Nghệ An:
Nữ PGS trẻ tuổi nhất VN 2020: Giảng viên tuổi hổ đam mê bất tận về rừng
(Dân trí) - Được công nhận Phó giáo sư (PGS) năm 2020 khi mới chỉ 34 tuổi, nữ giảng viên tuổi hổ đã gặt hái được rất nhiều thành công chính bởi niềm đam với những cánh rừng.
Có hơn 100 bài viết được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế và trong nước
Trong số những nhà giáo vừa được Hội đồng giáo sư nhà nước quyết định công nhận chức danh PGS vừa qua, có TS. Lê Thị Hương (SN 1986, giảng dạy tại Trường Đại học Vinh, tỉnh Nghệ An). Cô là 1 trong 2 PGS trẻ nhất cả nước được công nhận năm nay (cùng với PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Hà - giảng viên ĐH Bách khoa Hà Nội).
Đồng thời cô Hương là một trong những nữ PGS.TS ngành Sinh học trẻ nhất nước. Cô gái tuổi hổ đã gặt hái được rất nhiều thành công từ chính niềm đam mê với những cánh rừng.
Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Triệu Sơn vùng đất nghèo của tỉnh Thanh Hóa, với niềm đam mê được khám phá, tìm hiểu thế giới tự nhiên xung quanh mình và được chia sẻ kiến thức, Lê Thị Hương đã lựa chọn vào học sư phạm tại Đại học Vinh, một trong những cái nôi đào tạo chất lượng về sư phạm.
Ngay những năm học đầu tiên tại khoa Sinh, cô sinh viên Lê Thị Hương đã thể hiện niềm đam mê với cây cỏ, em đã "xin" theo các anh chị học viên cao học, và thầy giáo hướng dẫn để cùng được thực hiện các công việc nghiên cứu về phân loại thực vật.
Thành quả của niềm đam mê ấy là 1 công trình nghiên cứu đầu tiên đã được đăng trên tạp chí Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng nhóm nghiên cứu khi em mới chỉ là sinh viên năm thứ 2.
Với thành tích xuất sắc của mình sau khi tốt nghiệp, Lê Thị Hương được giữ lại làm giảng viên của Trường Đại học Vinh. Đến nay, nữ PGS đã có hơn 100 đề tài, bài báo được công bố, trong đó có 70 bài báo quốc tế và 30 bài báo được đăng trên tạp chí quốc gia.
Một trong những đề tài mà nữ PGS tuổi hổ tâm đắc nhất là việc công bố một loài Gừng mới ở vườn quốc gia Vũ Quang, Hà Tĩnh vào năm 2019. Bởi Gừng là đối tượng nghiên cứu chuyên sâu của nữ PGS trẻ trong thời gian qua.
"Để có thể công bố một loài thực vật mới là cả một quá trình nghiên cứu, tìm hiểu chuyên sâu. Người nghiên cứu phải đi rất nhiều lần vào các thời điểm khác nhau để biết được đặc điểm của từng giai đoạn phát triển của loài thực vật.
Đặc biệt, là phải nghiên cứu được đặc điểm về cấu tạo của hoa (đặc điểm của cánh hoa, nhị hoa, nhụy hoa) và quả. Đây là những bộ phận của thực vật ít bị thay đổi theo điều kiện sống của môi trường.
Do đó, tôi cũng không nhớ mình và đồng nghiệp đã đi bao nhiêu lần để tìm hiểu, và cuối cùng đã có được thành quả mình mong muốn, loài Gừng mới đã được công bố và đặt tên tại VQG Vũ Quang ", Hương bộc bạch.
Những lần xuyên rừng để tìm hiểu về các loài thực vật
Trong quá trình nghiên cứu của mình, nữ PGS tập trung vào hai hướng chính là sự đa dạng thực vật và tài nguyên thực vật.
Một trong những thuận lợi của cô là được sinh sống, học tập và làm việc tại trường Đại học Vinh, Nghệ An. Nơi với truyền thống ham học hỏi, luôn vươn lên trong cuộc sống, nơi có những người thầy, cô rất giỏi, tâm huyết, đã luôn giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi để giảng viên trẻ được thực hiện công việc nghiên cứu.
Hơn thế nữa, Nghệ An là tỉnh thuộc Khu vực Bắc Trung bộ, nơi có tính đa dạng sinh học cao, với nhiều Vườn quốc gia (VQG), Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) như VQG Pù Mát, khu BTTN Pù Huống, Pù Hoạt, … đây cũng là một trong những điều kiện thuận lợi để nữ Phó giáo sư tuổi "hổ" thỏa niềm đam mê nghiên cứu của mình.
Đã không biết bao nhiêu lần, Lê Thị Hương cùng các thành viên của nhóm nghiên cứu đã xuyên qua từng những cánh rừng để tìm hiểu về các loài thực vật đang "ẩn mình".
"Trong những năm qua tôi tập trung nghiên cứu nhiều hơn ở Khu BTTN Pù Hoạt, thuộc huyện Quế Phong, Nghệ An. Đây là Khu bảo tồn mới được thành lập năm 2013, với địa hình phức tạp, hiểm trở, điều kiện khí hậu, tự nhiên ở đây cũng rất phong phú nên hệ động thực vật cũng vô cùng phong phú và đa dạng và còn tiềm ẩn nhiều điều thú vị cần nghiên cứu. Do đó, tôi tin rằng sẽ có nhiều loài mới còn chưa được phát hiện trong khu vực này", nữ Phó giáo sư hào hứng.
Mỗi loài thực vật đều mang trong mình một "bí ẩn" riêng, đặc biệt hoạt tính sinh học của các loài có ứng dụng rất cao trong thực tiễn và y học. Hàng trăm bài thuốc dân gian của các dân tộc ở vùng cao đã được sử dụng trong thực tiễn để điều trị các loại bệnh rất hiệu quả cũng có những "ẩn số" cần được giải đáp.
Nếu tìm hiểu được các cây thuốc, bài thuốc, thành phần của từng loại thực vật hoạt chất sinh học của nó trong bài thuốc sẽ có tính ứng dụng rất cao.
Đây cũng là một "hướng đi" mà nữ PGS hướng đến trong tương lai, nhưng chặng đường này sẽ gặp không ít "trở ngại" vì hầu hết những bài thuốc dân gian đều là những bài thuốc bí truyền trong các gia đình, dòng họ và họ sẽ rất ít, thậm chí không chia sẻ với người ngoài.
Luôn xem cái khó là động lực để vươn lên, hy vọng trong tương lai nữ Phó giáo sư tuổi hổ sẽ hoàn thành những dự định của mình, để những loài thực vật có thể phát huy hết tiềm năng phục vụ tốt nhất cho cuộc sống của con người.
Tân nữ PGS luôn những "trăn trở" về xứ Nghệ
Trong đợt này, Trường Đại học Vinh có thêm một nữ Phó giáo sư được công nhận ở ngành Kinh tế đó là cô Nguyễn Thị Minh Phượng (SN 1978). Tâm sự với PV Dân trí, cô Phượng bảo, năm 2002, cô về công tác tại trường Đại học Vinh, đến nay cô đã có 43 công trình, bài báo được đăng trên các tạp chí trong nước và quốc tế, chủ nhiệm 2 đề tài nghiên cứu cấp Bộ.
Một số đề tài nhận được sự quan tâm đặc biệt, giúp giải quyết những bất cập đối với nền kinh tế hiện tại như: Phát triển nghề trong lao động nông thôn tại Nghệ An; An sinh xã hội cho người lao động bị thu hồi đất khi đô thị hóa; An sinh xã hội cho người dân bị thu hồi đất xây dựng thủy điện…
Những chuyến đi, từng buổi trò chuyện với người dân, số liệu, kết quả khảo sát nữ giảng viên luôn khắc khoải nhiều trăn trở đối với người lao động.
"Nghệ An là tỉnh rộng nhất cả nước, với điều kiện giao thông thuận lợi, tài nguyên phong phú, đặc biệt là nguồn lao động trẻ năng động, chăm chỉ… tuy nhiên thời tiết lại vô cùng khắc nghiệt.
Vì thế Nghệ An cần tạo ra các sản phẩm thế mạnh, chuyên môn hóa, nâng cao lợi thế so sánh với các vùng miền. Đặc biệt, trong ngành du lịch cần có sự liên kết vùng miền để tăng tính liên kết trong chuỗi giá trị", PGS Phượng thẳng thắn chia sẻ.
Với hướng nghiên cứu chính là Kinh tế phát triển nữ Phó giáo sư luôn trăn trở làm sao để xứ Nghệ xứng đáng với lợi thế của mình trở thành một trong những tỉnh trọng điểm của nền kinh tế.