“Nghiện game online có thể làm biến dạng nhân cách”
(Dân trí) - Sự việc nam sinh ở Nghệ An bắt cóc, trói bé trai 5 tuổi làm bé tử vong do ảnh hưởng của game chỉ là một trong vô số câu chuyện đau lòng liên quan đến việc nghiện game online trong giới trẻ.
Hậu họa kinh hoàng của việc nghiện game online đã được bàn luận tại tọa đàm "Nghiện game online - hậu quả khôn lường" do báo Tiền phong tổ chức tại Trường THPT Thành Nhân, TPHCM sáng nay 16/6.
Biến dạng nhân cách vì nghiện game online
ThS tâm lý Nguyễn Thị Huỳnh An, ĐH Nguyễn Tất Thành cho biết, mới đây Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phải đưa game online vào danh sách phân loại bệnh tật mới.
Ngay ở Việt Nam, có rất nhiều vụ án đau lòng liên quan đến game online như xin tiền chơi game không được thì giết bạn; mâu thuẫn khi chơi game chém bạn học, hay cả một nhóm tổ chức đi cướp để có tiền chơi game. Và mới nhất là sự việc học sinh THPT thực hiện bắt cóc, trói tay bé trai 5 tuổi làm bé tử vong do ám ảnh bởi thế giới ảo.
Theo ThS Huỳnh An, các hậu quả từ nghiện game vô cùng nghiêm trọng. Khi chơi game, các bạn sống trong thế giới ảo, không còn phân biệt được đâu là thế giới thực, đâu là thế giới ảo. Dần dần "con nghiện game" tách rời khỏi xã hội bên ngoài, khi rời khỏi game sẽ rơi vào cô đơn, muốn xa lánh với những người xung quanh. Dần dần sẽ dẫn đến bệnh trầm cảm, tâm thần...
"Game online tác động đến não trạng của người chơi khi những hình ảnh tiêu cực của game luôn nằm trong đầu, có thể dẫn đến biến dạng nhân cách", ThS An nhấn mạnh và cho biết, học sinh chơi game online, kể cả chưa nghiện cũng đã kéo theo rất nhiều ảnh hưởng về học tập, sức khỏe, các mối quan hệ bạn bè, gia đình...
Tác hại của game online nguy hiểm hơn cả ma túy
TS.Thiếu tá Lê Hoàng Việt Lâm, Trường ĐH An ninh Nhân dân bày tỏ, game online là một “món ăn tinh thần” song nếu không kiểm soát, không làm chủ được sẽ rất nguy hiểm, thậm chí chí nguy hiểm hơn cả ma túy. Người dùng ma túy ngay lập tức gây hậu quả nhưng với game thì không phải, đến thời điểm đã xác định nghiện game gần như không còn đường lùi.
Nghiện game tạo ra tư tưởng hiếu thắng, nếu thua thì tạo tư tưởng cay cú. Nếu chơi game thì những mối quan hệ, đặc biệt là quan hệ tình cảm sẽ dần biến mất, quên bố mẹ, gia đình, người thân, bạn bè, điều này cực kỳ nguy hiểm.
Khi không làm chủ được, người chơi mê muội thì suốt ngày bị "ám thị" bởi những tình huống, trận chiến, vật phẩm... trong phim. Điều này cực kỳ nguy hiểm bởi sẽ làm cho người chơi game rơi vào tình trạng mất kiểm soát.
TS Việt Lâm chia sẻ: "Dưới góc nhìn xã hội học, tôi cho rằng nghiện game là một hiện tượng xã hội “gần gũi” với hiện tượng tội phạm. Bởi lẽ, nếu nghiện game, sẽ có thể phát sinh vô vàn những tình huống: Không có tiền chơi game sẽ nghĩ ra cách để có tiền (như trộm cắp, cướp giật, thậm chí giết người); bố mẹ không cho chơi có thể dẫn đến cáu gắt, khó chịu, chửi bới, thậm chí giết cả bố mẹ); khi mua bán các vật dụng liên quan đến các trò chơi có thể dẫn đến những bất đồng, xung đột giữa các cá nhân, nhóm… dẫn đến những hậu quả khó lường".
Nghiện game có thể dẫn đến vô sinh
Bác sĩ Nguyễn Văn Ca, Trưởng khoa Tâm thần Bệnh viện Quân y 175 cho biết, nghiện game dẫn đến rất nhiều bệnh. Ngồi chơi game quá lâu, có thể làm rối loạn chuyến hóa trong cơ thể dẫn đến béo phì, cơ quan sinh dục sẽ bị giảm cung cấp máu lâu dài có thể dẫn đến vô sinh.
Ngoài vấn đề sức khỏe, theo bác sĩ Ca, khi nghiện game online, tác hại về tinh thần rất khủng khiếp, người chơi game bị giảm trí nhớ, cảm xúc bị biến đổi dẫn đến bồn chồn khó chịu, cáu kỉnh, nhân cách bị biến đổi. Game tạo cho người chơi cảm giác chiến thắng ảo, ảnh hưởng rất lớn đến giới trẻ đang phát triển.
Về hướng điều trị, BS Ca cho hay, nghiện game online nếu được phát hiện sớm sẽ điều trị sẽ dễ hơn và đặc biệt là phải tạo ra môi trường điều trị thuận lợi cho người nghiện. Tại địa bàn TPHCM vẫn chưa có nhiều cơ sơ điều trị phù hợp với cai nghiện game và chưa có sự liên kết giữa các cơ sở.
Xử phạt người chơi game mua, bán vật phẩm ảo
Ở góc độ quản lý, ông Lê Minh Dũng, Trưởng phòng Bưu chính-Viễn thông, Sở Thông tin Truyền thông TPHCM cho biết, pháp luật có quy định đối với người chơi game online. Người chơi game có thể sẽ bị phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng đối với hành vi: Mua, bán vật phẩm ảo hoặc đơn vị ảo hoặc điểm thưởng; Lợi dụng trò chơi điện tử để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, gây mất trật tự, an toàn xã hội và an ninh quốc gia.
Đồng thời, cá nhân khi chơi trò chơi điện tử G1 sẽ phải đăng ký đúng thông tin cá nhân, nếu không sẽ bị phạt cảnh cáo. Người chơi không chấp hành quy định về quản lý giờ chơi tại điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng còn bị phạt tiền từ 600.000 - 1 triệu đồng.
Cơ sở kinh doanh game bị phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng đối với hành vi cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử G1 có nội dung: Kịch bản có hình ảnh hoặc âm thanh gây cảm giác ghê sợ, rùng rợn, kích động bạo lực, thú tính, khêu gợi, kích thích dâm ô, trụy lạc, vô luân trái với truyền thống đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục Việt Nam;
Phá hoại truyền thống lịch sử; xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân; Miêu tả các hành động tự tử, sử dụng ma túy, uống rượu, hút thuốc, khủng bố, hành động ngược đãi, xâm hại, buôn bán trẻ em, đánh bạc và các hành vi có hại hoặc bị cấm khác.
Hoài Nam