Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Đẩy mạnh kiểm soát chất lượng đào tạo từ xa
(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, mô hình Đào tạo từ xa (ĐTTX) cần mở rộng, phát triển mạnh mẽ nhưng phải kiểm soát chất lượng vì không kiểm soát được chất lượng thì rất nguy hiểm.
Ngày 21/4, Bộ GD&ĐT đã tổ chức Hội thảo nâng cao chất lượng Đào tạo từ xa theo xu thế phát triển của khu vực và thế giới. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã tới dự và chỉ đạo hội nghị.
Thách thức nghiêm trọng đối với hệ đào tạo từ xa
Chương trình đào tạo từ xa (ĐTTX) được thực hiện ở Việt Nam từ năm 1993. Phương thức đào tạo chính mà các trường đại học áp dụng là phương thức ĐTTX truyền thống (hay còn gọi là đào tạo trực tiếp) và phương thức ĐTTX qua công nghệ trực tuyến (E-Learning).
Hiện nay, cả nước có 21 trường đại học tiến hành các chương trình ĐTTX nhưng đến nay chỉ có 17 trường đại học tuyển sinh được. Trong khoảng 3 năm trở lại đây quy mô ĐTTX giảm sút.
Năm 2012, có 17 trường đại học đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh ĐTTX với tổng số là 68.020 chỉ tiêu, quy mô là 161.047 sinh viên theo học 90 chương trình đào tạo (chiếm 6% so với tổng số sinh viên ĐH, CĐ toàn quốc). Quy mô sinh viên giảm đáng kể, từ 161.047 sinh viên (tháng 10/2012) giảm xuống chỉ còn 70.425 sinh viên (tháng 10/2016).
Trong 3 năm gần đây, số lượng sinh viên theo học các nhóm ngành cụ thể như: Kinh doanh - quản lý: 36%; Khoa học xã hội: 41%; Giáo dục: 15%; Kỹ thuật - Công nghệ: 9%.
PGS.TS Lê Văn Thanh Viện trưởng Viện ĐH Mở, trưởng nhóm chuyên gia khảo sát về đào tạo từ xa cho rằng, ĐTTX đang bị thách thức rất nghiêm trọng, điều đó được thể hiện qua số lượng tuyển sinh của các trường có ĐTTX trên cả nước giảm rất mạnh nhiều năm liền. Điều này trái ngược với xu thế chung của khu vực và thế giới.
Hiện nay, công tác tuyển sinh hệ ĐTTX ngày càng gặp nhiều khó khăn, một phần do nguồn tuyển sinh chủ yếu là những người đã có việc làm, cơ bản đã hoàn thành phổ cập chương trình ĐH,CĐ muốn học các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, chuyên môn không cần lấy bằng cấp; nhiều trường đại học mới được thành lập đã tạo cơ hội cho người học nhiều sự lựa chọn hơn, làm giảm thị phần đối với ĐTTX; ngày càng có nhiều học sinh tốt nghiệp THPT lựa chọn nghề hơn là học ĐH,CĐ...
Ông Thanh cho hay, rào cản chính dẫn tới những khó khăn, thách thức mà các trường đại học có ĐTTX đang gặp phải hiện nay là Đảng và Chính phủ mặc dù đã có nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn cho việc phát ĐTTX nhưng chưa có kế hoạch hành động cụ thể ở cấp bộ, ngành.
Nhiều trường có ĐTTX chưa thực sự đầu tư công sức, tài chính để sản xuất học liệu và phát triển công nghệ, dẫn tới việc nhiều trường tổ chức dạy học tập trung tại các địa phương thông qua các trạm đào tạo, tạo ra sự biến tướng của loại hình đào tạo này. Nhiều trường chỉ xem hình thức đào tạo này như việc làm thêm để tăng nguồn thu cho nhà trường. Bên cạnh đó, quy trình quản lý và đảm bảo chất lượng còn lỏng lẻo dẫn tới chất lượng không đảm bảo, gây quan ngại cho dư luận xã hội.
Một vấn đề mà nhiều người băn khoăn học từ xa không có thầy dạy trực tiếp thì sao có chất lượng. Hơn nữa trên văn bằng cấp cho người học đã tốt nghiệp cũng thể hiện rõ sinh viên chính quy hay từ xa.
Ông Thanh cho biết, các yếu tố này có ảnh hưởng quan trọng đến nhận thức của xã hội về chất lượng và giá trị mà hình thức đào tạo từ xa mang lại. Định kiến đó khiến nhiều người nghi ngờ về chất lượng và văn bằng của loại hình đào tạo này và một số địa phương, người sử dụng lao động không tuyển dụng những người có bằng ĐTTX.
Ông Thanh thừa nhận, mặc dù đã triển khai được hơn 1 thập kỷ qua nhưng ĐTTX của Việt Nam vẫn đang trong quá trình xây dựng, nhiều hạn chế, yếu kém, đang tụt hậu so với các nước trong khu vực nhất là việc xét tuyển đầu vào không chặt chẽ như hệ chính quy, công nghệ đào tạo lạc hậu, công tác quản lý đào tạo chưa chặt chẽ, chưa khoa học.
Đặc biệt là tổ chức thi - kiểm tra chưa đảm bảo tính khách quan và chưa sàng lọc mạnh trong quá trình đào tạo, còn hiện tượng chạy theo số lượng, chạy theo thành tích, dẫn đến chất lượng đào tạo từ xa thấp, kéo theo những định kiến xã hội cho loại hình này.
Ông Thanh đã đưa ra nhiều nguyên nhân chính dẫn đến yếu kém trên là do chưa có chính sách và cơ chế để triển khai Quyết định 164/2005/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ; Công tác chỉ đạo quản lý việc tổ chức ĐTTX còn bất cập, tụt hậu từ nhận thức đến hành động; Giáo viên chưa được quan tâm; Chưa xây dựng được Bộ tiêu chuẩn và hệ thống kiểm định chất lượng; Phần lớn sử dụng chương trình đào tạo chính quy áp dụng cho ĐTTX; Quy trình và công nghệ kiểm tra chưa đánh giá đồng bộ, chưa xây dựng được hệ thống khảo thí độc lập...
Nhóm chuyên gia tổng kết chương trình ĐTTX đã đề xuất các giải pháp: rà soát, sửa đổi và xây dựng Quy chế ĐTTX mới ; xây dựng Bộ tiêu chính kiểm định chất lượng cho loại hình ĐTTX; Xây dựng, phát triển học liệu và công nghệ ĐTTX theo hướng ứng dụng mạnh mẽ CNTT để phát triển học liệu; đẩy mạnh hợp tác quốc tế; xã hội hóa trong việc phát triển ĐTTX.
Phải có giải pháp để kiểm soát chất lượng đào tạo từ xa
Tăng cường kiểm soát chất lượng
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định: "Hình thức đào tạo từ xa cần được phát triển mạnh mẽ. Đây là một trong những xu thế phát triển hiện đại, phương thức giáo dục phổ biến, có tính thời đại, người học có thể học mọi lúc, mọi nơi, có thể ngồi bất kỳ đâu cũng nghe được các bài giảng của GS ở những trường đại học nổi tiếng như ĐH Harvard hay ĐH Stanford... đây là một kho tàng trí tuệ mà người học mong muốn tiếp cận.
Đặc biệt đối với sự nghiệp giáo dục - đào tạo của nước ta, đây sẽ là bước đi đón đầu, đổi mới đúng hướng hiện đại hóa nhằm đào tạo ra đội ngũ lao động có đủ tri thức, kỹ năng thích ứng và hội nhập vào thế giới đang bước tiến mạnh mẽ vào kỷ nguyên cách mạng công nghiệp lần thứ 4".
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nhạ cho rằng, mô hình ĐTTX cần mở rộng, phát triển mạnh mẽ nhưng phải kiểm soát chất lượng vì không kiểm soát được chất lượng thì rất nguy hiểm. Chính vì vậy phải có giải pháp để kiểm soát chất lượng. Bởi, người học và giáo viên không tương tác trực tiếp với nhau, khó kiểm soát được kết quả chất lượng đào tạo.
Theo Bộ trưởng Nhạ, đành rằng, không phân biệt các loại văn bằng chất lượng giữa các hình thức đào tạo chính quy, phi chính quy, ĐTTX... nhưng đầu vào và chất lượng đào tạo của các loại hình này không như nhau. Ví dụ, chúng ta phải nhìn vào thực tế giữa đào tạo tại chức và chính quy hiện nay, chất lượng khác nhau.
"Chúng ta phải có quan điểm rất rõ, chất lượng là mẫu số chung. Ở đây cuối cùng quyết định là chất lượng chứ không phải loại hình đào tạo. Suy cho cùng, người học phải cảm nhận được chất lượng đào tạo. Do đó, chúng ta cần có sự mạch lạc về văn bằng đào tạo nếu không sẽ tạo ra sự mơ hồ cho người sử dụng. Đào tạo hình thức nào phải ghi rõ hình thức đó, chứ không thể tốt nghiệp ra giống nhau hết" - Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nhạ đã đưa ra 2 mục tiêu cùng đồng hành thực hiện để nâng cao chất lượng mô hình ĐTTX tại hội thảo:
Thứ nhất, làm thế nào để phát triển mạnh mẽ hình thức đào tạo từ xa không chỉ trình độ đại học mà các trình độ khác. Bên cạnh đó, muốn cung cấp các dịch vụ được mọi người tin tưởng thì các cơ sở đào tạo cần nhìn lại chính mình, phải tự nâng cao chất lượng từ giáo viên, cơ sở vật chất, công nghệ, học liệu, chương trình đào tạo, kiểm định chất lượng...
Thứ hai, các cơ sở đào tạo còn vướng mắc gì về chính sách, cơ chế cần có ý kiến góp ý để hoàn thiện quy chế đào tạo từ xa bậc đại học. Trong đó đặc biệt chú ý tới kiểm định chất lượng đào tạo.
"Quan điểm của Bộ GD&ĐT là đẩy mạnh hình thức đào tạo từ xa nhưng phải đảm bảo chất lượng. Phải kiểm soát đầu ra, tạo thị trường lành mạnh, bình đẳng công khai trong đào tạo" - Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh.
Hồng Hạnh