Nỗi niềm mùa họp phụ huynh: 7 năm đi họp chưa một lần nghe cô nhắc tên con
(Dân trí) - Có hai con học lớp 3 và lớp 7, chị Nguyễn Thị Trang không biết nên vui hay nên buồn khi chưa một lần có cơ hội nghe cô nhắc tên con mình trong cuộc họp phụ huynh.
Chị Nguyễn Thị Trang (Cầu Giấy, Hà Nội) có hai con học trường công lập lớp 3 và lớp 7. Tính đến thời điểm hiện tại, chị đã dự tổng cộng 30 cuộc họp phụ huynh cho cả hai con. Nhưng theo lời chị, 7 năm qua, trải qua 30 cuộc họp ấy, chị chưa bao giờ được nghe cô khen con mình.
"Vẫn biết các thầy các cô không nhắc tên con là may rồi. Tức là con mình không làm gì để cô phải nhắc nhở, phê bình. Nhưng nghe cô nhắc tên, tuyên dương hết bạn này tới bạn khác, có bạn được cô nhắc nhiều lần tới nỗi phụ huynh trong lớp ai cũng thuộc làu họ tên nhóm học sinh này thì tôi không khỏi mủi lòng.
Cảm giác đó khó tả lắm. Tôi không biết các bố mẹ khác thế nào, nhưng tôi thấy thương con khi không có gì để cô khen", chị Trang chia sẻ.
Chị Trang cho biết, cả hai con chị đều có học lực khá. Bạn nhỏ lớp 3 đạt mức hoàn thành các nhiệm vụ học tập, bạn lớn lớp 7 có điểm tổng kết 7,7. Chị hài lòng với kết quả này vì các con tự giác bảo nhau học chứ không được kèm cặp.
"Tôi và chồng bán hoa quả ngoài chợ, ngày xưa không được học hành nên thấy các con học được như thế là cũng mừng. Con muốn đi học thêm là mẹ cho đi ngay không tiếc. Đi học về là ra chợ phụ giúp mẹ một đôi tiếng mà vẫn học được như vậy thì tôi tự hào về con lắm. Nhưng đi họp phụ huynh mới thấy con nhà mình thua thiệt khi không giỏi được như các bạn khác", chị Trang ngậm ngùi.
Cùng tâm trạng với chị Trang là chị Vũ Thanh Phương. Con gái chị Phương đang học lớp 1 một trường tiểu học dân lập ở Mỹ Đình (Nam Từ Liêm, Hà Nội). Buổi họp phụ huynh cuối năm vừa diễn ra sáng 21/5 giống hai cuộc họp phụ huynh trước, con chị Phương vắng mặt trong tất cả các nội dung tuyên dương.
Lớp có 33 học sinh thì có đến 19 học sinh đạt danh hiệu hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập. Con chị Phương nằm trong nhóm 14 học sinh chỉ ở mức hoàn thành.
"Cô tuyên dương nhiều lần các bạn trong nhóm 19. Một số bạn trong nhóm 14 cũng được nhắc tên nhờ giải thưởng này khác như giải cờ vua. Hoặc có bạn lực học tốt nhưng khi thi vì không cẩn thận đã không đạt kết quả cao khiến cô rất tiếc.
Còn con nhà mình học lực không có gì đặc biệt, thuộc top cuối của lớp, lại trầm tính, không có năng khiếu nổi trội. Con chỉ ngoan, chưa bao giờ để cô nhắc nhở về nề nếp. Nhưng có lẽ vì không giỏi cũng không nghịch nên con trở nên mờ nhạt trong mắt cô", chị Phương bày tỏ.
Theo Thông tư 08/TT-BGDĐT ban hành năm 1988 về khen thưởng và xử lý kỷ luật học sinh, học sinh có biểu hiện tốt về học tập, đạo đức và lao động sẽ được khen thưởng trước lớp cho đến khen thưởng trước toàn trường. Ngược lại, học sinh mắc khuyết điểm sẽ bị áp dụng các hình thức kỷ luật từ nhẹ đến nặng như: khiển trách trước lớp, khiển trách trước hội đồng kỷ luật nhà trường, cảnh cáo trước toàn trường.
Sau 30 năm áp dụng, nhiều nội dung của Thông tư 08 đã không còn phù hợp. Dù chưa có Thông tư thay thế, các trường đã chủ động loại bỏ dần hình thức thi hành kỷ luật công khai. Song hình thức khen thưởng công khai vẫn được duy trì phổ biến. Dự thảo Thông tư về khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông năm 2020 của Bộ GD&ĐT cũng giữ các hình thức khen thưởng công khai này.
Một số cơ sở giáo dục dân lập đang sử dụng hình thức họp phụ huynh 1-1-1 (1 giáo viên - 1 học sinh - 1 phụ huynh), đồng thời không nêu tên các học sinh có kết quả học tập cao trên nhóm giáo viên - phụ huynh để tránh hiện tượng so sánh trong nội bộ phụ huynh lớp. Hình thức khen thưởng học sinh trước lớp được bãi bỏ, ưu tiên cho khen thưởng học sinh trước toàn trường.
Cô Nguyễn Thị Đông - nguyên giáo viên Trường THCS&THPT Lê Quý Đôn (Mỹ Đình, Hà Nội) cho biết, với hình thức họp phụ huynh toàn thể, cô ủng hộ việc tuyên dương công khai nhưng cần công bằng cho tất cả học sinh.
"Nếu giáo viên dành tâm trí để quan sát học trò thì sẽ tìm ra ưu điểm trong mỗi đứa trẻ. Có học sinh mạnh về học tập, có học sinh mạnh về thể thao, có học sinh có năng khiếu nghệ thuật, có học sinh rất giỏi làm việc nhà, có học sinh thường xuyên vi phạm nội quy, hay gây ra những việc rắc rối nhưng lại là người đặc biệt tình cảm, luôn đóng vai trò kết nối trong tập thể…
Mỗi đứa trẻ đều có tiềm năng nhất định trong một lĩnh vực nào đó. Nhiệm vụ của thầy cô là khen ngợi, khích lệ, động viên để trẻ phát huy những tiềm năng đó thành thế mạnh, sở trường của mình chứ không chỉ tập trung vào duy nhất nhiệm vụ học tập, rèn luyện đạo đức.
Do đó, khen trẻ không chỉ cần khen đúng mà còn cần khen khéo, làm sao để trẻ cảm thấy bản thân được nhìn nhận công bằng với tất cả các bạn khác. Ở góc độ phụ huynh, tôi nghĩ mong muốn con mình được thầy cô khen là một mong muốn chính đáng. Tuyên dương đúng cách còn là cách để thầy cô kết nối được với phụ huynh, hai bên tạo động lực cho nhau để cùng hỗ trợ trẻ phát triển, trưởng thành", cô Đông nêu quan điểm.