm được một vài video dạy viết thư pháp nên tự học theo. Lúc đầu, em chỉ muốn viết một vài chữ chơi vui. Tuy nhiên, sau khi đi sâu vào lĩnh vực nghệ thuật này, em ngày càng thấy hay, thích thú.

“Em thấy thư pháp là một giá trị văn hóa truyền thống, nhưng hình như nhiều bạn trẻ đã bỏ quên. Vì vậy, em muốn làm sống lại, từ đó quyết định theo đuổi thư pháp một cách nghiêm túc nên cố gắng học”, nữ sinh lớp 12 chia sẻ.

Nữ sinh Bạc Liêu đam mê “thổi hồn” vào thư pháp - 3

Tú Vy đang "trổ tài" viết chữ thư pháp.

Cô gái này thích vẽ đến nỗi mỗi khi đi học cha mẹ cho tiền tiêu vặt, đã không tiêu xài mà gửi bạn mua dụng cụ để lén tập vẽ. Khi cha mẹ em biết được chuyện này đã không khỏi ngỡ ngàng trước cá tính và niềm đam mê của con gái.

Nữ sinh Bạc Liêu đam mê “thổi hồn” vào thư pháp - 4

Một bức thư pháp của em Tú Vy.

Tú Vy cho biết, em có ước mơ sau khi tốt nghiệp phổ thông sẽ thi vào ngành kiến trúc hoặc mỹ thuật. Tuy nhiên, niềm đam mê theo con đường hội họa lúc ban đầu cha mẹ em lại phản đối. Bởi do cha mẹ đều theo ngành Y dược nên muốn con theo ngành này.

Nữ sinh Bạc Liêu đam mê “thổi hồn” vào thư pháp - 5

Đam mê đến độ trong vở học, em cũng viết chữ thư pháp tên tác phẩm.

Bà Nguyễn Tú Ngọc (mẹ em Vy) tâm sự, nhà chỉ có một đứa con, lại là gái, sợ ảnh hưởng đến tâm lý, việc học tập và trước sự quyết liệt của con nên dần dần cả hai vợ chồng bà đều bị "cảm hóa" theo niềm mơ ước của cô con gái bé bỏng.

Không còn phản đối, cha mẹ em Tú Vy đã ủng hộ, hỗ trợ cho con gái rất nhiều, như mua dụng cụ, nguyên liệu, hay lên ý tưởng tìm những câu thư pháp ý nghĩa cho con “trổ tài”.

Nữ sinh Bạc Liêu đam mê “thổi hồn” vào thư pháp - 6

Cầu thủ bóng đá "thần tượng" Xuân Trường qua nét vẽ của Tú Vy.

Tú Vy kể, vào Tết năm 2018, em có vẽ thử thư pháp lên giấy để tặng người thân, bạn bè. Sau khi được sự khuyến khích của mọi người, em bắt đầu vẽ thư pháp lên trái, quả như dưa hấu, dừa,… và được đánh giá rất cao.

Cho đến Tết năm 2019, em mới dám quyết định viết thư pháp để bán theo đặt hàng của khách.

Nữ sinh Bạc Liêu đam mê “thổi hồn” vào thư pháp - 7
Nữ sinh Bạc Liêu đam mê “thổi hồn” vào thư pháp - 8

Vẽ trên trái dừa...

Nữ sinh Bạc Liêu đam mê “thổi hồn” vào thư pháp - 9

...và quả dưa hấu.

Để hoàn chỉnh một sản phẩm, theo Tú Vy phải trải qua khá nhiều công đoạn. Với dừa, ban đầu phải xịt một lớp sơn bóng rồi để khô sau đó vẽ chữ, hoa lá cành,… Còn dưa hấu phải chọn quả cân đối, da nhẵn mịn, không trầy xước, lồi, lõm,… thì vẽ sẽ đẹp hơn.

“Với một sản phẩm vẽ thư pháp lên trái, quả hoàn chỉnh, tùy theo mức độ phức tạp, cầu kỳ của các hình vẽ trang trí mà khách yêu cầu, em mất thời gian từ 20-30 phút làm việc”, Vy chia sẻ.

Nữ sinh Bạc Liêu đam mê “thổi hồn” vào thư pháp - 10

Tú Vy hoàn thành một tác phẩm thư pháp trên quả dưa hấu mà khách đã đặt hàng mua.

Được biết, giá mỗi sản phẩm dao động từ 150.000 đồng đến khoảng 300.000 đồng, nếu tính ra trong những ngày Tết (từ khoảng 25 Tết trở đi, thời điểm em nghỉ Tết), em Tú Vy mỗi ngày kiếm thu nhập trên dưới một triệu đồng.

Đây là số tiền không nhỏ mà một nữ sinh lớp 12 có thể làm ra bằng chính năng lực của mình.

Muốn làm bác sĩ từ một câu chuyện xúc động

Dù ủng hộ con gái theo đuổi niềm đam mê hội họa, nhưng cha mẹ em Tú Vy vẫn rất mong muốn con theo nghề Y dược. Mẹ em cũng từng khuyên con gái hãy cứ đi theo ngành Y dược và xem hội họa như là “nghề” tay trái của mình.

Nữ sinh Bạc Liêu đam mê “thổi hồn” vào thư pháp - 11

Vì con gái quá đam mê hội họa, cha mẹ em Tú Vy cũng dần ủng hộ con.

Thế nhưng, cô con gái có cá tính này đã “cả gan” đáp lại là “nếu bắt con học ngành Y dược thì con sẽ học nhưng là học cho cha mẹ, chứ không học cho con…”.

Tuy nhiên, vào năm lớp 10, có một lần em Tú Vy đi thăm con của một cô giáo dạy em năm cấp 2, đang mắc bệnh hiểm nghèo. Chứng kiến người con bị căn bệnh hành hạ đau đớn về thể xác, Vy đã không kìm được sự xúc động. “Lúc đó, em đã phải chạy ra ngoài để khóc”, Vy bồi hồi.

Nữ sinh đam mê vẽ nói về quyết định theo ngành y dược.

Rồi tử thần cũng đã “cướp” đi người con yêu quý của cô giáo của em. Tú Vy nhớ lại, cô giáo cũng từng nói với em là “mấy đứa con có mặt trên đời này là niềm hạnh phúc nhất của cha mẹ, đừng bao giờ làm cho cha mẹ buồn, đau”.

Vy cho biết, mẹ của em cũng tâm sự rằng, nếu con là bác sĩ, con có thể cứu được nhiều người, còn hội họa có thể giúp con tô đẹp thêm nét đẹp, nhân cách, lòng nhân văn, nhân ái…

Từ câu chuyện và hình ảnh đó, sau nhiều đêm suy nghĩ, Tú Vy cho biết em bắt đầu thay đổi ý định.

Nữ sinh Bạc Liêu đam mê “thổi hồn” vào thư pháp - 12

Nữ sinh lớp 12 này quyết theo học ngành y dược để cứu người như mong muốn của cha mẹ, nhưng em vẫn theo đuổi niềm mê của mình.

“Em nghe lời cha mẹ theo ngành Y dược, muốn trở thành một bác sĩ để có thể cống hiến cho xã hội, góp phần chấm dứt nỗi đau mà những người bệnh đang gánh chịu. Nhưng bên cạnh đó, em vẫn theo đuổi niềm đam mê vẽ của mình”, nữ sinh 18 tuổi quả quyết.

Huỳnh Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm