Nữ thủ khoa xinh đẹp ĐH Văn hóa Hà Nội và niềm đam mê đặc biệt với môn Sử
(Dân trí) - Trong bối cảnh gần đây môn Lịch sử bị nhiều bạn trẻ "thờ ơ" và điểm thi THPT quốc gia môn này ở ngưỡng thấp, vẫn nổi lên những điểm sáng có niềm đam mê đặc biệt với môn Sử. Một trong số đó là em Vương Thị Thương Thương, thủ khoa đầu vào khối C Trường Đại học Văn hóa Hà Nội với tổng số điểm 27,5, trong đó môn Lịch sử đạt 9,25 điểm.
Xinh xắn, năng động và luôn tươi cười, đó là ấn tượng về tân nữ sinh ngành Quản trị dịch vụ du lịch và Lữ hành thuộc Khoa Du lịch, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Vương Thị Thương Thương là một trong những học sinh có thành tích học tập nổi bật của Trường THPT Chuyên Hùng Vương (Phú Thọ).
Thương chia sẻ, từ năm lớp 8, khi còn học ở trường THCS Thọ Sơn (Việt Trì - Phú Thọ), em đã được chọn để thi Học sinh giỏi thành phố môn Lịch sử.
Giữ vững niềm yêu thích đặc biệt với môn học tưởng chừng khô khan này, em tiếp tục thi Học sinh giỏi và đạt giải 3 cấp tỉnh năm lớp 9. Có sẵn kiến thức nền cùng niềm đam mê và thách tích trên, khi vào cấp 3, em không ngần ngại khi lựa chọn học chuyên Sử dù xung quanh có nhiều người khuyên nên chọn môn khác để có thể tìm được công việc tốt hơn sau này.
Tại kì thi THPT Quốc gia 2019, Thương đạt 8,25 điểm môn Ngữ văn, 9,25 điểm môn Lịch sử và 9,75 điểm môn Địa lý. Trong kì thi này, Thương nhận định đề môn Sử có tính phân loại cao, có những câu hỏi phải trang bị kiến thức bổ trợ mới có thể trả lời. Tuy nhiên, em vẫn đánh giá đây là đề vừa tầm với nhiều thí sinh, nếu chú ý hơn thì có thể dễ dàng làm đúng.
Em cũng cảm thấy chạnh lòng khi có nhiều học sinh thờ ơ với môn học quan trọng để hiểu được truyền thống hào hùng và vẻ vang của nước nhà khi thống kê cho thấy có 70% thí sinh đạt điểm dưới trung bình môn Sử, trong đó điểm phố biến là 3,75.
Nhưng không vì thế mà Thương từ bỏ đam mê. "Em vẫn nhớ những sự kiện lịch sử và luôn tò mò muốn tìm hiểu để có được nhiều tri thức hơn nữa. Cho nên em tìm đến sách tham khảo, chuyên khảo và tìm hiểu qua mạng để trang bị cho mình thật nhiều kiến thức.
Em nghĩ rằng, điều này vừa là thỏa mãn đam mê, vừa giúp ích rất nhiều cho ngành học Quản trị dịch vụ du lịch và Lữ hành mà em theo học tại Trường Đại học Văn hóa Hà Nội", cô chia sẻ.
Khi được hỏi về phương pháp học và thi môn Lịch sử, Thương cười và cho rằng phương pháp của em cũng không có gì đặc biệt. Em chú trọng nhớ những ý chính, đọc đi đọc lại nhiều lần và đặt các sự kiện trong mối liên hệ tổng thể để phân tích.
Ngoài ra, em luôn tâm niệm không học dồn mà tập trung nắm thật chắc kiến thức qua mỗi buổi học. Thương luôn có ý thức chuẩn bị tốt bài mới và ôn lại thật sâu kiến thức bài cũ. Cho nên, “em không ôn thi môn Sử đâu ạ vì với em các kiến thức luôn được em ghi nhớ và cập nhật mỗi ngày”, cô nhớ lại.
Không chỉ đạt điểm cao môn Lịch sử trong kì thi THPT Quốc gia năm 2019, Thương còn đạt giải Nhì vượt cấp môn Lịch sử năm lớp 11, đạt giải Nhì Học sinh giỏi cấp tỉnh và giải Khuyến khích Học sinh giỏi Quốc gia môn Lịch sử năm lớp 12. Đây là thành tích mà em chia sẻ rằng em rất tự hào: "Mẹ luôn nói với em trai em rằng phải nhìn chị Thương để học tập nên em luôn luôn cố gắng để trở thành tấm gương tốt cho em trai và mang lại niềm hạnh phúc cho bố mẹ".
PGS.TS Tạ Quang Đông - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh trống khai giảng năm học mới tại Trường Đại học Văn hoá Hà Nội.
Suốt buổi trò chuyện, Thương luôn nhắc về lớp chuyên Sử K34 trường THPT Chuyên Hùng Vương với sự rạng ngời hiện lên trong ánh mắt.
Thương muốn gửi lời cảm ơn tới thầy chủ nhiệm Bùi Xuân Nhật bởi đã thấy được khả năng học môn Sử của em và đưa em vào đội tuyển Sử của trường. Với Thương, thầy Nhật là một người chu đáo, luôn quan tâm học sinh và tạo ra được sự hứng thú cho các em với những sự kiện và các dấu mốc lịch sử khô khan.
Tại buổi Lễ Khai giảng năm học 2019 - 2020 diễn ra vào sáng ngày 12/9/2019 của Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, Vương Thị Thương Thương cùng 4 sinh viên khác đạt điểm cao trong kì thi tuyển sinh năm 2019 đã vinh dự được PGS.TS Phạm Thị Thu Hương - Hiệu trưởng Nhà trường vinh danh và trao phần thưởng trị giá 5 triệu đồng cùng các ưu đãi về học bổng và chế độ chính sách khác.
Trường Đại học Văn hóa Hà Nội khẳng định sẽ luôn tạo điều kiện tốt nhất để các em được học tập và phát huy khả năng của mình. Với đội ngũ cán bộ, giảng viên ngày càng được nâng cao về chất lượng, Nhà trường đảm bảo chất lượng đào tạo và cung ứng cho xã hội nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng các yêu cầu, đòi hỏi khắt khe trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0.
Nữ sinh Vương Thị Thương Thương cùng thầy chủ nhiệm truyền cảm hứng môn lịch sử Bùi Xuân Nhật.
Trong bài phát biểu chào mừng các tân sinh viên, PGS.TS Phạm Thị Thu Hương - Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hoá Hà Nội gửi lời chúc mừng tới 28 tân sinh viên cao học và 1.463 tân sinh viên, những người vừa vượt qua kỳ tuyển sinh, trở thành thành viên thế hệ thứ 60 của Trường Đại học Văn hóa Hà Nội.
Nhìn lại năm học vừa qua, cô Phạm Thị Thu Hương chia sẻ: “Năm học 2018 -2019 vừa qua là một năm học để lại nhiều dấu ấn đối với Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Trong đó đáng chú ý là việc tổ chức thành công đại lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Trường, xây dựng chuẩn đầu ra của 14 ngành đào tạo bậc đại học theo đúng yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Năm học 2019 - 2020, 1.463 thí sinh đã chọn Trường Đại học Văn hóa Hà Nội làm nơi học tập, nghiên cứu và rèn luyện. Kết quả trên là tín hiệu hết sức vui mừng những cũng đặt ra trách nhiệm nặng nề với tập thể lãnh đạo, giảng viên và viên chức Nhà trường trong việc xây dựng môi trường học tập, nghiên cứu và rèn luyện, giúp sinh viên duy trì, củng cố và phát huy những kết quả đó trong thời gian học tập tại Trường”.
Lan Anh