Nhịn ăn để học đại học, cô giáo 47 tuổi sốc vì 9 năm nữa mới tăng lương

Hoàng Hồng

(Dân trí) - Hơn 300 giáo viên tại Hà Nội đã nộp đơn kiến nghị về Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT khi quy định mới khiến họ mất cơ hội tăng lương dù đạt chuẩn và có hàng chục năm cống hiến.

28 năm làm nghề, chờ gần 9 năm để nhận lương bậc đại học vẫn "hụt" vì thiếu 2 tháng

Thầy B.V.Q. ra trường năm 1995, hưởng lương trung cấp. Năm 2011, thầy Q. tốt nghiệp cao đẳng, được xếp lương cao đẳng và tiếp tục học lên đại học.

Tháng 10/2014, thầy Q. tốt nghiệp đại học. Tháng 11 cùng năm có đợt thi xét thăng hạng giáo viên từ hạng III lên hạng II, thầy Q. nộp hồ sơ nhưng bị loại.

Đợt xét thăng hạng năm học 2019-2020, thầy Q. tiếp tục nộp hồ sơ, bị loại lần thứ hai với lý do không có thành tích.

Đợt xét thăng hạng năm 2023, thầy Q. lại nộp hồ sơ. Song quy định mới tại Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT yêu cầu giáo viên hạng III phải có đủ 9 năm đạt chuẩn đào tạo theo Luật Giáo dục 2019, tức đủ 9 năm có bằng cử nhân đại học, tính đến hết thời hạn nộp hồ sơ là 30/8/2023. Chiếu theo quy định này, thầy Q. thiếu 2 tháng so với yêu cầu.

Đến bao giờ có đợt xét thăng hạng mới là điều mà thầy Q. và các giáo viên cùng hoàn cảnh không biết trước.

Tính đến thời điểm hiện tại, thầy Q. có 28 năm công tác trong ngành giáo dục, trong đó có 19 năm công tác tại vùng đặc biệt, bậc lương hiện hưởng là bậc 8, hệ số 4,58.

10 năm rồi thầy Q. chưa được tăng lương lên đúng bậc lương đại học.

Nhịn ăn để học đại học, cô giáo 47 tuổi sốc vì 9 năm nữa mới tăng lương - 1

Một buổi học ở bậc trung học cơ sở (Ảnh minh họa: Canva).

Một trường hợp khác là cô H.T.Y., 47 tuổi. Năm 2021, khi Bộ GD&ĐT ra các Thông tư 01,02,03,04/2021/TT-BGDĐT quy định cách xếp lương đối với viên chức là giáo viên mầm non, tiểu học, THCS và THPT, cô Y. đã đi học hàm thụ đại học với mục đích vừa nâng cao trình độ vừa tăng lương cải thiện đời sống. 

"Quyết định đối với tôi lúc đó không hề dễ dàng bởi cùng năm, con tôi cũng bắt đầu vào học đại học. Hơn hai năm cả mẹ và con học đại học là hơn hai năm khó khăn, chật vật, thắt chặt mọi kế hoạch chi tiêu, mỗi ngày chỉ được chi tiền ăn 30.000 đồng, mỗi tháng chỉ có một ngày bữa ăn được cải thiện với mức chi là 100.000 đồng. 

Ngày đi nhận bằng, tôi cầm theo cả cuốn sổ chi tiêu trong hơn hai năm đó, nước mắt ngắn dài vì vui sướng và hy vọng. Nhưng vừa cầm tấm bằng đại học được mấy tháng thì Thông tư 08 ra đời yêu cầu giáo viên phải có bằng đại học đủ 9 năm mới được thăng hạng từ hạng III lên hạng II", cô Y. nói trong nước mắt.

Trong hơn 20 năm công tác, cô Y. đạt được nhiều thành tích: năm 2010 đạt giáo viên giỏi cấp thành phố; năm 2021 đạt giải ba cấp huyện cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến người tốt việc tốt; năm 2023 đạt giải nhì giáo viên giỏi cấp huyện; 4 năm đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua; nhận huân chương về sự nghiệp giáo dục; có nhiều học sinh đạt giải thưởng học sinh giỏi, đỗ trường chuyên…

Thời gian công tác của cô Y. còn chưa đầy 10 năm, nếu đợi đủ 9 năm mới được thăng hạng đồng nghĩa với việc khi gần đến năm về hưu cô Y. mới nhận được mức lương đúng với bậc lương đại học của mình.

Cô L.T.H.V., 47 tuổi, có 25 năm công tác, tốt nghiệp đại học năm 2019, đạt chuẩn giáo viên theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT. Năm 2019-2020 có đợt xét thăng hạng giáo viên, không yêu cầu thời gian có bằng đại học, song hồ sơ của cô V. không được xét vì mới nhận bằng. Đợt xét thăng hạng năm 2023, cô V. tiếp tục nộp hồ sơ nhưng vướng phải quy định 9 năm như trên.

Căn cứ quy định, phải đến năm 2028, cô V. mới đủ điều kiện làm hồ sơ thăng hạng giáo viên hạng III lên hạng II, hưởng mức lương đại học. Hiện tại, lương của cô V. thấp hơn nhiều so với lương của các giáo viên trẻ tốt nghiệp đại học vừa ra trường. 

"Bao nhiêu năm công tác, những thành tích, đóng góp cho ngành giáo dục, trình độ, khả năng của chúng tôi đều không có ý nghĩa gì so với một tấm bằng. Vậy có phải là trọng bằng cấp hơn trọng năng lực hay không?

Hơn thế nữa, chúng tôi vừa có năng lực vừa có bằng cấp, nhưng Bộ lại xét thăng hạng dựa trên số năm nhận bằng, một con số không có bất kỳ ý nghĩa nào đối với chất lượng giáo viên, chất lượng dạy và học, có hợp tình, hợp lý hay không?", cô V. chất vấn.

Cô V. có 2 lần đạt chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, nhiều năm đạt giáo viên giỏi, có 2 sáng kiến cấp thành phố, cấp huyện, có bằng khen của thành Đoàn thành phố Hà Nội, có nhiều học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp huyện, cấp thành phố. 

Điều cô V. trăn trở là có những đồng nghiệp giỏi nghề, yêu nghề nay đã trên dưới 50 tuổi, chờ đến ngày đủ số năm quy định để được thăng hạng giáo viên, nhận đúng mức lương đại học thì đã về hưu mất rồi.

Quy định xét thăng hạng giáo viên của Bộ GD&ĐT như thế nào?

Năm 2022, Bộ GD&ĐT ra dự thảo thông tư "Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT, 04/2021/TT-BGDĐT ngày 2/2/2021 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập", trong đó việc xác định "thời gian tương đương" các hạng của giáo viên tiểu học và THCS được quy định cụ thể như sau:

Tại điểm 2 khoản 9 điều 2: "Thời gian giáo viên giữ hạng II, III và tương đương theo quy định tại Thông tư liên tịch số 21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV tương đương với thời gian giữ hạng II, III quy định tại Thông tư này. Thời gian giáo viên giữ hạng IV theo quy định tại Thông tư liên tịch số 21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV và đạt trình độ chuẩn được đào tạo đối với giáo viên tiểu học theo Luật Giáo dục 2019 được xác định là tương đương với thời gian giữ hạng III quy định tại Thông tư này."

Tại điểm 2 khoản 10 điều 3: "Thời gian giáo viên giữ hạng I, II, III và tương đương theo quy định tại Thông tư liên tịch số 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV tương đương với thời gian giữ hạng I, II, III quy định tại Thông tư này".

Trình độ đạt chuẩn được đào tạo với giáo viên tiểu học và giáo viên THCS hạng III được quy định trong Thông tư 21/2015/TTLT-BGDĐT-BNV và Thông tư 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16/9/2015 là có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm tiểu học hoặc cao đẳng sư phạm các chuyên ngành phù hợp với bộ môn giảng dạy trở lên, có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với giáo viên THCS.

Theo Nghị định 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020, viên chức được đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp cao hơn liền kề khi đáp ứng yêu cầu về thời gian công tác tối thiểu giữ chức danh nghề nghiệp hạng dưới liền kề theo yêu cầu của tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp dự thi hoặc xét thăng hạng.

"Trường hợp viên chức trước khi được tuyển dụng, tiếp nhận đã có thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo đúng quy định của Luật bảo hiểm xã hội, làm việc ở vị trí việc làm có yêu cầu về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp (nếu có thời gian công tác không liên tục mà chưa nhận trợ cấp bảo hiểm xã hội một lần thì được cộng dồn) và thời gian đó được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tuyển dụng tính làm căn cứ xếp lương ở chức danh nghề nghiệp hiện giữ thì được tính là tương đương với hạng chức danh nghề nghiệp hiện giữ", điểm d khoản 1 điều 32 của Nghị định nêu.

Như vậy, theo các thông tư và nghị định mà dự thảo sửa đổi các thông tư 01, 02, 03, 04 căn cứ đều xếp các hạng giáo viên dựa trên thời gian giữ chức danh nghề nghiệp và "tương đương" là từ thời điểm công tác có đóng bảo hiểm xã hội và yêu cầu đạt chuẩn trình độ đào tạo là bằng cao đẳng sư phạm. 

Tuy nhiên, trong thông tư 08/2023/TT-BGDĐT "Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT , 02/2021/TT-BGDĐT , 03/2021/TT-BGDĐT , 04/2021/TT-BGDĐT ngày 2/2/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập" ra ngày 14/4/2023 quy định viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp của giáo viên tiểu học hạng II (mã số V.07.03.28) và giáo viên THCS hạng II (mã số V.07.04.31) phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp hạng III hoặc tương đương từ đủ 9 năm trở lên (không kể thời gian tập sự) tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.

Nhịn ăn để học đại học, cô giáo 47 tuổi sốc vì 9 năm nữa mới tăng lương - 2

Học sinh tiểu học tại huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang (Ảnh: Trương Nguyễn).

Trong đó, định nghĩa "tương đương" được quy định là thời gian giáo viên giữ chức danh nghề nghiệp hạng III từ thời điểm đạt trình độ chuẩn được đào tạo theo Luật Giáo dục  2019, tức từ thời điểm có bằng cử nhân đại học.

Trong đơn kiến nghị, các giáo viên cho biết, Sở Nội vụ Hà Nội đang triển khai thu hồ sơ dự thăng hạng cho giáo viên theo thông tư 08/2023/TT- BGDĐT và yêu cầu giáo viên phải có bằng đại học từ năm 2014, đủ 9 năm tính đến hết thời gian nộp hồ sơ 30/8/2023 theo công văn 1783/SNV- CCVC. 

Với quy định này, nhiều giáo viên đã đạt trên chuẩn trước khi bổ nhiệm xếp lương hạng III mới (tức có bằng đại học trước năm 2019 theo Luật Giáo dục) vẫn không đủ điều kiện nộp hồ sơ.

"Thời điểm Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực, nhiều giáo viên đã nỗ lực hoàn thành xong chương trình đào tạo cử nhân theo chuẩn quy định của Bộ GD&ĐT. Những giáo viên lâu năm vốn rất thiệt thòi vì dù có được thăng hạng cũng chỉ có thể lên được bậc cao hơn so với hạng cũ một chút chứ không có cơ hội được đi đến hết bậc và không được nhảy mấy bậc như giáo viên trẻ.

Quy định trên gây thiệt thòi thêm nữa cho giáo viên, đặc biệt là những giáo viên lâu năm. Họ có thâm niên công tác hàng 10 năm, 20 năm, 30 năm với nhiều thành tích cao, bề dày kinh nghiệm và sự cống hiến cho nền giáo dục nước nhà nhưng chưa được, thậm chí là không bao giờ có cơ hội được thăng hạng nữa. Chúng tôi cảm thấy thật là đau xót", nội dung đơn kiến nghị viết.

Các giáo viên mong muốn Bộ GD&ĐT xem xét điều chỉnh Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT, chỉ yêu cầu giáo viên có bằng đại học 1 năm tính đến ngày hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng và có đủ 9 năm giữ hạng tương đương hạng III được nộp hồ sơ dự thăng hạng bổ sung trong đợt này.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm