Tổng cục giáo dục nghề nghiệp và Thái Bình "bắt tay" đào tạo nguồn nhân lực

Quang Trường

(Dân trí) - Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và UBND tỉnh Thái Bình vừa ký kết Chương trình phối hợp về tăng cường công tác đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực qua đào tạo cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Lễ ký kết diễn ra vào chiều ngày 14/7, tại Thái Bình đặt mục tiêu khơi thông điểm nghẽn về nhân lực chất lượng cao (CLC) cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh Thái Bình.

Tổng cục giáo dục nghề nghiệp và Thái Bình bắt tay đào tạo nguồn nhân lực  - 1
Tổng cục Trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng (bên trái) và Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Nguyễn Khắc Thận ký kết chương trình phối hợp.

Phát biểu tại Lễ ký kết, ông Nguyễn Khắc Thận - Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho biết, nguồn nhân lực trong độ tuổi lao động của tỉnh Thái Bình rất lớn. Tuy nhiên, Thái Bình lại đang thiếu lao động qua đào tạo, có trình độ cao nên chưa đủ sức hấp dẫn để thu hút các doanh nghiệp công nghiệp công nghệ cao.

"Làm tổ để đón đại bàng" là một quy luật tất yếu khi thu hút đầu tư. Các doanh nghiệp lớn, FDI chỉ đầu tư khi nguồn nhân lực của tỉnh có thể đáp ứng nhu cầu. Nếu không có những hành động để nâng cao chất lượng nguồn lao động ngay bây giờ, tương lai của Thái Bình sẽ trở thành "vùng trũng" trong thu hút đầu tư của cả nước", Chủ tịch tỉnh Thái Bình nói.

Tổng cục giáo dục nghề nghiệp và Thái Bình bắt tay đào tạo nguồn nhân lực  - 2
Ông Nguyễn Khắc Thận - Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình phát biểu.

Tỉnh Thái Bình có dân số đông, có khu kinh tế ven biển bao gồm một số khu công nghiệp. Trụ cột kinh tế của địa phương hiện nay đang là nông nghiệp, nhưng để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm thu nhập cho người dân thì việc phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh đang được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Vì vậy, việc thu hút đầu tư và phát triển nguồn nhân lực là vô cùng quan trọng.

Ông Nguyễn Khắc Thận mong muốn Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp định hướng cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho lực lượng lao động hiện có của tỉnh. Chính Thái Bình đào tạo ra lực lượng lao động phục vụ nhu cầu phát triển của tỉnh.

Đồng thời, trong trường hợp nguồn nhân lực Thái Bình không kịp thời đáp ứng được nhu cầu phát triển, thì các đơn vị liên quan cũng sẵn sàng cung ứng, bổ sung thêm cho các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất.

Tại Hội nghị, ông Trương Anh Dũng - Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết, không chỉ Thái Bình mà nhiều địa phương trong cả nước đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân lực có tay nghề.

Văn bản phối hợp được hai bên ký kết có tính chất ghi nhớ việc sẵn sàng cung ứng nhân lực có tay nghề cho tỉnh. Các nhà đầu tư vào tỉnh yên tâm, không sợ thiếu nhân lực chất lượng cao. Tổng cục sẽ cùng hệ thống các trường nghề hỗ trợ tỉnh Thái Bình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Một chiến lược dài hạn cho công tác này cũng sẽ được ban hành. Trong đó việc tăng quy mô đào tạo, năng lực đào tạo của hệ thống giáo dục nghề nghiệp tại địa phương là vấn đề cốt lõi.

Tổng cục giáo dục nghề nghiệp và Thái Bình bắt tay đào tạo nguồn nhân lực  - 3
Ông Trương Anh Dũng - Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp phát biểu.

"Hôm nay tôi mời về đây 10 trường cao đẳng chất lượng cao để hợp tác với tỉnh dựa trên nguyên tắc hỗ trợ và hợp tác, chứ không phải cạnh tranh không lành mạnh. Chúng tôi chia sẻ và thấu hiểu nhu cầu hiện nay của tỉnh.

Trong thời gian tới, sẽ có nhiều hoạt động được triển khai như: các chương trình thu hút tuyển sinh, thành lập các trung tâm đào tạo chất lượng cao hay các chi nhánh đào tạo của các trường nghề tại Thái Bình. Đây là những vấn đề phải chuẩn bị kỹ càng về cơ chế, nhân lực, vật lực để triển khai một cách hiệu quả", ông Trương Anh Dũng nói.

Tổng cục trưởng mong muốn tỉnh Thái Bình nắm bắt được nhu cầu thực của doanh nghiệp về cơ cấu ngành nghề, số lượng nhân lực, trình độ và thời điểm doanh nghiệp cần. Qua đó, các đơn vị rà soát khả năng cung ứng nguồn nhân lực và có kế hoạch tăng cường công tác đào tạo nghề của Thái Bình. Đồng thời, tỉnh cũng cần mở rộng cơ chế cho các chương trình giáo dục nghề nghiệp.

Để chương trình hợp tác đi đúng hướng và có hiệu quả, ngoài việc tham gia của các trường nghề chất lượng cao, phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp tại địa phương, Tổng cục cũng sẽ kết nối các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp để thực hiện đào tạo, đào tạo lại, đào tạo đặt hàng, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng làm việc cho người lao động của doanh nghiệp.

Tổng cục giáo dục nghề nghiệp và Thái Bình bắt tay đào tạo nguồn nhân lực  - 4
Các đại biểu chụp hình lưu niệm.

Về mục tiêu của chương trình phối hợp, hai bên đã thống nhất cụ thể là: tăng cường phối hợp giữa Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, UBND tỉnh Thái Bình và các cơ sở GDNN, các doanh nghiệp trong đào tạo và cung ứng lao động qua đào tạo ở các trình độ GDNN, đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Bình.

Nâng cao vai trò, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, UBND tỉnh Thái Bình và các cơ sở GDNN, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong việc kết nối giữa cơ sở GDNN với doanh nghiệp.

Thúc đẩy hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh với các cơ sở GDNN nhằm tăng cường sự gắn kết để nâng cao chất lượng đào tạo nghề nghiệp, hình thành cơ chế phối hợp để hai bên cùng tham gia vào hoạt động GDNN và cung ứng nguồn nhân lực một cách hiệu quả, bền vững; phát huy vai trò, tiềm năng của doanh nghiệp và cơ sở GDNN trong các hoạt động GDNN, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm