Người thầy giáo không nghỉ
(Dân trí) - Mặc dù đã bước vào cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng thầy vẫn giữ được phong thái điềm tĩnh và sự minh mẫn, nhanh nhẹn vốn có của mình. Đó là thầy Trần Văn Diệu (SN1923) tại làng Long Giang, xã Hưng Lam, Hưng Nguyên).
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình Nho giáo có truyền thống yêu nước (cố nội của thầy là cụ Trần Hữu Dực, hiệu là Yên Tử, ông ngoại thầy là cử nhân Nguyễn Văn Điển cùng hoạt động trong phong trào văn thân sỹ phu yêu nước cuối thế kỷ 19, song thân của thầy cũng là hạt nhân trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh).
Ra trường, thầy trở về quê hương và tiếp tục tham gia các phong trào đấu tranh yêu nước, đảm nhận nhiệm vụ tuyên truyền và tập hợp thanh niên yêu nước xã Nghĩa Liệt (Hưng Lam ngày nay). Ngày 19/8, nhận lệnh tổng khởi nghĩa, thầy được phân công tập hợp lực lượng và chỉ huy đoàn biểu tình các tổng Phù Long, Thông Lạng kéo lên phủ Hưng Nguyên. Cuộc biểu tình thắng lợi, chính quyền cách mạng được thành lập, thầy đựơc phân công làm Uỷ viên quan sự Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời phủ Hưng Nguyên.
Thầy đảm nhận nhiều chức vụ khác nhau trong chính quyền mới: Chủ tịch đầu tiên của xã Hùng Lam, phó Bí thư đoàn thanh niên huyện, cán bộ địch vận Ban chỉ huy Mặt trận Hà Nội, cán bộ Tuyên huấn Huyện uỷ Hưng Nguyên.
Năm 1953, thầy được phân công về công tác tại Ty giáo dục, sau đó được phân công lên Nghĩa Đàn phụ trách đào tạo văn hoá cho cán bộ dân tộc các huyện miền núi.
Năm 1954, trường được chuyển về xuôi, thầy được đề bạt giữ chức vụ hiệu trưởng trường Văn hoá dân tộc Nghệ An. Trong thời gian này, thầy học hàm thụ và tốt nghiệp Đại học sư phạm và đảm trách nhiệm vụ Thư ký văn xã UBND tỉnh. Đầu năm 1972, thầy được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng trường cấp 3 Hưng Nguyên.
Với kinh nghiệm trong thời gian công tác ở Ty giáo dục và trường Văn hoá Dân tộc Nghệ An. Thầy đã xây dựng và phát động các thầy cô giáo dạy học theo phương pháp mới. Thầy chia sẻ: “Chúng tôi chú trọng phát triển tư duy của học sinh bằng cách hướng dẫn các em tiến hành các thí nghiệm. Giáo viên chỉ hướng dẫn cách làm thôi sau đó để các em thực hành và tự rút ra kết luận cho bài học”.
Phương pháp mới đã tạo được sự hào hứng trong các em học sinh. Đối với giáo viên và công nhân viên, thầy đề ra phương pháp quản lý theo định mức. Các hoạt động giảng dạy, hoạt động ngoại khoá của giáo viên đều được chấm điểm. Cuối tháng, nhà trường căn cứ vào số điểm giáo viên đạt được mà có hình thức khen thưởng, bình bầu các danh hiệu thi đua hay phê bình. Phương pháp này đã tạo ra không khí thi đua sôi nổi trong toàn thể giáo viên nhà trường. Từ đó chất lượng dạy và học được nâng lên rõ rệt.
Giáo viên và học sinh các lớp tự nhào đất, đóng gạch và xây dựng lò đốt để chuẩn bị xây trường. Ròng rã 3 năm trời, vừa dạy, vừa học, vừa lao động và xây dựng thì đến năm 1975 một ngôi trường khang trang: 3 dãy phòng học cấp 4 với 18 phòng học, 2 phòng thí nghiệm, 2 nhà giáo viên, phòng chuyên môn, nhà truyền thống, hội trường, văn phòng Ban giám hiệu được hoàn thành trên diện tích 3ha ở Hưng Thông. Cũng trong năm 1975, trường chính thức được mang tên Trường THPT Lê Hồng Phong - người con kiệt xuất của quê hương Hưng Nguyên.
Với nỗ lực của hiệu trưởng Trần Văn Diệu và cố gắng của tập thể giáo viên, học sinh chỉ trong một thời gian ngắn, trường THPT Lê Hồng Phong đã trở thành điểm sáng trong giáo dục (1 trong 3 trường dẫn đầu về chất lượng) của Tỉnh Nghệ Tĩnh lúc bấy giờ. Thầy Diệu được công nhận là Chiến sỹ thi đua cấp tỉnh. Tháng 10/1978, trường vinh dự được Bộ trưởng bộ giáo dục Nguyễn Thị Bình về thăm và khen ngợi. Sau 9 năm gắn bó với ngôi trường này, năm 1981 thầy xin nghỉ hưu “để cho lớp trẻ có điều kiện phát huy”.
Về hưu nhưng thầy chẳng chịu nghỉ lấy một ngày. Thầy tham gia biên soạn lịch sử Đảng bộ các xã và Đảng bộ huyện Hưng Nguyên, tham gia CLB người cao tuổi xã Hưng Lam. Khi vợ chồng thầy chuyển về khối 15, thị trấn Hưng Nguyên sinh sống với gia đình con trai thì thầy nhận phụ trách hội Khuyến học của khối.
Mặc dù tuổi đã cao nhưng thầy vẫn đều đặn thăm gia các buổi sinh hoạt Chi bộ. Với thầy, “còn sức, còn cống hiến” nên khi Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được phát động, thầy là người hăng hái tham gia và hưởng ứng cuộc vận động lớn này. Thầy kỳ công sưu tập những lời dạy, những câu chuyện kể về Bác trên các báo và đóng thành 2 quyển sách. Quyển sách “Những lời dạy sáng ngời chân lý, thấm đẫm ân tình của Hồ Chủ tịch” được chia theo từng chương mục với những nội dung: Di chúc, đạo đức Hồ chí Minh, tự phê bình và phê bình…
Cứ mỗi buổi sinh hoạt thầy lại trích một vài câu phù hợp với nội dung cuộc họp để đọc cho các đồng chí trong chi bộ nghe. Thầy bảo: “Cứ mỗi bữa đọc cho các đồng chí trong chi bộ nghe một vài lời dạy hay một câu chuyện về Bác. Có thể ngay trong một lúc các đồng chí chưa hiểu hết được ý nghĩa cũng như giá trị của những lời dạy của Bác nhưng “mưa dầm thấm lâu”. Từ “thấm” đến “làm theo” sẽ không xa”. Sơ kết 2 năm Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” thầy Diệu đã được bình chọn là cá nhân tiêu biểu của huyện Hưng Nguyên.
Nguyễn Duy - Hoàng Lam