Người thầy khiếm thị gieo chữ cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt

(Dân trí) - “Người ta thường nói rằng, ông trời không lấy đi của ai tất cả. Đúng như vậy, dù số phận tôi kém may mắn hơn người khác nhưng tôi vẫn còn cơ hội được đứng trên bục giảng. Dù gian nan, vất vả, nhưng bản thân tôi vui vì gieo được con chữ cho những người đồng cảnh ngộ, giúp họ hòa nhập cộng đồng, thêm yêu đời, yêu cuộc sống”, thầy Khương chia sẻ.

Là một thầy giáo bị mất thị lực hoàn toàn, trong cuộc sống cũng gặp nhiều khó khăn nhưng bằng niềm đam mê với sự nghiệp trồng người, thầy giáo Hoàng Văn Khương (43 tuổi) đã nỗ lực vượt khó. Gần 20 năm qua, thầy miệt mài gieo chữ cho những học sinh chậm phát triển trí tuệ, mất thị giác tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng (tiền thân là trường Phổ thông Chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu).

Thầy Khương vốn là một người sáng mắt. Năm 1997, thầy tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk chuyên ngành Lịch sử. Ra trường với biết bao hoài bão ấp ủ, thầy tình nguyện xin dạy ở một trường miền núi xa xôi của tỉnh Đắk Lắk. Nhưng chỉ được 3 năm ngắn ngủi, mắt thầy mờ dần rồi mù hẳn.

Người thầy khiếm thị gieo chữ cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt - 1

Thầy giáo Hoàng Văn Khương luôn nỗ lực vượt lên vì sự nghiệp giáo dục

Không cho phép bản thân mình đầu hàng trước số phận, thầy cố gắng vượt qua khó khăn. Thầy Khương bắt đầu tìm học những thứ mới để phục vụ cho công tác giảng dạy cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Sau đó thầy xin về dạy môn Lịch Sử (cấp 2 - 3) tại Trường Phổ thông chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu (TP Đà Nẵng) vào năm 2001. 

Gần 20 năm gắn bó với nhiều thế hệ học sinh có hoàn cảnh đặc biệt tại ngôi trường này, thầy Khương hiểu rõ những khó khăn mà học sinh đang trải qua, đặc biệt là việc tiếp thu nội dung các bài giảng. Thầy đã nghĩ ra nhiều phương pháp giảng dạy hay và đơn giản giúp các em vừa tiết kiệm được thời gian học nhưng vẫn nắm vững được kiến thức.

Người thầy khiếm thị gieo chữ cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt - 2

Nội dung bài học được thầy Khương mô phỏng qua các mô hình nổi.

“Đối với các bài học có nội dung dài và phức tạp, tôi thường lọc lại các ý, sự kiện chính từ đó đi sâu phân tích, làm rõ những vấn đề mà các em chưa hiểu. Ngoài ra, cách photo các ý chính ra thành cỡ chữ lớn hơn để giúp các em thị lực kém hoặc chậm phát triển về trí tuệ dễ đọc”, thầy Khương chia sẻ.

Thầy cũng là tác giả của các mô hình nổi, thông qua cách cắt các tấm bìa cứng hoặc xốp thành hình các đồ dùng, con vật, biểu tượng... mô phỏng lại nội dung bài học. Thông qua các mô hình của thầy, học sinh bị mất thị giác hoàn toàn khi chạm vào sẽ dễ liên tưởng và nhớ bài lâu hơn.

Bên cạnh đó, thầy còn sử dụng các bài giảng của mình hoặc các bài phân tích của các chuyên gia được thầy ghi âm lại để mở cho học sinh nghe.

Thầy Khương cho hay, bằng sự đồng cảm và thương yêu học sinh thầy coi chúng nó như những đứa con của mình. Thầy luôn cố gắng giảng dạy và sáng tạo những mô hình học tập để các em tiếp cận kiến thức dễ dàng hơn.

Người thầy khiếm thị gieo chữ cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt - 3

Thầy Khương là tấm gương sáng cho tập thể thầy và trò của trường học tập và noi theo.

“Số phận của tôi không may mắn như những người bình thường khác, thế nhưng, người ta nói rằng, ông trời không lấy đi của ai tất cả. Tôi vẫn còn cơ hội được đứng trên bục giảng. Dù gian nan, vất vả, nhưng bản thân tôi vui vì giúp được những người đồng cảnh ngộ như mình biết chữ để hòa nhập cộng đồng, thêm yêu đời, yêu cuộc sống”, thầy Khương chia sẻ.

Bà Đỗ Thị Đỗ Quyên, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng cho biết thầy Hoàng Văn Khương là một giáo viên tâm huyết với nghề.

“Thầy đã xây dựng được nhiều cách dạy mới, mô hình hay giúp học sinh bị khiếm khuyết dễ tiếp thu hơn. Dù bản thân bị mất thị lực hoàn toàn nhưng thầy đã cho thấy nghị lực biết vươn lên, thầy là tấm gương sáng cho tập thể thầy và trò của trường học tập và noi theo”.

Thành Vân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm