Đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển nền nông nghiệp bền vững
(Dân trí) - Để xây dựng một nền nông nghiệp phát triển bền vững theo hướng hiện đại thì phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao rất có ý nghĩa, là nhân tố quan trọng tạo ra những đột phá.
Ngày 30/6, tại tỉnh Quảng Nam, Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ NN&PTNT) phối hợp với Trường Cao đẳng Quảng Nam tổ chức diễn đàn Thực thi cam kết về SPS trong hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và liên minh châu Âu (EVFTA).
Diễn đàn có sự tham dự của đại diện Sở NN&PTNT, Sở Công Thương, Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật, chăn nuôi, thú y các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Kon Tum, Bình Định, Quảng Trị, Quảng Bình cùng các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân, đại diện các trường đại học, cao đẳng…
Ông Ngô Xuân Nam - Phó Giám đốc Văn phòng thông báo và điểm hỏi đáp Quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (SPS) Việt Nam - cho hay SPS là biện pháp an toàn dịch bệnh động thực vật, an toàn thực phẩm trong thương mại nông sản quốc tế.
Theo ông Nam, đến nay, đây là lần thứ 7, SPS Việt Nam phối hợp với các cơ sở đào tạo tổ chức diễn đàn, trong đó Trường Cao đẳng Quảng Nam đại diện cho khu vực miền Trung.
Tại diễn đàn, các thành viên được nghe một số thông tin về cam kết về SPS trong hiệp định thương mại tự do EVFTA; yêu cầu của thị trường EU nhập khẩu nông sản từ Việt Nam trong tình hình mới, vấn đề an toàn thực phẩm, kiểm dịch nông sản trong thương mại quốc tế.
Ông Ngô Xuân Nam khẳng định Việt Nam là một trong số ít các quốc gia trên thế giới sản xuất nhiều loại trái cây, rau củ mà ít có nước nào trên thế giới sản xuất được. Đây là lợi thế của nền nông nghiệp Việt Nam và là lợi thế để Việt Nam có thể xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp đi nhiều nước trên thế giới.
Phát biểu về đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững, PGS.TS. Vũ Thị Phương Anh - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Quảng Nam - cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện và nghiên cứu ban hành những chính sách mới, thiết thực, có tính đột phá để nâng cao hiệu quả trong công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển nông nghiệp bền vững.
Bà Phương Anh cho rằng đi liền với việc khai thác có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, gắn với giải quyết các vấn đề xã hội như việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia.
Bên cạnh đó, xây dựng các chương trình đào tạo, giải pháp kỹ thuật cho nông dân phục vụ nhu cầu chuyển giao công nghệ, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp xanh, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao; xem đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp 4.0.
Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Quảng Nam khẳng định muốn phát triển nông nghiệp bền vững, trước tiên phải đào tạo nguồn nhân lực đảm bảo chất lượng phục vụ cho phát triển nông nghiệp bền vững. Dù các địa phương có nguồn lao động dồi dào, nhưng nguồn nhân lực vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của việc phát triển nông nghiệp bền vững vào thực tế sản xuất nông nghiệp.
"Để khắc phục tình trạng này đòi hỏi phải sớm thực hiện đồng bộ các giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng với phát triển nông nghiệp bền vững. Đặc biệt cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động làm thay đổi thế giới trong tư duy, phương thức sản xuất tự động hóa, giao thương, liên kết từ xa... thì nhân tố nhân lực càng đóng vai trò then chốt, quyết định", Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Quảng Nam phát biểu.
Tỉnh Quảng Nam hiện có 37 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó số trường có đào tạo các ngành nông lâm nghiệp tương đối ít.
Trường Cao đẳng Quảng Nam là cơ sở đào tạo công lập, hiện đang đào tạo các ngành nông nghiệp công nghệ cao, chăn nuôi, dịch vụ thú y, nuôi trồng thủy sản… với quy mô đào tạo 700 học sinh sinh viên ở hai cấp học là cao đẳng và trung cấp.
Hàng năm trường cung cấp cho các doanh nghiệp trong cả nước hơn 300 lao động. Nhà trường đã làm tốt công tác gắn kết với doanh nghiệp trong công tác tuyển sinh, đào tạo và giải quyết việc làm.
Hàng năm tỷ lệ học sinh sinh viên các ngành nông nghiệp có việc làm đúng chuyên ngành ngay sau ra trường trung bình là 80%, sau 6 tháng trung bình là 95%, có những ngành 100%.