Nguy cơ tai nạn trên... sân trường

Sau sự việc chiếc xe ô tô Audi Q5 mất lái, đâm vào 2 xe ô tô đang đỗ trong sân trường THCS Ba Đình (quận Ba Đình, Hà Nội), một số phụ huynh đã bày tỏ lo lắng về sự an toàn của con em mình khi sân trường biến thành điểm trông giữ xe.

Sân chơi bị thu hẹp dần

Tuy chiếc xe ô tô mất lái trong khuôn viên Trường THCS Ba Đình không gây thiệt hại về người nhưng sự việc này khiến nhiều bậc phụ huynh lo lắng trước tình trạng hiện nay nhiều trường đang tận dụng khoảng sân chơi của các em làm nơi trông giữ xe ô tô, ảnh hưởng đến sự an toàn và môi trường học tập của con em mình. Chị Nguyễn Thu Hương, ở phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm cho biết, việc các trường tận dụng mặt bằng để tổ chức bãi đỗ ô tô trong sân trường khiến không gian vui chơi của học sinh bị thu hẹp. Với mức phí trông xe ô tô trung bình từ 800.000 - 1.200.000 đồng/tháng/xe, nhiều trường sẵn sàng “cắt” bớt diện tích sân chơi của học sinh để thu lợi. “Nhiều hôm tôi và các phụ huynh khác đưa đón con, đến cổng trường vừa dừng xe, vừa phải tìm cách tránh những chiếc ô tô từ sân trường đi ra. Điều này không chỉ gây nguy hiểm cho tính mạng  học sinh mà còn gây lộn xộn, mất trật tự an toàn giao thông”  - chị Hương phàn nàn.
 
Khu vực đỗ xe ô tô tại Trường THCS Ba Đình (quận Ba Đình, Hà Nội). (Ảnh chụp sáng 23/4)
Khu vực đỗ xe ô tô tại Trường THCS Ba Đình (quận Ba Đình, Hà Nội). (Ảnh chụp sáng 23/4)

Anh Nguyễn Hoàng Hiệp, ở đường Nguyễn Sơn, quận Long Biên bày tỏ: “Việc một số trường học tận dụng triệt để diện tích sân trường để trông giữ xe ô tô là sai quy định. Bản thân các trường đã phải dành một phần diện tích để trông giữ xe cho giáo viên và học sinh, bây giờ lại “mọc” ra bãi gửi xe ô tô cho khách bên ngoài thì còn đâu sân chơi cho các cháu”. Nhiều phụ huynh đặt câu hỏi, Nhà nước đã đầu tư hàng tỷ đồng để hoàn thiện cơ sở vật chất, hạ tầng cho các trường, vậy việc các trường tự ý mở thêm “dịch vụ” giữ xe liệu có hợp lý? Chưa kể việc những phương tiện này liên tục vào, ra sẽ làm cho sân trường nhanh chóng bị hư hỏng, xuống cấp.

Lý giải về hiện tượng này, đại diện một trường Tiểu học ở quận Đống Đa cho biết, do chủ các phương tiện tìm đến trường xin được gửi xe qua đêm, trong khi sân trường để trống vào buổi tối nên nhà trường đã cho phép nhân viên bảo vệ đảm nhận công việc trông giữ xe, tạo điều kiện để họ tăng thêm thu nhập. Thời gian trông giữ xe thường là từ 18h chiều hôm trước đến 6h sáng hôm sau. Còn những ngày nghỉ, học sinh không phải đến trường thì nhà trường cho chủ các phương tiện gửi cả ngày. Tuy nhiên, theo ghi nhận của chúng tôi, có không ít trường vẫn nhận trông giữ xe cả ngày lẫn đêm tất cả các ngày trong tuần. Điều đáng nói là việc các trường tổ chức trông giữ xe trong khuôn viên trường mình là do tự phát, chính quyền địa phương hầu như không biết hoặc có biết cũng không quản lý được. 

Cần siết chặt quy định

Liên quan đến việc chiếc xe ô tô gặp sự cố trong sân trường THCS Ba Đình, theo bà Nguyễn Thị Bình - Hiệu trưởng nhà trường, sự việc xảy ra vào 9h20 sáng thứ bảy (ngày 20/4) - học sinh vẫn đi học bình thường, chiếc xe do cô L.M.H - một giáo viên trong trường điều khiển. Khi đang lái xe từ cổng vào chỗ đỗ trong sân, xe đột nhiên tăng ga khiến cô H bị bất ngờ, mất tự chủ nên đã va chạm vào 2 chiếc xe ô tô trước mặt. Theo tường trình của cô H, trước đó ít hôm, màn hình hiển thị của chiếc xe này đã báo xe cần bảo dưỡng nhưng cô H chưa mang xe đi được. Có thể đây chính là nguyên nhân dẫn đến sự cố đáng tiếc nêu trên.

Cùng theo bà Bình, thời điểm xảy ra va chạm, học sinh đang trong giờ học nên không xảy ra tai nạn về người, 2 chiếc xe bị va chạm cũng chỉ xây xước nhẹ. Do toàn trường hiện có gần chục giáo viên đi xe ô tô nên Ban Giám hiệu đã đề ra nguyên tắc, khi xe vào trường bắt buộc phải có bảo vệ chỉ dẫn vào điểm đỗ. Ngay sau khi xảy ra sự cố trên, Ban Giám hiệu đã trực tiếp gặp gỡ các giáo viên đi xe ô tô đến trường để kiểm điểm, rút kinh nghiệm đồng thời họp Hội đồng giáo dục, đề ra quy định chặt chẽ hơn. Cụ thể là: Mọi giáo viên khi đi xe ô tô đến trường phải đảm bảo an toàn tuyệt đối đối với tính mạng của thầy cô và học sinh, khi đến cổng trường phải có tín hiệu nhờ bảo vệ hỗ trợ chỉ dẫn. Những thầy cô có giờ dạy vào tiết 1 hoặc giáp tiết 3 (thời điểm học sinh xuống sân trường vui chơi) phải đến trường sớm hơn so với giờ quy định, trước khi học sinh ra chơi.

Trả lời câu hỏi: “Có hay không việc nhà trường tổ chức trông giữ xe ô tô trong sân trường”, bà Bình cho biết, do diện tích trường khá chật hẹp nên ngoài số xe ô tô của các thầy cô, nhà trường chỉ nhận thêm số ít xe vãng lai của người thân giáo viên trong trường. Tuy vậy, số xe này không đáng kể, chỉ gửi khi cần kíp và phải tuân thủ quy định vào trường sau 18h tối và ra khỏi trường trước 6h sáng. Đối với những chiếc xe này, bảo vệ hoàn toàn chịu trách nhiệm và chỉ được phép nhận trông giữ khi thấy điều kiện bến bãi cho phép. Để đảm bảo an toàn về phòng chống cháy nổ, trường cũng thường xuyên tổ chức tập huấn về công tác phòng cháy chữa cháy cho lực lượng bảo vệ. Ngày 10/5 tới, trường sẽ phối hợp với 1 số đơn vị liên quan triển khai tập huấn phòng chống cháy nổ trong toàn trường.

Còn theo một đại diện của Sở GD&ĐT Hà Nội, hiện Sở chưa có quy định nào về vấn đề trông giữ xe ô tô trong các trường học. Việc này do các trường quyết định và tự chịu trách nhiệm. 

Rõ ràng, việc tổ chức trông giữ xe trong các trường học hiện nay đang diễn ra khá phổ biến và tiềm ẩn nguy cơ cao về hỏa hoạn và tai nạn giao thông. Trước tình trạng này, đề nghị Sở GD&ĐT Hà Nội cần tiến hành kiểm tra tổng thể và sớm có chỉ đạo kịp thời. Bên cạnh đó, các trường cũng cần rà soát, bố trí lại địa điểm trông giữ xe một cách hợp lý trên cơ sở cân đối giữa diện tích có thể tận dụng được và diện tích vui chơi cho học sinh, có quy định chặt chẽ, nghiêm ngặt về giờ giấc xe ra vào, tránh tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”.

Theo An Ninh Thủ Đô