Những sự kiện nóng giáo dục tuần qua

(Dân trí) - Tuần qua, các thí sinh đã hoàn tất đăng ký dự thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH-CĐ, số thí sinh đăng ký xét tuyển vào ĐH năm nay chiếm tới 75% thí sinh đăng ký dự thi; “cô gái vàng Vật lý” giành học bổng 6,5 tỷ đồng của Viện công nghệ số 1 thế giới...

“Cô gái vàng Vật lý” giành học bổng 6,5 tỷ đồng của Viện công nghệ số 1 thế giới

Đinh Thị Hương Thảo (19 tuổi) vừa giành học bổng trị giá tới 6,5 tỷ đồng cho 4 năm học từ Viện Công nghệ danh giá nhất thế giới Massachusetts Institute of Technology University (MIT) tại Hoa Kỳ.

Sinh năm 1998, Hương Thảo từng đạt 2 huy chương vàng Olympic Vật lý quốc tế và được xem là “cô gái vàng” của Vật lý Việt Nam. Thảo hiện là sinh viên Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội).

Với niềm đam mê học tập, đặc biệt là Vật lý và các môn Khoa học tự nhiên, em liên tiếp giành các giải thưởng ngay từ bậc tiểu học. Năm lớp 9, em giành giải Nhì môn Vật lý tỉnh Nam Định, đoạt HCB kỳ thi cấp châu Á môn Vật Lý, HCV học sinh giỏi Vật lý khu vực Đồng bằng Bắc Bộ…


Đinh Thị Hương Thảo sẽ sang Mỹ nhập học vào tháng 8/2017.

Đinh Thị Hương Thảo sẽ sang Mỹ nhập học vào tháng 8/2017.

Con đường đến với học bổng từ Viện công nghệ hàng đầu thế giới tại Mỹ của Thảo có rất nhiều dấu ấn. Không chỉ là bộ hồ sơ với thành tích học tập xuất sắc, điểm chuẩn hóa cao, Thảo chinh phục hội đồng tuyển sinh bằng bài luận “nữ nhi với khoa học”. Được biết, bài luận của Hương Thảo có nội dung ngắn gọn (1 trong 5 bài luận theo yêu cầu của trường, chỉ giới hạn từ 100 đến 250 từ).

Rất đam mê các ngành khoa học kỹ thuật, đặc biệt là ngành khoa học vật liệu, Thảo thể hiện quyết tâm minh chứng rằng, con gái học tự nhiên giỏi không kém gì con trai, thậm chí sẽ thành công nếu thật sự đam mê và theo đuổi đến cùng.

Hà Nội: Cấm thi tuyển vào lớp 1, lớp 6

Theo Sở GD&ĐT Hà Nội tại hội nghị tuyển sinh ngày 20/4, các trường mầm non trên địa bàn phải có mã số tuyển sinh trước ngày 29/5. Các trường cấm thi tuyển vào lớp 1, lớp 6 cũng như không được tuyển sinh trước.

Năm học 2017-2018, Hà Nội tiếp tục áp dụng hình thức tuyển sinh trực tuyến vào các lớp mầm non 5 tuổi, lớp 1 và lớp 6. Thời gian tuyển sinh trực tuyến bắt đầu từ ngày 15 đến 26/6. Nhằm tránh nghẽn mạng do nhiều người truy cập cùng lúc, năm nay, thời gian vẫn chia ra 3 giai đoạn.

Cụ thể, với lớp 1 từ ngày 15-18/6; lớp mầm non 5 tuổi từ ngày 19-22/6; đăng kí tuyển sinh trực tuyến vào lớp 6 từ ngày 23-26/6. Tuyển sinh trực tiếp từ ngày 1/7-15/7. Sau ngày 15/7, những trường chưa tuyển đủ chỉ tiêu được giao phải báo cáo Phòng GD&ĐT. Căn cứ vào tình hình cụ thể của từng trường, Phòng GD&ĐT sẽ xem xét cho phép trường được tuyển bổ sung học sinh cho đủ chỉ tiêu.

Thời gian tuyển sinh bổ sung diễn ra từ ngày 18-20/7. Sở GD&ĐT yêu cầu các nhà trường tuyệt đối không được tuyển sinh trước thời gian quy định; các trường tiểu học và THCS không được tổ chức thi để tuyển học sinh vào lớp 1 và lớp 6 và cấm dạy trước chương trình cho trẻ lớp 1.

Đối với tuyển sinh lớp 6 với một số trường “hot”, vẫn theo phương thức xét tuyển, cấm thi tuyển dưới mọi hình thức (ảnh: minh họa)
Đối với tuyển sinh lớp 6 với một số trường “hot”, vẫn theo phương thức xét tuyển, cấm thi tuyển dưới mọi hình thức (ảnh: minh họa)

Công tác tuyển sinh đối với các trường trực thuộc Sở, các trường chuyên biệt, phải thực hiện tuyển sinh theo yêu cầu của Sở giao. Ngoài học sinh khuyết tật, việc tuyển học sinh hòa nhập phải ưu tiên tuyển sinh đúng tuyến nơi trường đóng.

Đối với tuyển sinh lớp 6 với một số trường “hot” như Amsterdam, vẫn theo phương thức xét tuyển. Nếu số lượng học sinh đăng kí vào học nhiều hơn chỉ tiêu tuyển sinh, nhà trường căn cứ vào tình hình thực tế để xây dựng phương án tuyển sinh phù hợp. Tuyệt đối không được thi tuyển dưới bất cứ hình thức nào.

Về thời gian tuyển sinh, các trường mầm non, tiểu học phải hoàn thành việc cấp mã số tuyển sinh cho học sinh lớp 1, lớp 6 trước ngày 29/5.

75% thí sinh đăng ký xét tuyển vào đại học

Chiều ngày 20/4, Bộ GD&ĐT cho biết, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào ĐH năm nay chiếm tới 75% thí sinh đăng ký dự thi, cao hơn năm trước khoảng 5%.

Theo Bộ GD&ĐT, tính đến 17h 20/04/2017, tổng số thí sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia: 859,835; trong đó số thí sinh đăng ký xét tuyển: 643,151 (74.8%); số thí sinh tự do: 79,714 (9.27%)

Tỉ lệ chọn các bài thi như sau: thí sinh đăng ký bài thi KHTN: 321,451 (37.39%); thí sinh đăng ký bài thi KHXH: 417,334 (48.54%); thí sinh đăng ký cả 2 bài: 71,046 (8.26%)

Do tổ hợp truyền thống toán- lý- hoá (khối A cũ) được nhiều ngành sử dụng để xét tuyển hơn tổ hợp văn- sử- địa (khối C cũ), nên số thí sinh đăng ký dự thi các môn khoa học tự nhiên trong kỳ thi THPT quốc gia cao vượt trội so với các môn khoa học xã hội.


Học sinh lớp 12 trường THPT Trưng Vương, TPHCM hoàn thành khâu nộp hồ sơ. (Ảnh: Lê Phương)

Học sinh lớp 12 trường THPT Trưng Vương, TPHCM hoàn thành khâu nộp hồ sơ. (Ảnh: Lê Phương)

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, dù năm nay không giới hạn số lượng nguyện vọng đăng ký xét tuyển nhưng thí sinh cũng không đăng ký quá nhiều nguyện vọng. Phần đông thí sinh chỉ chọn lựa 4-5 nguyện vọng xét tuyển. Thậm chí có đến 13% thí sinh chỉ đăng ký 1 nguyện vọng xét tuyển duy nhất, 30% thí sinh chỉ đăng ký 2 nguyện vọng.

Qua phân tích dữ liệu đăng ký xét tuyển cho thấy đa số thí sinh đã có suy nghĩ kỹ càng khi thực hiện đăng ký: đăng ký một vài nguyện vọng cao hơn kết quả thi dự kiến, một vài nguyện vọng sát với kết quả dự kiến và một vài nguyện vọng thấp hơn kết quả dự kiến.

Hải Phòng: Buộc giáo viên phải nghỉ dạy do... chưa bàn giao mặt bằng

Hàng loạt giáo viên của các trường học trên địa bàn huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) đã bị yêu cầu nghỉ dạy để về nhà vận động gia đình bàn giao mặt bằng phục vụ thi công mở rộng quốc lộ 10. Nếu gia đình nào chưa bàn giao thì giáo viên ấy chưa được quay lại làm việc.

Trong văn bản số 117/TB-UBND của UBND huyện Vĩnh Bảo ban hành ngày 14/4 do Phó Chủ tịch huyện Nguyễn Văn Khơi ký nêu rõ: Để đảm bảo tiến độ giải phóng mặt bằng quốc lộ 10 (QL10), UBND huyện Vĩnh Bảo thông báo và giao nhiệm vụ cho một số cán bộ quản lý trường học, giáo viên, nhân viên các trường học là đối tượng gia đình phải bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp QL10. Tạm thời cho giáo viên nghỉ việc để cùng với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động, thuyết phục gia đình và nhân dân chấp hành các quy định của pháp luật để bàn giao mặt bằng thi công dự án.

Đối với cán bộ quản lý ban giao việc điều hành đơn vị cho đồng chí khác.Thời gian tiến hành bàn giao công việc phải hoàn thành trước 17h ngày 14/4/2017.

Trên tinh thần nếu chưa hoàn thành việc bàn giao được mặt bằng đất nằm trong diện giải tỏa của các giáo viên thì họ chưa được quay lại giảng dạy.


Đường quốc lộ 10 ở đoạn mà nhiều gia đình giáo viên chưa bàn giao mặt bằng cho nhà thầu đã phải nghỉ dạy

Đường quốc lộ 10 ở đoạn mà nhiều gia đình giáo viên chưa bàn giao mặt bằng cho nhà thầu đã phải nghỉ dạy

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Văn Quyn, Bí thư huyện ủy Vĩnh Bảo thừa nhận có chỉ đạo trên. Ông Quyn cho biết: Do việc giải phóng mặt bằng để thi công mở rộng QL10 thời gian qua diễn ra chậm tiến độ nên huyện đã yêu cầu các đơn vị chức năng vào cuộc trong đó có các giáo viên. Những giáo viên có đất nằm trong diện giải tỏa mà chưa bàn giao mặt bằng sẽ được cho nghỉ dạy để về vận động gia đình bàn giao đất.

Ông Phạm Ngọc Quỳnh, Trưởng Phòng Giáo dục huyện Vĩnh Bảo cho biết thêm: có 7 giáo viên, hiệu trưởng của huyện nằm trong diện phải nghỉ việc về vận động gia đình bàn giao mặt bằng cho việc thi công QL10.

Khi PV đặt câu hỏi với ông Quyn, Bí thư huyện Vĩnh Bảo về việc cho giáo viên nghỉ sẽ ảnh hưởng đến kì thì học kì sắp tới của các học sinh, ông Quyn khẳng định nhà trường đã bố trí người dạy thay nên sẽ không có việc dạy học bị ảnh hưởng.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Đẩy mạnh kiểm soát chất lượng đào tạo từ xa

Ngày 21/4, Bộ GD&ĐT đã tổ chức Hội thảo nâng cao chất lượng Đào tạo từ xa theo xu thế phát triển của khu vực và thế giới.

Chương trình đào tạo từ xa (ĐTTX) được thực hiện ở Việt Nam từ năm 1993. Phương thức đào tạo chính mà các trường đại học áp dụng là phương thức ĐTTX truyền thống (hay còn gọi là đào tạo trực tiếp) và phương thức ĐTTX qua công nghệ trực tuyến (E-Learning).

Hiện nay, cả nước có 21 trường đại học tiến hành các chương trình ĐTTX nhưng đến nay chỉ có 17 trường đại học tuyển sinh được. Trong khoảng 3 năm trở lại đây quy mô ĐTTX giảm sút.


Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định: "Hình thức đào tạo từ xa cần được phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt đối với sự nghiệp giáo dục - đào tạo của nước ta, đây sẽ là bước đi đón đầu, đổi mới đúng hướng hiện đại hóa nhằm đào tạo ra đội ngũ lao động có đủ tri thức, kỹ năng thích ứng và hội nhập vào thế giới đang bước tiến mạnh mẽ vào kỷ nguyên cách mạng công nghiệp lần thứ 4".

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nhạ cho rằng, mô hình ĐTTX cần mở rộng, phát triển mạnh mẽ nhưng phải kiểm soát chất lượng vì không kiểm soát được chất lượng thì rất nguy hiểm. Chính vì vậy phải có giải pháp để kiểm soát chất lượng. Bởi, người học và giáo viên không tương tác trực tiếp với nhau, khó kiểm soát được kết quả chất lượng đào tạo.

"Quan điểm của Bộ GD&ĐT là đẩy mạnh hình thức đào tạo từ xa nhưng phải đảm bảo chất lượng. Phải kiểm soát đầu ra, tạo thị trường lành mạnh, bình đẳng công khai trong đào tạo" - Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh

Nguyên Chi

(Tổng hợp)