Người Thầy giáo - Họa sĩ tâm huyết với nghề

(Dân trí) - Ngày Nhà giáo VN năm nay, món quà ý nghĩa nhất với thầy giáo - họa sĩ công nhân Văn Thao không phải là danh hiệu này hay giải thưởng khác, mà là bảng danh sách 299 học sinh trong 10 năm đã tốt nghiệp hoặc đang học kiến trúc sư, kĩ sư, họa sĩ…

Tôi với Văn Thao là bạn công nhân từ ngày Nhà máy Luyện thép Lưu xá đang khôi phục, chuẩn bị sản xuất mẻ thép lò bằng đầu tiên sau ngày đất nước thống nhất. Tôi là thợ sửa chữa điện, còn Văn Thao là thợ lái cầu trục trong nhà xưởng.  Chúng tôi chơi với nhau vì cùng là công nhân, cùng là cộng tác viên (CTV) của Đài Truyền thanh Khu Gang thép Thái Nguyên. Lúc đó ở Đài Truyền thanh công nhân này đã có những bậc đàn anh trong làng văn, làng báo: Nhà văn Xuân Cang, các nhà báo Trịnh Thanh Sơn, Nguyễn Đức Thiện, Nguyễn Anh Bình…

 

Lớp CTV của Đài dễ có hơn chục người. Trong đó có Chu Hồng Hải (công nhân lái tàu, sau này thành nhà văn, vào Nam sinh sống, đã mất), Nguyễn Huấn (CN lái tàu, sau về học ĐH sân khấu, bây giờ làm ở Đài TNVN), Đào Thành Lạng (sau này về Nhà Văn hoá Công ty), tôi đi học ĐH báo chí rồi làm báo ở Hà Nội. Chỉ còn Văn Thao vẫn ở Nhà máy Luyện thép lâu hơn cả. Con đường đi lên của anh cũng khác chúng tôi và anh đã trở thành một công nhân đặc biệt - “công nhân họa sĩ” và là “thầy giáo công nhân”.

 

Bắt đầu từ một lớp vẽ phong trào

 

Văn Thao kể: Hơn 30 năm rồi, mình không thể quên bác Huỳnh Tấn Bính (quê Quảng Ngãi, nay đã mất), lúc đó là trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy Xưởng Luyện thép (nay là Nhà máy Luyện thép Lưu Xá) - Công ty Gang thép Thái Nguyên. Đầu năm 1978, Công ty mở một lớp vẽ mỹ thuật phong trào cho công nhân Khu Gang thép. Bác Bính tìm gặp mình và bảo “Đề nghị anh đi học vẽ để về làm kẻ vẽ cho đơn vị”. 

 

Văn Thao được theo lớp vẽ ấy, ở Nhà Văn hoá Gang thép. Hai người thầy đầu tiên để lại ấn tượng và gieo trong anh niềm đam mê nghề vẽ: Thầy Hoàng Đức Toàn, khi đó là chuyên viên của Vụ Mĩ thuật (Bộ Văn hóa), thường xuyên đi dạy cho các lớp vẽ của công nhân và thầy Văn Thơ - họa sĩ từng nổi tiếng với bức tranh “Chiếm phủ Khâm Sai”. Câu nói của thầy Văn Thơ với mọi người trong lớp học, như một phát hiện, một niềm khích lệ và “bẻ lái” cuộc đời công nhân của anh: “Trong lớp 20 anh, tôi nghĩ sau này chắc chỉ có anh Hồ Tuyết Trinh và anh Văn Thao sẽ đi đến cùng sự nghiệp”.

 

Rồi, các họa sĩ tên tuổi: GS, họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ, họa sĩ Lương Xuân Nhị, họa sĩ Phạm Văn Đôn, họa sĩ - nhà điêu khắc Nguyễn Thị Kim… đều lên đỡ đầu cho lớp vẽ công nhân gang thép (hồi đó, giới văn nghệ sĩ Hà Nội thường xuyên lên với công nhân gang thép chúng tôi). Cuối năm đó - 1978, Văn Thao báo cáo kết quả với các thầy bằng bức tranh sơn dầu “Đúc trục cán thép”. Họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ ôm Văn Thao vào lòng, nói: “Anh hãy cố gắng học và rèn luyện mình, nhưng không được để mất cốt cách của một họa sĩ nghiệp dư trong làng công nhân mà họa sĩ chuyên nghiệp không thể có được”. 
 
Người Thầy giáo - Họa sĩ tâm huyết với nghề - 1
Thầy Văn Thao và trò trong phòng học vẽ.

 

Tranh được giải nhất của Khu Gang thép, rồi được mang đi triển lãm tranh toàn tỉnh Bắc Thái đầu năm 1979 cùng với tác phẩm của các họa sĩ chuyên nghiệp. Văn Thao lại được trao giải B (không có giải A), họa sĩ Quế Bình - giảng viên mĩ thuật ĐHSP Thái Nguyên được giải C.  “Tiếng lành đồn xa”, Giám đốc Bảo tàng Mĩ thuật Việt Nam - GS họa sĩ Nguyễn Văn Y cùng ba cán bộ chuyên môn từ Hà Nội lên đặt mua lại bức tranh của Văn Thao, vì ông đánh giá bức tranh xứng đáng về nghệ thuật và đại diện cho cái nôi khu công nghiệp gang thép Thái Nguyên, để treo ở Bảo tàng Mĩ thuật quốc gia. Ngã ngũ với Nhà Văn hóa xong rồi, Văn Thao mừng lắm. Nhưng, một tin không vui vào ngày hôm sau: ba chuyên viên của Bảo tàng Mĩ thuật quốc gia phát hiện ra chất liệu sơn dầu không đảm bảo, nếu mang về treo thì chỉ ba tháng sau sẽ lột hết. Lỗi này là do Nhà Văn hóa - nơi tổ chức lớp vẽ, không phải do tác giả. Tiếc vậy và cầm lòng vậy! Nhưng dù sao cũng là dịp Văn Thao khẳng định được mình trong con mắt các bậc thầy! Và có lẽ đó cũng dấu mốc có ý nghĩa quyết định, nguồn động viên lớn đưa anh rẽ sang một ngả khác: trở thành họa sĩ nghiệp dư của Khu Gang thép Thái Nguyên.

 

Họa sĩ nghiệp dư và “thầy giáo công nhân”

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

“Mình học cấp 3 Nga Sơn (Thanh Hóa), nhưng, mình phải bỏ dở học hành để đi công nhân gang thép năm 1974. Đi công nhân nhưng vẫn thích viết, vẽ. Chỉ tiếc không được đi bộ đội để làm nhà văn quân đội, ông ạ!”, Văn Thao bộc bạch.

 

Sau thành công ở lớp vẽ phong trào ấy, Văn Thao trở thành họa sĩ nghiệp dư trẻ có tiếng ở khu Gang thép. Tranh cổ động của anh, bao năm nay được treo trên nhiều ngả đường vào nhà máy, quảng trường công nhân. Những năm sau đó, Văn Thao thành người của Công đoàn, có lúc phụ trách cả loa đài truyền thanh, vẫn vừa viết tin, vừa vẽ. Tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh một Văn Thao cùng làm cộng tác viên như tôi hồi đó, bận quần áo xanh công nhân, tay cầm cọ vẽ, hí húi, lúc ở cổng vào nhà máy, lúc ở góc hội trường, lúc ở sảnh phòng họp, khi ở ngay giữa quảng trường ồn ào và bụi…

 

Cuối năm 1979, tôi về học đại học ở Hà Nội. Văn Thao vẫn ở lại.

 

Những năm sau đó, sản xuất gang thép đình đốn. Công nhân đi xuất khẩu lao động. Văn Thao cũng ở trong số đó. Anh được sang lao động ở một nhà máy thép ở Ucraina (Liên Xô cũ).  Nhưng cái mà Văn Thao mang về nước được nhiều nhất sau ba năm, không phải của cải…mà là kiến thức về vẽ mà anh tranh thủ học được.

 

Đi xem trường Đại học Mĩ thuật Ki-ep, Văn Thao nhớ nhất câu tuyên ngôn treo ở trường, đại ý:  5 năm học vẽ, trước tiên phải vẽ giống như thật, sau đó vẽ méo đi mà vẫn giống. Kiến thức cơ bản phải đi trước, phải chắc đã, rồi sau hãy nói đến sáng tạo. Hay, như lời của một kiến trúc sư người Ý: “Kiến trúc sư chân chính phải là người có tâm hồn một nhà thơ, đôi bàn tay của một họa sĩ và có đầu óc của một kỹ sư”. Có một câu tổng kết nghe có vẻ rắc rối nhưng anh rất thích: Nghệ thuật là thật và không thật, nhưng phải rất thật!

 

“Và mình liên tưởng ngay đến chuyện học vẽ, dạy vẽ ở quê nhà. Tại sao ta không dạy được như tây? Học vẽ thì hình họa cơ bản phải chắc đã, rồi học sáng tạo sau (phải 4 năm cơ bản, 1 năm học sáng tạo). Chúng ta chưa làm cho các em học sinh nhận thức được ngay từ đầu khi muốn học vẽ: vẽ kiến trúc khác với vẽ mĩ thuật. Vẽ kiến trúc phải có bố cục đẹp, hình chuẩn (giống và chính xác), độ đậm nhạt (bóng) phải gọn và sắc, và nó hơi khô, hơi cứng hơn vẽ mĩ thuật. Cái khó nhất của vẽ kiến trúc là phải vừa rõ ràng về đường nét, vừa cách điệu trong ý tứ”.

 

Sau này, Văn Thao tình cờ đọc được và suy nghĩ rất nhiều về câu chuyện GS Hồ Ngọc Đại, làm tiến sĩ khoa học ở Liên Xô, về nước chỉ xin được dạy cấp 1! Anh thấy tự tin và yêu cái nghề vẽ của mình hơn, dù anh không được học vẽ ở bậc đại học! Rồi lại thấy trăn trở, sinh viên của ta học xong đại học mà nhiều người không viết nổi một lá đơn?!

 

Trước hết làm thầy cho chính con mình

 

Đeo đuổi nghề vẽ, có một điều gì đó cứ thôi thúc Văn Thao phải làm sao truyền được nghề cho lớp trẻ. Và anh quyết định phải làm thầy cho chính con mình trước, dạy vẽ cho con gái đầu lòng Diễm Hằng với mục tiêu vào được đại học kiến trúc.

 

Năm 1997, sau khi con gái đỗ ĐH Kiến trúc Hà Nội với bài vẽ đạt điểm cao bởi sự sáng tạo, Văn Thao càng tự tin hơn. Nhiều người tìm đến gửi con theo học. Anh bắt đầu nhận dạy vẽ như một đam mê. Rồi con gái thứ hai - Nguyệt Tú - vào Viện ĐH Mở, con trai Công Thành cũng vào ĐH Kiến trúc Hà Nội, tất cả đều từ lớp vẽ của bố.
 
Người Thầy giáo - Họa sĩ tâm huyết với nghề - 2
Tác giả và thầy giáo Văn Thao (phải).

 

Không hàn lâm, không vòng vo, với chất thợ và chất họa sĩ công nhân, Văn Thao tâm niệm và tỉ mẫn dẫn dắt các em từ thấp đến cao, bước nào chắc bước đó. Ngoài kiến thức học vẽ tự tích lũy được, kiến thức học văn ngày nào cũng giúp ích rất nhiều cho anh dạy vẽ. Từ những câu chuyên Mỵ Châu - Trọng Thủy, Tấm Cám, đều có ích cho dạy vẽ. “Mình nghiền ngẫm từng câu chuyện, bài thơ có tứ thơ hay, rồi truyền lại cho học sinh, giúp các em nhận ra cái ý tưởng ẩn chứa ở trong đó, và tìm cách vẽ nó ra”.

 

Kì công tích cóp, anh tập hợp các đề thi đại học (môn vẽ) vào ĐH Kiến trúc, ĐH Xây dựng hằng năm, để có được một ngân hàng đề. Cái khác là anh lồng thêm yếu tố mới, yếu tố địa phương để ra bài tập cho học sinh nhận dạng, làm quen. Hướng cho các em vừa có kiến thức về vẽ, vừa có hiểu biết thực tế kiến trúc trong đời sống quanh mình, từ một ngôi nhà, một cây cầu, để sáng tác… “Khi tôi dạy được các em vẽ chắc về hình hoạ, các em đã có kiến thức tương đương năm thứ hai về mĩ thuật”, Văn Thao tự tin.

 

Những buổi tổng kết chuẩn bị đi thi, thầy Thao đứng trong phòng học vẽ nói có khi hàng giờ không nghỉ, truyền hết cảm hứng và nhiệt huyết cho đám học trò đang ngồi im nghe,…

 

10 năm, đưa gần 300 học sinh vào đại học

 

Lớp vẽ Văn Thao ngày một nhiều người biết tiếng và dắt con, cháu tìm đến. Hôm tôi lên chơi, một ngày thứ 7 nhưng ba lần Văn Thao tiếp khách. Chỉ để xin gửi con hoặc cháu “học cho năm sau”. Vợ chồng Văn Thao dành hẳn 2 phòng rộng nhất ngôi nhà xây của mình để bày tranh, tượng và nơi dạy vẽ. Một nhóm học sinh cũ đến thăm thầy và tôi may mắn được dịp hỏi chuyện.

Cô gái nhỏ nhắn Lê Quỳnh Hạnh, nhà ở Đồng Hỷ (Thái Nguyên) là học sinh chuyên văn. Yêu thích vẽ từ khi còn học môn mĩ thuật ở cấp 2, được các anh chị giới thiệu, Quỳnh Hạnh đã theo học thầy Văn Thao từ giữa năm lớp 11. Hạnh kể vui: “Khi mới vào học, nhiều bạn nhiễm phong cách truyện tranh nước ngoài trong khi vẽ, đều được thầy Thao uốn nắn, chỉnh sửa ngay…”. “Bác Thao không chỉ dạy chúng cháu kiến thức cơ bản để có thể vẽ tốt, mà còn dạy kiến thức sống. Bác là người cha thứ hai của nhiều kiến trúc sư trẻ, ra đi từ Thái Nguyên”, Hạnh nói thêm.

 

Một bạn trẻ khác là Nguyễn Tôn Đức Minh cựu học sinh trường Chu Văn An - Thái Nguyên cũng bắt đầu những nét vẽ cơ bản từ đây: Kỉ luật về hình họa, làm quen vẽ tĩnh vật, sau đó đến mặt nạ, tượng phạt mảng, rồi đến tượng tròn - đầu tượng. Minh kể: “Chúng cháu thích nhất là thầy vẽ cùng học sinh, sửa ngay tại chỗ. Thầy nói và thực hành luôn, nên ai cũng hiểu. Cháu nhớ nhất câu thầy nói - những gì các em học hôm nay có thể chưa cảm nhận hết được, nhưng sau này chắc chắn sẽ giúp các em trong cuộc sống”. Kết quả Đức Minh cũng đã đỗ Kiến trúc Hà Nội với 24,5 điểm.

 

Nguyễn Hữu Hoàng lại là dân chuyên Lý. Thích vẽ, thích nghề xây dựng và cũng được bạn giới thiệu rồi vào đây mới bắt đầu học vẽ. Với Hoàng, thu hoạch lớn nhất qua một năm học thầy Thao là kinh nghiệm vẽ hình họa và khả năng vẽ sáng tác - hai thứ cần cho thi ĐH ngành kiến trúc. Đi thi, Hoàng mới thấy nhiều bạn thí sinh cùng thi môn vẽ thiếu kiến thức cơ bản về vẽ, bố cục quá nhỏ hoặc quá lớn so với tờ giấy thi, yếu tố chính - phụ trong hình không rõ, độ đậm nhạt không hợp lí. Khó nhất là môn vẽ sáng tác. Thầy Thao giúp học sinh vẽ ra bằng được, thể hiện được ý tưởng sáng tạo của mình bằng tác phẩm vẽ. Yêu văn thơ nên thầy thường chọn những khổ thơ giàu hình ảnh, gợi cho học sinh suy nghĩ chủ đề và vẽ ra. Chẳng hạn, thầy chọn nhiều khổ thơ hay của Nguyễn Khoa Điềm, yêu cầu học sinh vẽ theo tưởng tượng. Khi đi thi, gặp loại đề như thế, học sinh tha hồ sáng tạo.

 

Cũng nhờ sự dạy dỗ của thầy Thao, Hoàng đỗ ĐH Xây dựng Hà Nội với 28,5 điểm, riêng môn vẽ đạt 7 điểm - tổng điểm và điểm vẽ đều cao. “Bác Thao còn là người bạn của chúng cháu”, Hoàng tự hào.

 

Nguyễn Thái Sơn học chuyên hóa ở Thái Nguyên, cũng vào lớp vẽ một năm nay, với điểm xuất phát từ con số không. Sơn thích nhất thầy Thao dạy môn vẽ nhưng không gò bó, khô khan, mà vừa dạy vẽ vừa kể chuyện, thoải mái, những câu chuyện liên quan đến hội họa, tạo hứng thú cho học sinh.

 

Còn Nguyễn Phi Khanh (trường Lương Ngọc Quyến) thích vẽ, từ Thành phố về tận nhà thầy gần chục cây số để học, “trả công” thầy Thao với 21 điểm đỗ vào ĐH Kiến trúc, riêng môn vẽ giành 12 điểm (hệ số 1,5) xếp thứ nhì...

 

Tôi quay ra hỏi: “Làm sao ông lôi cuốn được học trò như vậy, những em vào học mà chưa biết vẽ chẳng hạn?”. Văn Thao say sưa: “Mình phải tự học, năng khiếu một phần thôi! Về môn hình họa, phải rèn học sinh phương pháp vẽ cơ bản từ thấp đến cao; tập cho các em phân tích kĩ cấu trúc của đồ vật, của giải phẫu người, của đầu tượng người. Khi vẽ phải thể hiện rõ sáng tối, nổi khối, bố cục chặt. Về môn vẽ sáng tạo, phải hướng dẫn các em nắm chắc những nguyên tắc cơ bản nhất về mĩ học, cái đẹp về bố cục, cái hay về vần luật, cái chính cái phụ của bài vẽ, để nêu bật nội dung cần chuyển tải trong bài vẽ một cách nhanh nhất, đặc biệt là sự tương phản về hình thể và độ đậm nhạt. Thầy lúc nào cũng có bài vẽ mẫu, phân tích, gợi ý và để học sinh mặc sức sáng tạo theo tư duy của mình mà vẫn đúng hướng của các dạng đề thi môn vẽ mĩ thuật hằng năm. Đặc biệt là cách ra đề vẽ mĩ thuật 2 (môn vẽ sáng tạo) của ĐH Kiến trúc Hà Nội những năm gần đây, khó nhưng thú vị, chỉ những học sinh đã được học chắc về vẽ cơ bản thì mới giành được điểm cao”.

 

Cần mẫn như con ong mật, lặng lẽ như người lái đò, 10 năm qua, Văn Thao đưa 10 chuyến đò học sinh đi thi đại học. Đã có 299 học sinh từ lớp vẽ Văn Thao đỗ vào các trường đại học Kiến trúc, Xây dựng,…trong số đó có 3 con, 3 cháu họ của anh. Riêng môn vẽ, từ 2002 đến nay, 100% học sinh lớp vẽ Văn Thao đỗ vào đại học. Có một thủ khoa môn vẽ, đạt điểm vẽ cao nhất trong các kì thi đại học từ 1999 đến nay, chính là sinh viên Nguyễn Công Thành - con trai của Văn Thao, đạt 14,50/15 điểm môn vẽ vào trường ĐH Kiến trúc Hà Nội năm 2004. Bây giờ Thành đã là kiến trúc sư trẻ, cùng làm việc với chị gái đầu - kiến trúc sư Nguyễn Thị Diễm Hằng, tại Hà Nội. Chị gái thứ hai của Thành - Nguyễn Thị Nguyệt Tú cũng đã tốt nghiệp Khoa Mĩ thuật và tạo dáng công nghiệp ở Viện ĐH Mở Hà Nội…Cả ba chị em đều không phụ lòng của bố hướng dẫn, dìu dắt, đào tạo năng khiếu tại nhà.

 

Văn Thao chậm rãi với tôi: “Có thể vài năm nữa Thao về Hà Nội ở cùng các con. Bây giờ vẫn còn học sinh ở đây, không bỏ các em được. Về Hà Nội nếu còn khỏe thì sẽ tiếp tục dạy chuyên về môn vẽ sáng tạo, cho vui và cũng để cuộc sống thêm ý nghĩa hơn”.

 

Ngày 20 tháng 11 năm nay, món quà có ý nghĩa nhất với thầy giáo công nhân - họa sĩ công nhân Văn Thao, mà không phải người thầy nào cũng dễ có được, không phải là những danh hiệu hay giải thưởng, mà là bảng danh sách 299 học sinh trong 10 năm đã và đang, sẽ trở thành kiến trúc sư, kĩ sư, họa sĩ…

 

   TS. Trần Bá Dung

Tạp chí Người Làm báo

 

LTS Dân trí - Thành công của Thầy giáo - Họa sĩ công nhân Văn Thao bắt nguồn từ lòng đam mê hội họa và tinh thần ham mê học hỏi có phương pháp. Người họa sĩ tự học đó rất coi trọng việc trau dồi kiến thức cơ bản về hình họa và kiến thức nhiều mặt có liên quan, tạo nền tảng vững chắc cho từng bước nâng cao trình độ sáng tạo của người họa sĩ vốn xuất thân từ công nhân. Phải chăng đấy là “bí quyết” thành công của Họa sĩ - công nhân Văn Thao.

 

Vốn tâm huyết với nghề và có phương pháp truyền đạt tốt, Họa sĩ Văn Thao trở thành Người Thầy dạy vẽ cho chính những đứa con của mình và mấy trăm học sinh khác, truyền cho các em lòng đam mê hội họa và có được những kiến thức và “tay nghề” ban đầu để thi đỗ vào các trường đại học cần tuyển những học sinh có năng khiếu về hội họa. Đấy là đóng góp rất có ý nghĩa của Thầy giáo - Họa sĩ Văn Thao, mà nhiều thế hệ học sinh  không bao giờ quên được Người Thầy tâm huyết của mình.