Cha mẹ "muối mặt" vì giáo viên phê bình con mỗi lần đi họp phụ huynh
(Dân trí) - Lần nào đi họp phụ huynh cho con gái, chị Thùy cũng "muối mặt" vì cả mẹ và con đều bị cô giáo nêu tên phê bình, với những lỗi sai đã được lên danh sách.
Khi cô giáo đọc đến tên và chất vấn ai, người đó gần như muốn cúi gằm mặt xuống để tránh ánh mắt của vài chục phụ huynh khác đang hướng về, bàn tán.
Cách ứng xử của giáo viên với học sinh và phụ huynh cũng là chủ đề được các bậc cha mẹ "đặt lên bàn cân" khi quyết định chọn trường cho con.
"Muối mặt" vì bị phê bình công khai
Chị Nguyễn Thị Thùy (Hà Nội) có con gái lớn học tại một trường cấp 2 công lập, con nhỏ hơn học tiểu học ở trường tư. Chị so sánh, quan hệ giữa một số thầy - trò và phụ huynh trong trường công lập thường căng thẳng quá mức, không cởi mở như ở trường tư.
Từ ngày con học lớp 6, chị Thùy đã được giáo viên chủ nhiệm của con gọi điện phàn nàn hàng chục lần. Lý do là con học dốt, không theo kịp các bạn, cô giảng nhiều lần nhưng con không hiểu, làm bài sai. Trong các cuộc điện thoại, cô "nói hết phần" phụ huynh, chê con học kém, trách bố mẹ không quan tâm con.
"Dường như cô chỉ gọi điện để trách chứ không đưa ra giải pháp phối hợp giúp con học tốt hơn. Bản thân tôi vẫn kèm con học mỗi ngày nhưng bị đổ là bỏ bê việc học của con. Đến lượt tôi nói thì cô chặn lại, bảo tôi muốn giải thích hay trao đổi gì thì lên trường gặp cô", chị Thùy nói.
Phụ huynh này cho biết, lớp con được chia thành các tổ, giáo viên giao cho tổ trưởng kiểm tra, ghi lỗi của các học sinh khác trong lớp và báo cáo cho lớp trưởng, lớp phó, cán bộ lớp tổng hợp và gửi kết quả hàng ngày trên nhóm chat của học sinh. Giáo viên chuyển tiếp sang nhóm chat của phụ huynh để phê bình.
Như vậy, ai mắc lỗi gì sẽ được cả lớp biết. Các em và bố mẹ mình trở thành chủ đề bàn tán của bạn bè và những phụ huynh khác.
"Thỉnh thoảng, con tôi kể con đã làm bài tập nhưng do làm điều gì không vừa ý lớp trưởng nên bị ghi là chưa làm bài. Trong lớp, bất kỳ hành động, lời nói nào của các con cũng bị cán bộ lớp theo dõi, sơ sẩy một chút là cả mẹ và con có tên trong nhóm chat.
Kèm theo đó là những tin nhắn trách phụ huynh vì lỗi của con. Khi có phụ huynh nào thanh minh, cô sẵn sàng khóa quyền trò chuyện của người đó trong nhóm chat", chị Thùy nói.
Chị cho biết, lần nào đi họp phụ huynh chị cũng "muối mặt" vì cả mẹ và con đều bị cô giáo nêu tên phê bình, với một loạt lỗi sai đã được lên danh sách. Xấu hổ nhất là nghe cô đọc công khai điểm của con, chê con học kém, so sánh con với các bạn đạt điểm cao trong lớp.
Khi cô giáo đọc đến tên và chất vấn ai, người đó gần như muốn cúi gằm mặt xuống để tránh ánh mắt của hàng chục phụ huynh khác đang hướng về, bàn tán.
Cô cũng không ngại chất vấn phụ huynh làm công việc gì, bận rộn ra sao mà không dành thời gian kèm con học, để con học kém. Đa số phụ huynh trong lớp đều không đồng tình với cách ứng xử này của cô. Có lần, chị Thùy không trả lời ngay mà hỏi ngược lại rằng: "Cô giáo dạy thế nào mà để con tôi được điểm thấp như vậy?".
"Tôi hiểu việc giáo viên và phụ huynh trao đổi các vấn đề về giáo dục con cái là cần thiết. Các thầy cô cũng không muốn bị coi là thiếu trách nhiệm nếu không thông tin đủ về tình hình học tập của con. Nhưng giáo viên không cần thiết phải động một chút là phàn nàn như vậy.
Có gì cần nhắc nhở, thầy cô có thể nói riêng với phụ huynh và cùng nhau tìm cách giải quyết, thay vì phê bình trước tập thể khiến chúng tôi bẽ mặt", chị Thùy nói.
Học sinh bị chép phạt, đứng xó lớp
Mỗi lần nhắc đến cô giáo là con trai chị Lê Thị Hoài (Hà Nội) lại tỏ ra lo sợ. Thậm chí, những lúc cần con tập trung học bài, chị sẽ lấy cô giáo con ra để dọa.
Nhiều lần, chị Hoài thấy con đi học về với đôi mắt đỏ hoe. Hỏi ra mới biết con bị cô giáo bắt đứng xó lớp trong một tiết học. Đó là hình phạt cho tội làm thiếu bài tập về nhà.
Con gái lớn nhà chị thì sợ nhất môn ngữ văn vì thường xuyên phải chép phạt. Giáo viên quy định em nào không thuộc và phân tích được các đoạn văn, thơ sẽ phải chép lại 20 lần. Con còn quen với việc chép văn mẫu trên mạng để nộp bài vì sợ nếu trả bài kém chất lượng sẽ bị cô mắng trước lớp.
"Năm ngoái, con ở nhà học trực tuyến, thỉnh thoảng tôi lại nghe thấy giáo viên mắng các con là "làm bài thì quên vậy ăn có quên không". Tôi tưởng chỉ thế hệ chúng tôi ngày xưa mới phải nghe những lời đó. Chẳng nhẽ các thầy cô không còn cách nào phù hợp hơn để nhắc nhở học sinh", chị Hoài cảm thán.
Con chị Hoài kể, mỗi lần có đoàn thanh tra về, giáo viên chủ nhiệm lại dặn cả lớp rằng, nếu có ai hỏi các em có đi học thêm không thì phải trả lời là không, nếu được hỏi học bơi, âm nhạc có vui không thì phải nói là có. Trong khi các con phải học thêm từ ở trường đến nhà của các thầy cô, tiết thể thao, nghệ thuật thường xuyên bị thay thế bằng tiết ôn tập các môn khác.
"Tôi không thể chấp nhận việc giáo viên dạy học sinh gian dối như vậy. Hiếm hoi mới có phụ huynh lên tiếng phản đối, cô giáo trả lời rằng đó là việc cấp trên chỉ đạo, vì thành tích chung của lớp và nhà trường", chị Hoài nói.
Có con lớn học trường công, con nhỏ học trường tư, chị Nguyễn Thị Thùy so sánh, quan hệ giữa một số thầy - trò và phụ huynh trong trường công không cởi mở như ở trường tư.
Chị Thùy kể, thỉnh thoảng, con lớn nhà chị đi học về liền chạy vào nhà vệ sinh vì đã phải "nhịn" cả buổi. "Con bảo vì cả lớp đã bị mắng do có nhiều bạn xin cô đi vệ sinh nên con không dám xin nữa", phụ huynh này cho biết.
Chị Thùy cho biết thêm, ở trường tư nơi con gái nhỏ của chị đang học không bao giờ có chuyện giáo viên làm "bẽ" mặt phụ huynh như trên. Khi các con học yếu hay mắc lỗi, nếu cần phối hợp để giáo dục học sinh thì giáo viên trường tư sẽ hẹn gặp riêng bố mẹ các em. Kết quả học tập của học sinh cũng được gửi riêng.
Cuối mỗi học kỳ, giáo viên chủ nhiệm gửi kết quả và đánh giá tình hình học tập của học sinh cho phụ huynh biết. Sau đó, thầy cô thông báo thời gian đăng ký họp phụ huynh 1-1. Tức là giáo viên họp riêng với bố mẹ của từng em, nếu cần, học sinh cũng được họp cùng bố mẹ mình. Phụ huynh có thể không đăng ký họp nếu không có gì cần được làm rõ, đề xuất.
"Ở trường tư, mọi vấn đề về giáo dục con, chỉ có giáo viên và gia đình biết. Cô giáo sẵn sàng nói con chưa tốt ở điểm nào, cho con điểm kém chứ không chỉ khen để nịnh phụ huynh. Không bao giờ thầy cô đọc bảng điểm hay nhận xét, phê bình các con trước các bạn khác.
Ở buổi họp phụ huynh chung, cô giáo cũng dành phần lớn thời gian để chia sẻ về tâm lý của các con, bố mẹ nên dạy các con học hành, ứng xử ra sao", chị Thùy cho biết.
Từng chuyển con từ trường công sang trường tư, anh Lê Minh Hiếu (Hà Nội) cũng hài lòng với cách ứng xử của giáo viên trường tư.
"Trong buổi họp riêng với thầy giáo của con, thầy cho biết một số học sinh nghe thầy giảng là hiểu ngay, nhiều em cần thêm thời gian mới hiểu được, ví dụ như con tôi. Tôi liền thừa nhận do mình bận rộn, ít thời gian dạy con học.
Thầy nói rằng dạy học là nhiệm vụ của thầy, thầy được trả lương cho việc đó, nếu con tôi học yếu thì trước hết là do thầy, phụ huynh có thể giúp thầy bằng cách dành nhiều thời gian hơn cho con.
Tuy mục đích cuộc họp để bàn về chuyện con tôi học yếu nhưng tôi không có cảm giác bị phàn nàn hay trách móc. Sau đó, tôi tự nhận ra rằng mình cần kèm cặp con học nhiều hơn", anh Hiếu kể.
*Tên các nhân vật đã được thay đổi.