Cô giáo trẻ vượt qua tuổi thơ cơ cực

(Dân trí) - 16 năm trước, một cô bé mới 9 tuổi bỗng nhiên mất cha trong một vụ tai nạn nghiệt ngã. 16 năm sau, cô đã vượt qua bao khó khăn để trở thành cô giáo trẻ đầy tâm huyết của trường THPT Hướng Phùng (Hướng Hóa, Quảng Trị).

Cô gái có nghị lực lớn lao và quyết tâm sắt đá ấy là Dương Thị Đào, 25 tuổi, giáo viên Toán của Trường THPT Hướng Phùng.

Từ tuổi thơ của cô bé lọ lem

Câu chuyện buồn 16 năm về trước còn im đậm trong ký ức của Đào. Đến giờ, nhớ lại những năm tháng tuổi thơ, cô giáo trẻ vẫn còn ngỡ ngàng khi đã vượt qua rất nhiều khó khăn.

Quả bom phế liệu nổ tung đã cướp đi sinh mạng người cha và thiêu rụi căn nhà của năm mẹ con tội nghiệp. “Ba mất, nhà cháy trụi, năm mẹ con em chỉ còn vỏn vẹn bảy chục ngàn trong túi. Bà con xóm giềng ai cũng nghĩ rằng mấy mẹ con phải đi ăn xin, đi ở nhà người ta thôi chứ làm sao mà sống được…”, Đào kể lại, giọng nghẹn ngào.

Nhưng bà mẹ trẻ Lương Thị Thường khi ấy đã ôm lấy bốn đứa con nhỏ mà khóc, khóc khô nước mắt để đặt quyết tâm nuôi mấy chị em Đào ăn học nên người. Bà nghĩ rằng, có thể nghèo nhưng không thể để con đói ăn, thất học. Bà lao vào mưu sinh bằng tất cả mọi nghề lao động chân chính để kiếm cái ăn, cái mặc, cho mấy đứa con được đến trường. Vừa làm mẹ, vừa làm bố, bà Thường luôn khuyên nhủ các con những đạo lý, điều hay lẽ phải ở đời, căn dặn các con học thật giỏi để vươn lên trong cuộc sống.

Mới 9 tuổi, cô bé Đào đã biết nghĩ như người lớn cũng noi theo mẹ để dẫn dắt ba đứa em thơ trưởng thành. Ngày một buổi đi học, buổi còn lại Đào dành thời gian chăm lo cho các em, quán xuyến tất cả mọi việc trong nhà để mẹ yên tâm bươn chải, băng sông, vượt chợ kiếm sống. Hễ lúc nào rảnh chút là Đào đem sách vở ra học và dạy học cho ba đứa em. Hồi đó, hàng xóm láng giềng nhà Đào không ngày nào không được nghe những tiếng ê a học bài của mấy chị em. Dân ở chợ Tân Liên nhẵn mặt với cô bé Đào có gương mặt lem luốc, mái tóc cháy hoe ngày nào cũng phụ mẹ bán trái cây, nhặt rác kiếm thêm tiền mua sách vở.

Dù bận rộn nhưng Đào chẳng khi nào lơ là việc học. Mười hai năm liền ngồi trên ghế nhà trường, Đào luôn là học sinh giỏi. Các thầy cô giáo ở trường luôn để tâm đến cô học trò nghèo “làm việc nhiều hơn cả người lớn nhưng rất hiếu học”. Ai cũng thương cô bé Lọ Lem ấy và luôn quan tâm, động viên cô học trò nhỏ bằng những món quà khi thì tiền đóng học phí, sách vở, khi thì bộ áo quần mới vào năm học mới.

Rồi 12 năm học trôi qua trong khó khăn của gia đình, nỗi vất vả của mẹ và nỗ lực học tập chăm chỉ của Đào. Thi đỗ ngay ngành Sư phạm Toán của trường ĐH Sư phạm Huế, Đào xuất sắc vượt qua bốn năm sinh viên với tám kì giành được học bổng của trường và bốn năm liền được tặng học bổng “Tuổi trẻ quê hương - Tiếp sức đến trường” dành cho HS-SV nghèo vượt khó học giỏi Quảng Trị.

Ước mơ của cô bé lọ lem trở thành hiện thực khi Đào được nhận quyết định về dạy ở trường Hướng Phùng vào tháng 9/2006.

Đến cô giáo “thương học trò như thương mình”

“Mỗi khi đứng trên bục giảng, nhìn những em học sinh nghèo dân tộc thiểu số là em lại nhớ đến hoàn cảnh khó khăn của mình ngày trước. Thương học trò là như thương chính mình vậy” - cô giáo trẻ chia sẻ.

Mới lên dạy ở trường Hướng Phùng hơn ba năm nhưng Đào đã giành được nhiều tình yêu thương đặc biệt của các em học sinh. Ở ngôi trường cấp 3 mới thành lập này, ai cũng biết đến cô Đào bởi những gì cô đã làm cho các học sinh nghèo. Bỏ thời gian dạy phụ đạo không công, kèm cặp các em học sinh yếu, bồi dưỡng những em học khá giỏi không hề lấy một đồng thù lao… là chuyện thường đối với Đào. Rồi không biết bao nhiêu lần cô giáo Đào về tận các lều lán của các em dạy thêm cho các em học.
 
Cô giáo trẻ vượt qua tuổi thơ cơ cực - 1

Cô giáo Dương Thị Đào chuẩn bị bài học cho buổi lên lớp. (Ảnh: Văn Được)

Thương các em học sinh dân tộc thiểu số ở các bản làng xa xôi về dựng lều ở sát trường để học mà mỗi tháng gia đình chỉ chu cấp cho mỗi em được 100 nghìn mua gạo nấu cơm ăn với muối mè, cô Đào đã rất nhiều lần cho các em tiền mua thêm thức ăn có sức mà học. Em nào hoàn cảnh khó khăn không có áo quần, cô cũng tự trích tiền lương cho.

Ở trường, sự tự tin và tình yêu thương của cô giáo trẻ đã cảm hoá được rất nhiều học sinh cá biệt tu chí học hành. Học sinh ở đây đã rất quen thuộc với hình ảnh cô giáo Đào mỗi ngày đều đặn lên lớp và chiều chiều lại về các lán nhỏ để kèm cặp và động viên các em chăm chỉ học bài.

Ở nhà, cô giáo Đào là cánh chim đầu đàn dẫn dắt các em học hành giỏi giang. Ba đứa em của Đào ai cũng học giỏi, đỗ đạt vào các trường đại học, cao đẳng. Cô em gái kế sau Đào vừa tốt nghiệp trường ĐH Sư phạm Huế, cậu em thứ 3 đang học trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng còn cô em út cũng đang học năm thứ nhất trường CĐ Du lịch Huế. Cuộc sống gia đình đã ổn định, là động lực và niềm tin cho Đào đem hết tâm huyết truyền lử nhiệt tình đến với các em học sinh.

Những việc làm đầy ý nghĩa của Đào luôn nhận được sự ủng hộ, tin cậy của đồng nghiệp và lãnh đạo nhà trường. “Cô Đào là một giáo viên rất tâm huyết và yêu thương học sinh. Cô thường dạy phụ đạo không công cho học sinh, đến tận nơi ở để động viên và giúp đỡ thêm cho các em ngoài giờ lên lớp. Lãnh đạo nhà trường hoan nghênh cô Đào vì đã làm rất nhiều việc có ích cho các em học sinh. Cô là tấm gương sáng của các giáo viên trong trường Hướng Phùng” - đó là lời nhận xét nhiệt tình của cô giáo Ngô Thị Trúc, Hiệu trưởng trường THPT Hướng Phùng dành cho người đồng nghiệp trẻ.

Dù vậy, khi nói về những gì mình đã làm, Đào chỉ khiêm tốn: “Ở đây, các thầy cô giáo đều trẻ trung nhiệt tình, ai cũng thương yêu, giúp đỡ học trò cả chứ có phải riêng gì em đâu”.

Chia tay khu nhà nội trú giáo viên của trường THPT Hướng Phùng, nhìn những em học sinh Vân Kiều chạy nhảy tung tăng quanh ngôi trường mới thành lập mới thấy hết ý nghĩa trong những việc làm của cô giáo trẻ Dương Thị Đào. Niềm vui của các em học sinh có được duy trì mãi hay không chính là nhờ tâm huyết của những giáo viên trẻ nhiệt tình như Đào. Rời Hướng Phùng trong cái lạnh cắt da của vùng núi Bắc Hướng Hoá, niềm tin về những giáo viên trẻ như làm người đi quên hẳn cái lạnh của thời tiết khắc nghiệt.

Văn Được