Quảng Trị:

Những người thầy “gieo chữ” trên dãy Trường Sơn

(Dân trí) - Được phân công lên các điểm trường vùng sâu, vùng xa dạy chữ, các thầy, cô giáo đã gác lại cuộc sống riêng để hết mực tận hiến cho sự nghiệp “trồng người” trên miền biên ải. Niềm mong mỏi lớn lao là học sinh của mình biết được con chữ, đọc thông viết thạo, điều mà các thầy, cô giáo xem là món quà ý nghĩa nhất.

Đến nhiều vùng núi xa xôi nhất của 2 huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị), chúng tôi đã chứng kiến tận mắt sự khó nhọc, vất vả của đội ngũ các thầy, cô giáo “cắm bản” dạy chữ. Trên dãy Trường Sơn, sự có mặt của các thầy, cô giáo được ví như là những người “ươm mầm xanh” cho tương lai.

Vượt lên những khó khăn, vất vả, các thầy, cô giáo vẫn quyết tâm bám trường, bám lớp. Vì tình yêu nghề, vì sự nghiệp “trồng người”, những thầy cô giáo nơi vùng sâu, vùng xa vẫn cần mẫn, tận tụy gắn bó với nghề để “ươm mầm” con chữ cho con em đồng bào dân tộc nơi đây.

Cô giáo Nga đã có thâm niên 8 năm dạy học ở huyện miền núi Hướng Hóa.
Cô giáo Nga đã có thâm niên 8 năm dạy học ở huyện miền núi Hướng Hóa.

Là một giáo viên trẻ, nhưng cô giáo Trần Thị Nga (quê ở Vĩnh Linh), đã tham gia dạy học ở miền núi hơn 8 năm và dường như đã nếm trải đủ sự khó khăn ở mảnh đất vùng cao Hướng Hóa.

Năm nay, cô Nga chuyển đến dạy học ở điểm trường Pa Lọ, xã Thanh. Cô Nga có con còn nhỏ nên để đảm bảo yêu cầu công tác cô phải đưa con theo để ở trọ, tiện cho việc giảng dạy. Chỉ những dịp cuối tuần, hoặc tháng mới về thăm nhà.

Cô Nga tâm sự: “Học trò nơi đây có nhiều em phải vượt quãng đường xa để đi học. Về mùa mưa, việc đến lớp càng trở nên gian nan, các em phải dậy sớm, lội trên những cung đường bùn lầy để đến lớp. Trước niềm đam mê học chữ của các em học sinh, cô và trò đã động viên nhau để vươn lên, nỗ lực dạy và học tốt hơn”.

Các giáo viên dạy học ở miền núi phải khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Ảnh: K. Huệ
Các giáo viên dạy học ở miền núi phải khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Ảnh: K. Huệ

Dạy học cách nhà hơn 50 km, cô giáo Lê Thị Ái Liên, công tác ở Trường TH&THCS Ba Tầng vẫn miệt mài với công tác giảng dạy. Là một giáo viên trẻ, khi mới vào công tác ở trường phải đối diện với rất nhiều khó khăn, vất vả.

Nhưng với lòng yêu nghề và bằng tình thương yêu con trẻ, chị Liên đã luôn tích cực trau dồi kiến thức, chịu khó nghiên cứu, tìm tòi sáng tạo để đưa ra phương pháp giảng dạy dễ hiểu giúp các em học sinh nắm chắc bài vở. Đáp lại tình thương yêu đó, học trò của cô luôn chăm ngoan, học giỏi, có ý thức hơn trong học tập.

Cô giáo Lê Thị Ái Liên chia sẻ: “Xác định lên công tác ở vùng sâu, vùng xa sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng với quyết tâm và lòng yêu nghề, mình luôn cố gắng vượt qua những khó khăn đó để đem đến con chữ cho các em ở đây. Giúp các em trở thành những người có ích, để sau này lớn lên góp sức xây dựng quê hương”.

Sau nhiều năm “cắm bản” dạy học ở Tà Păng, thầy Phan Trí được chuyển đến điểm trường Cù Bai, cách Tà Păng khoảng 5 km. Năm học này, thầy Trí lại trở về Tà Păng dạy học, có dịp cùng ăn, cùng ở với bà con để “gieo chữ” cho học sinh.

Thầy Trí hướng dẫn cho học sinh Tà Păng viết chữ.
Thầy Trí hướng dẫn cho học sinh Tà Păng viết chữ.

Thôn Tà Păng nằm giáp biên giới Việt- Lào, cách trung tâm xã Hướng Lập gần 15 cây số đường rừng. Địa bàn này trước đây là nỗi ám ảnh đối với các giáo viên lần đầu đặt chân lên “cắm bản”, bởi đường sá cực kỳ khó khăn trắc trở và trường học tạm bợ, thiếu thốn đủ bề.

Qua sự kết nối của Đồn Biên phòng Cù Bai, điểm trường Tà Păng được tu sửa, nâng cấp, làm mới một số phòng, kịp đưa vào sử dụng đầu năm học này. Dạy học trong căn phòng kiên cố, vừa được tu sửa, dựng mới thầy Trí hết sức vui mừng vì thầy và trò từ nay không phải vừa học vừa run.

Thầy Trí cho hay, trước đây điểm trường Tiểu học Tà Păng rất tạm bợ, xuống cấp trầm trọng. Mùa mưa bão đến cả thầy và trò vừa học vừa run vì sợ trường sập bất cứ lúc nào.

“Những lúc trời mưa to, mái nhà dột nước nên học sinh phải ngồi co cụm lại một chỗ, nhìn rất thương. Có khi nghe tin bão vào, chúng tôi phải linh động cho học sinh nghỉ học bởi quá nguy hiểm. Nhưng từ khi được các nhà hảo tâm giúp đỡ tu bổ, xây dựng phòng học mới thông qua sự kết nối của Đồn Biên phòng Cù Bai, thầy trò đều rất an tâm trong việc dạy và học. Bây giờ không còn cảnh vừa học vừa run như trước đây nữa”- thầy Trí bộc bạch.

Điểm trường Tà Păng được nâng cấp, tu sửa, đưa vào sử dụng trước năm học.
Điểm trường Tà Păng được nâng cấp, tu sửa, đưa vào sử dụng trước năm học.

Thầy Trí nói rằng, mình vất vả quen rồi, chỉ tội cho học sinh phải học tập trong điều kiện thiếu thốn, phòng học tạm bợ. Như vậy, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học. Nhưng trước mọi khó khăn, thầy và trò đều phải khắc phục, cố gắng vượt qua.

Dạy học ở những nơi “thâm sơn, cùng cốc”, dẫu phải đối mặt với nhiều khó khăn, vất vả, các thầy, cô giáo vẫn hết mực tận hiến cho sự nghiệp “trồng người”, vì mục tiêu cải thiện, nâng cao chất lượng giáo dục tại địa phương.

Đăng Đức – Sang Nghĩa

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm