Nhận xét học sinh: Thực hiện bằng cách đối phó?

(Dân trí) - Sau khi dự tập huấn thực hiện Thông tư 30 về đánh giá học sinh tiểu học bằng nhận xét và trải qua ngày đầu thực hiện (bắt đầu từ 15/10), nhiều giáo viên cho rằng công việc này chỉ có thể hoàn tất bằng cách… đối phó.

Giáo viên lúng túng

 
Chị Nguyễn Thị Dung, có con học lớp 4 tại một trường tiểu học ở quận 3 (TPHCM) cho hay, ngày 15/10 đến lớp, con trai chị cùng các bạn đã được thầy chủ nhiệm truyền đạt về việc từ giờ sẽ không chấm điểm mà chỉ ghi nhận xét.
 
Thầy nói chung chung rằng, điểm 9 - 10 sẽ tương ứng với lời nhận xét “Giỏi”, còn điểm 7 - 8 là “Khá”. Đồng thời thầy cũng thông báo sẽ không còn thi giữa kỳ, mỗi năm chỉ còn 2 kỳ thi.
 
Từ ngày 15/10, chính thức áp dụng đánh giá bằng nhận xét cho học sinh tiểu học
Từ ngày 15/10, chính thức áp dụng đánh giá bằng nhận xét cho học sinh tiểu học.
 
“Thầy cho điểm chưa chính xác với bài làm của con, mình có cơ sở để phản ánh. Còn nếu thầy nhận xét chung chung, không cụ thể, phụ huynh rất khó nắm bắt tình hình học tập cũng như khả năng của cháu”, chị Dung băn khoăn.
 
Trong những ngày qua, nỗi quan tâm của nhiều giáo viên (GV) tiểu học chỉ quanh chuyện nhận xét. Nhận xét thế nào, làm sao có đủ ngôn từ để nhận xét phù hợp, không trùng lắp, không gây nhàm chán cũng như làm sao để hoàn thành việc đánh nhận xét thường xuyên hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng.
 
Cô N.B.H., GV tiểu học ở Q.5 (TPHCM) cho hay, cô thấy việc nhận xét HS có những mặt tích cực. Tuy nhiên, việc nhận xét nên tùy HS, khi GV thấy cần thiết chứ việc bắt buộc nhận xét toàn bộ với cách làm như hiện nay thì quá bất cập.
 
 “Chúng tôi đang được tập luyện chữ bằng việc nhận xét HS ở lớp rồi nhận xét vào sổ theo dõi, học bạ, liên lạc. Chưa kể còn yêu cầu các lời nhận xét phải khác nhau cho gần 50 HS. GV bây giờ thành nhà phê bình rồi chứ không phải tập trung dạy chữ, dạy người nữa”, cô H. cho hay.
 
Với những bài HS làm tốt, trên trung bình còn dễ nhận xét. Nhiều tình huống như môn Toán, HS làm sai hết, GV không biết phải nhận xét thế nào. Rồi việc hàng ngày nhận xét nhưng thi cuối kỳ, cuối năm lại dùng điểm số, phức tạp cho cả thầy lẫn trò.
 
Ở nhiều nơi, GV chỉ tập huấn về thực hiện thông tư bỏ đánh giá bằng điểm số chuyển sang nhận xét trước 1 -2 tuần, thậm chí chỉ một vài ngày trước khi chủ trương chính thức có hiệu lực.
 
Hơn nữa, ngay trong những buổi tập huấn, nhiều GV cũng cho hay đề cập nhiều nội dung thông tư hơn là đi sâu vào cách thực hiện cụ thể. Cho nên dù đã chính thức đến thời điểm bắt tay vào thực hiện, GV vẫn còn rất mơ hồ, lúng túng.
 
Hoàn thành bằng… đối phó?
 
Để hoàn thành đánh giá không cho điểm HS theo cách làm hiện nay, nhiều GV cho rằng chỉ có cách thực hiện một cách đối phó.
 
“Không đối phó thì làm bằng cách nào để xong hồ sơ sổ sách? Không đối phó lấy gì để nhận xét hàng chục hàng sinh trong mỗi lớp và hàng trăm, hàng ngàn HS đối với GV bộ môn?”, cô L.T.A., một giáo viên tiểu học ở Q.1 (TPHCM) đặt ra vấn đề.
 
Với áp lực này, theo cô L.A., GV sẽ dùng những từ nhận xét một cách hình thức với những lời nhận xét có mức độ an toàn nhưng sáo rống, vô nghĩa như “tốt” “giỏi”, “có cố gắng”, “cần cố gắng”, “có tiến bộ”… để đánh giá HS.
 
Giáo viên TPHCM chụp lại hình ảnh bài nhận xét trong buổi tập huấn về nhận xét bằng cho điểm
Giáo viên TPHCM chụp lại hình ảnh bài nhận xét trong buổi tập huấn về nhận xét bằng cho điểm.
 
Tại ngày tập huấn về thực hiện Thông tư 30 của một Phòng GD-ĐT ở TPHCM, chúng tôi nêu ra thắc mắc với cán bộ tập huấn làm sao một GV bộ môn có thể nhận xét hàng ngàn HS hàng tuần và còn vào sổ theo dõi hàng tháng mà vẫn đảm bảo hiệu quả giáo dục.
 
Chuyên viên của phòng trả lời rằng nếu chờ cuối tháng mới nhận xét thì không thể xong. Ngay từ đầu tháng ngày nào GV cũng phải nhận xét, vào sổ cho các em chứ không để đồn.
 
Hóa ra không cần chờ xem kết quả, sự thay đổi của HS trong tháng ra sao thì đầu tháng thấy cô đã vung bút “phê” trong sổ. Như vậy, suy cho cùng việc nhận xét vào sổ theo dõi chỉ mang tính hình thức pha lẫn sự dối trá. Nhưng xem ra cũng chỉ có cách đó GV mới xong được khoản sổ sách.
 
Phương thức đối phó được ngay những người có trách nhiệm tập huấn thông tư đề cập thì rõ ràng chủ trương này còn quá còn quá nhiều vấn đề.
 
Với những nhà giáo có tâm, việc dùng đến những chiêu đối phó trong hoạt động giáo dục chẳng khác nào ép họ “đưa tay tát mặt mình”. Một lời khen, một ý kiến đánh giá với HS quan trọng nhất là phải thật lòng và đúng với khả năng các em. Còn đây đâu khác nào đánh giá cho có, nhận xét cho xong.
 
Tâm lý đối phó đánh giá bằng nhận xét đang xuất hiện rất nhiều ở GV, họ còn truyền cách thức cho nhau trên nhiều diễn đàn, qua Facebook cùng tâm trạng bức xúc, ức chế. Ngay với nhiều lãnh đạo nhà trường cũng phải thừa nhận rằng chỉ có đối phó GV mới làm nổi khi không còn cách nào khác.
 
Phải chăng việc đối phó này xuất phát từ một chủ trương, quy định có thể hay, có thể tiên tiến, tích cực nhưng thiếu phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế?
 
Đưa vào quá vội vàng
 

Phó hiệu trưởng một trường tiểu học ở TPHCM cho rằng thông tư 30 đưa vào quá vội vàng, chỉ lấy ý kiến trong mấy tháng hè nên chưa thể thu nhận được nhiều đóng góp.

 
Theo bà, lẽ ra thời điểm này, cùng với nội dung thông tư có các loại sổ sách, cách thức thực hiện đi kèm nên tiếp tục lấy ý kiến đóng góp để bổ sung, điều chỉnh tìm phương án tốt nhất chứ chưa nên đưa vào thực hiện ngay.
 
Hơn nữa, năm ngoái ở TPHCM đã áp dụng nhận xét cho lớp 1, chỉ nên tiếp tục thực hiện cuốn chiếu từ khối lớp này chứ không nên áp dụng cho các khối lớp sau. Như khối lớp 5, tự nhiên các em phải “thử nghiệm” một năm, sang năm lên 6 lại chấm điểm như thường.
 
Hoài Nam