Nghịch lý: Tỷ lệ thất nghiệp cao, doanh nghiệp lại thiếu nguồn lao động
(Dân trí) - Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ở mức thấp chưa từng có trong vòng 10 năm trở lại đây, đẩy tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm tăng đột biến, ở mức 3,98% và 4,46%.
Chất lượng lao động của Việt Nam vẫn ở mức thấp
Theo công bố Báo cáo thường niên Kinh tế và Thương mại Việt Nam năm 2021 của trường ĐH Thương Mại do GS.TS Đinh Văn Sơn chủ biên vừa công bố vào tháng 6/2022, dịch Covid-19 diễn biến kéo dài, hàng chục nghìn doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động, một số hoạt động cầm chừng chỉ với 30-50% số lao động do phải đảm bảo yêu cầu giãn cách khiến cầu lao động giảm sút nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, nguồn cung lao động cho thị trường cũng giảm do lao động quay trở về quê vì lo sợ dịch bệnh hoặc phải cách ly dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn lao động ở nhiều doanh nghiệp.
Cụ thể, số người tham gia lực lượng lao động tiếp tục xu hướng giảm mạnh trong giai đoạn 2019 - 2021 do tác động của đại dịch Covid-19. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên năm 2021 đạt 50,5 triệu người, giảm 791,6 nghìn người so với năm trước.
Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động năm 2021 là 67,7%, giảm 1,9 điểm phần trăm so với năm trước. Tuy nhiên, mặc dù gặp khó khăn bởi đại dịch, chất lượng lao động vẫn có xu hướng được cải thiện, lao động đã qua đào tạo từ trình độ "Sơ cấp" trở lên năm 2021 là 26,1%, tăng 0,8 điểm phần trăm so với năm trước.
Biến động lực lượng lao động tại Việt Nam giai đoạn 2017-2021 như sau:
Về chất lượng lao động, nhìn chung chất lượng lao động tại Việt Nam có xu hướng cải thiện trong những năm trở lại đây, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo từ sơ cấp trở lên tăng từ 21,6% năm 2017 lên 26,1% năm 2021 (Tổng cục Thống kê, 2021).
Theo Ngân hàng Thế giới (WB, 2020), chỉ số vốn nhân lực (HCI) của Việt Nam đã tăng từ 0,66 lên 0,69 trong 10 năm 2010 - 2020. Chỉ số vốn nhân lực của Việt Nam tiếp tục cao hơn mức trung bình của các nước có cùng mức thu nhập mặc dù mức chi tiêu công cho y tế, giáo dục và bảo trợ xã hội thấp hơn. Việt Nam là một trong những nước ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương có điểm cao nhất về chỉ số vốn nhân lực (theo WB). Điều này phản ánh những thành tựu lớn trong giáo dục phổ thông và y tế trong những năm qua.
Tuy nhiên, nhìn chung, chất lượng lao động của Việt Nam vẫn ở mức thấp, khiến một bộ phận người (NLĐ) khó tiếp cận với cơ hội việc làm bền vững, trong khi nhiều doanh nghiệp (DN) không tuyển được nhân sự phù hợp.
Bên cạnh đó, khi xem xét cơ cấu lao động đã qua đào tạo theo trình độ chuyên môn, có thể nhận thấy rằng, lao động từ đại học trở lên chiếm tỷ trọng khá cao; đến năm 2020, tỷ trọng lao động đang làm việc có trình độ từ đại học trở lên chiếm tới 11,12% trên tổng số lao động, trong khi lao động ở trình độ sơ cấp và trung cấp chỉ chiếm 9,11%; phản ánh sự mất cân đối trong cung ứng lao động và tình trạng thừa thầy, thiếu thợ vẫn tồn tại trong thị trường cung ứng lao động Việt Nam.
Tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc trong nền kinh tế đã qua đào tạo phân theo trình độ chuyên môn kỹ thuật như sau:
Xét về cơ cấu tham gia lực lượng lao động theo giới tính và theo khu vực, trong 5 năm gần đây, lao động nam vẫn có xu hướng chiếm tỷ trọng lớn hơn so với lao động nữ, đặc biệt, trong năm 2021, tỷ lệ lao động nữ tham gia LLLĐ giảm sâu, tương ứng 46,5%. Trong khi đó, lao động khu vực nông thôn vẫn chiếm tỷ lệ lớn, tuy nhiên, theo xu hướng giảm dần, đến năm 2021 đạt 63,2%.
Hơn 28,2 triệu người bị thất nghiệp, giảm thu nhập sau Covid-19
GS.TS Đinh Văn Sơn cho biết, suy giảm kinh tế do ảnh hưởng đại dịch khiến cho số lao động có việc làm tiếp tục xu hướng giảm trong giai đoạn 2019-2021. Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm năm 2021 là 49,0 triệu người, tiếp tục giảm mạnh so với năm 2020. Trong đó, giảm chủ yếu ở khu vực nông thôn và ở nam giới. Số lao động có việc làm ở khu vực nông thôn là 31,2 triệu người, giảm 1,5 triệu người và ở nam giới là 26,2 triệu người, giảm 729,5 nghìn người so với năm trước.
Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm, theo giới tính và theo khu vực:
Trong năm 2021, tình hình dịch Covid-19 kéo dài và phức tạp hơn trong năm 2020 đã khiến cho hàng triệu người mất việc, lao động trong các ngành tiếp tục giảm, đặc biệt là khu vực dịch vụ.
Lao động trong khu vực công nghiệp và xây dựng là 16,3 triệu người (chiếm 33,2%), giảm 254,2 nghìn người so với năm trước; khu vực dịch vụ là 18,6 triệu người (chiếm 37,9%), giảm 800,8 nghìn người so với năm trước; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 14,2 triệu người (chiếm 28,9%), tăng 37,3 nghìn người so với năm trước.
Lực lượng lao động đang làm việc 3 khu vực theo các quý năm 2021 như sau:
Xét theo quý và theo khu vực, lực lượng lao động đang làm việc cả nước và ở cả 2 khu vực công nghiệp xây dựng và dịch vụ đều giảm sâu trong quý III năm 2021.
Số liệu công bố của Tổng cục Thống kê (2021) cho thấy, tính riêng quý III/2021 vừa qua, cả nước có hơn 28,2 triệu người từ 15 tuổi trở lên hứng chịu ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 như mất việc làm, giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập…So với quý trước, số lao động chịu tác động xấu bởi dịch Covid-19 trong quý III tăng thêm 15,4 triệu người. Hầu hết những người bị ảnh hưởng nằm trong độ tuổi lao động, từ 24 - 54 tuổi, chiếm 73,3% tổng số lao động bị ảnh hưởng.
Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê (2021), giãn cách xã hội kéo dài trong 3 tháng của quý III đã làm trầm trọng hơn tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm và ảnh hưởng mạnh tới ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, số lao động làm việc trong hai ngành này đều giảm mạnh chưa từng có trong nhiều năm gần đây. Ngược lại, lao động trong ngành nông nghiệp lại có xu hướng tăng, trái ngược với những xu hướng thường thấy trước đây, chủ yếu là do số lao động mất việc tại các tỉnh thành phía Nam quay trở về địa phương và làm việc trong ngành nông nghiệp.
Thực tế, lao động khu vực thành thị chịu thiệt hại nhiều hơn và đã xuất hiện tình trạng người dân, lao động thiếu, mất việc làm do dịch, lao động nghèo, lao động tự do di chuyển tự phát từ vùng dịch về quê, gây không ít khó khăn cho cả nơi đến và nơi đi, nguy cơ làm mất cân đối cung - cầu trong ngắn hạn khi nền kinh tế tiến vào giai đoạn phục hồi.
Trong năm 2021, số lao động có việc làm chính thức và phi chính thức đều giảm. Số lao động có việc làm phi chính thức là 19,8 triệu người, giảm 628,0 nghìn người, mức giảm này cao hơn so với mức giảm ở lao động có việc làm chính thức; số lao động có việc làm chính thức là 15,4 triệu người, giảm 469,8 nghìn người so với năm 2020.
Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức phi nông nghiệp năm 2021 là 56,2%, tương đương so với năm trước. Tuy nhiên, ở khu vực nông thôn và ở nữ giới tỷ lệ này có xu hướng tăng tương ứng lần lượt là 1,0 điểm phần trăm và 0,2 điểm phần trăm so với năm trước.
Năng suất lao động của Việt Nam chỉ cao hơn Campuchia
Theo Báo cáo thường niên, năng suất lao động (NSLĐ) của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2021 ước tính đạt 171,3 triệu đồng/lao động (tương đương 7.398 USD/lao động, tăng 538 USD so với năm 2020). Theo giá so sánh, năng suất lao động năm 2021 tăng 4,71% do trình độ của người lao động được cải thiện (tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ năm 2021 đạt 26,1%, cao hơn mức 25,3% của năm 2020) (Tổng cục Thống kê, 2021).
Khi so sánh với các quốc gia trong khu vực, năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam vẫn ở mức tương đối thấp và chênh lệch tuyệt đối tiếp tục xu hướng gia tăng.
NSLĐ của Việt Nam chỉ cao hơn Campuchia; gần tương đồng với Myanmar và Lào; thấp hơn Ấn Độ, Philippines, Indonesia, Trung Quốc, Thái Lan và thấp hơn rất nhiều so với Malaysia cũng như Singapore.
Điều này đặt ra những thách thức rất lớn cho Việt Nam trong việc cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, qua đó nâng cao NSLĐ để có thể bắt kịp với mức NSLĐ của các quốc gia trong khu vực. (Nguyễn Thúy Quỳnh, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính, 2021)
Tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực thành thị cao hơn khu vực nông thôn
GS.TS Đinh Văn Sơn cho biết, tính chung năm 2021, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi là 3,22%, trong đó tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị là 4,42% cao hơn khu vực nông thôn (2,48%).
Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15-24 tuổi) năm 2021 ước tính là 8,48%, trong đó khu vực thành thị là 11,91%; khu vực nông thôn là 6,76% (Tổng cục Thống kê, 2021).
Mặc dù Chính phủ đã có các chính sách chủ động thích ứng linh hoạt trong phòng chống Covid-19, vừa thực hiện phục hồi, phát triển kinh tế xã hội nhưng tính chung cả năm 2021 thị trường lao động vẫn còn gặp nhiều khó khăn, với tỷ lệ thất nghiệp năm nay cao hơn năm trước, trong đó khu vực thành thị vượt mốc 4%.
Tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm các quý trong năm 2021 (%)
Xét theo quý, quý III năm 2021 ghi nhận tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm đạt mức cao nhất trong số các quý trong năm. Diễn biến phức tạp của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 đã làm số người tham gia lực lượng lao động sụt giảm nghiêm trọng.
Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ở mức thấp chưa từng có trong vòng 10 năm trở lại đây, đồng thời đã đẩy tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm quý III tăng đột biến, ở mức 3,98% và 4,46% - là mức tăng cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.
Số người thiếu việc làm trong độ tuổi năm 2021 là hơn 1,4 triệu người, tăng 370,8 nghìn người so với năm trước. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ước tính là 3,10%, trong đó tỷ lệ thiếu việc làm khu vực thành thị là 3,33%; tỷ lệ thiếu việc làm khu vực nông thôn là 2,96%.
Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi là 3,10%, tăng 0,71 điểm phần trăm so với năm trước. Tỷ lệ này ở khu vực thành thị là 3,33%, cao hơn 0,37 điểm phần trăm so với khu vực nông thôn.
Do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 lần thứ 4 đã đẩy tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực thành thị cao hơn khu vực nông thôn trong năm 2021. Điều này trái với xu hướng thị trường lao động thường được quan sát ở nước ta với tình trạng thiếu việc làm ở khu vực nông thôn thường nghiêm trọng hơn so với thành thị.
Thu nhập bình quân của người lao động giảm 32 nghìn đồng
Theo số liệu thống kê Báo cáo thường niên năm 2021 của trường ĐH Thương Mại, năm 2021 thu nhập bình quân tháng của người lao động là 5,7 triệu đồng, giảm 32 nghìn đồng so với năm 2020. Thu nhập bình quân tháng của lao động nam là 6,6 triệu đồng, cao hơn 1,40 lần của lao động nữ (4,7 triệu đồng). Thu nhập bình quân của lao động khu vực thành thị là 7,0 triệu đồng, cao hơn 1,40 lần mức thu nhập bình quân lao động khu vực nông thôn (5,0 triệu đồng).
Xét theo ngành kinh tế, so với năm 2020, lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản duy trì được mức độ tăng trưởng dương ổn định, với mức thu nhập bình quân tháng năm 2021 là 3,6 triệu đồng, tăng 7,1%, tương ứng tăng 236 nghìn đồng.
Thu nhập bình quân của lao động khu vực công nghiệp và xây dựng là 6,4 triệu đồng, giảm 201 nghìn đồng, tương ứng giảm 3,0% và lao động trong khu vực dịch vụ có mức thu nhập bình quân là 6,8 triệu đồng, giảm 27 nghìn đồng, tương ứng giảm 0,4%.
Thu nhập bình quân tháng của lao động làm công ăn lương năm 2021 là 6,6 triệu đồng, giảm 45 nghìn đồng so với năm 2020. Lao động nam có mức thu nhập bình quân cao hơn 1,15 lần mức thu nhập bình quân của lao động nữ (7,0 triệu đồng so với 6,0 triệu đồng); lao động khu vực thành thị có thu nhập bình quân cao hơn 1,23 lần lao động khu vực nông thôn (7,3 triệu đồng so với 5,9 triệu đồng).
Điều chỉnh hoạt động đào tạo theo nhu cầu thị trường lao động
Theo đánh giá mới nhất của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), cuộc khủng hoảng thị trường lao động do đại dịch Covid-19 tạo ra còn lâu nữa mới kết thúc và tăng trưởng việc làm sẽ không đủ để bù đắp cho những thiệt hại ít nhất là đến năm 2023.
Do đó, để thích ứng với "trạng thái bình thường mới", đảm bảo vừa sản xuất, phát triển kinh tế, vừa phòng chống dịch bệnh và bảo vệ người lao động (NLĐ), nhóm yếu thế, cần thực hiện như tăng cường thực hiện mục tiêu đảm bảo thu nhập cho NLĐ sau đại dịch.
GS.TS Đinh Văn Sơn cho rằng, thời kỳ khôi phục kinh tế sau khi kiểm soát được dịch bệnh, việc đảm bảo thu nhập cho NLĐ cần được đặc biệt ưu tiên. Nhanh chóng đưa người lao động trở lại thị trường thông qua tăng cường kết nối cung - cầu lao động.
Bên cạnh đó, tăng cường giáo dục nghề nghiệp, đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp, đào tạo tái hòa nhập thị trường lao động… nhằm hỗ trợ người lao động quay trở lại thị trường. Hộ sản xuất, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ cần có những chính sách ưu tiên và khuyến khích vì đây sẽ lực lượng phục hồi nhanh hơn so với các loại hình khác; tăng cường thực hiện mục tiêu đảm bảo thu nhập cho NLĐ sau đại dịch.
Nhanh chóng đưa NLĐ trở lại thị trường thông qua tăng cường kết nối cung - cầu lao động. Tăng cường giáo dục nghề nghiệp, đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp, đào tạo tái hòa nhập thị trường lao động… nhằm hỗ trợ NLĐ quay trở lại thị trường.
Hộ sản xuất, doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ cần có những chính sách ưu tiên và khuyến khích vì đây sẽ lực lượng phục hồi nhanh hơn so với các loại hình khác.
Tập trung kết nối việc làm và thúc đẩy tạo việc làm sau đại dịch đối với các lĩnh vực có tiềm năng phục hồi; điều chỉnh hoạt động đào tạo theo nhu cầu thị trường lao động cho các ngành có tiềm năng tăng trưởng khi nền kinh tế phục hồi hoặc tập trung vào các kỹ năng số, kỹ thuật tiên tiến và khởi nghiệp kinh doanh…
(Nguồn: Báo cáo thường niên Kinh tế và Thương mại Việt Nam năm 2021 - Phát triển kinh tế trong đại dịch Covid-19)