Bạn đọc viết:
Nghỉ tránh dịch Covid-19: “Cô ơi, em mong đi học lại quá”
(Dân trí) - Dịch Covid-19 vẫn đang phức tạp, học sinh THCS vẫn đang nghỉ vì sức khỏe luôn đặt lên hàng đầu. Và thế là bao nhiêu trăn trở, bao nhiêu cảm xúc của các em đều được gửi gắm qua tin nhắn đến cô giáo.
Và tôi - giáo viên chủ nhiệm càng thấy yêu thương các em hơn.
Tuần nghỉ học đầu tiên (từ ngày 3 đến 9/2) có vẻ là khoảng thời gian hứng thú nhất, được xem như kì nghỉ Tết kéo dài, học sinh nào cũng thấy phấn khởi, hào hứng vì không khí xuân, dư âm ngày Tết vẫn tròn đầy.
Và khi bước qua tuần nghỉ học thứ hai (từ 10-16/2), những tin nhắn của các em tràn ngập trong máy di động của tôi: “Cô ơi, hết tuần này đi học chưa cô? Cô ơi, sao ở nhà lại chán như vậy? Em mong đi học lại quá…”. Chung quy lại, nguyện vọng thiết tha của các em là mong chóng được đến trường để được gặp thầy cô, bè bạn.
Từng là học sinh và đang là giáo viên làm công tác chủ nhiệm cấp THCS, hơn ai hết tôi hiểu cảm xúc của các em. Tôi chỉ dẫn trang web của nhà trường để các em vào lấy bài rồi tự học, tôi hướng dẫn các em tỉ mỉ về cách học bài của môn tôi giảng dạy. Tôi khuyên bảo các em nhiều điều và quan trọng hơn nữa tôi yêu cầu các em hãy giữ gìn vệ sinh cá nhân và tăng cường chế độ dinh dưỡng - những quy tắc mà các em đã được hướng dẫn trước khi nghỉ học.
Tuần nghỉ thứ hai đối với học sinh của tôi trôi qua khá nhẹ nhàng chỉ với một vài lời than vãn, lúc này tôi vẫn chưa thấy cảm xúc “đỉnh cao” của các em.
Và khoảng thời gian giữa cuối tuần nghỉ thứ hai và đầu tuần thứ 3, thứ 4 (từ 17 đến hết tháng 2) mới thật sự đáng nhớ.
Máy điện thoại tôi liên tục reo lên những tin nhắn của vô vàn học sinh tôi chủ nhiệm và giảng dạy, thật sự những tin nhắn các em đã chạm vào trái tim những người làm công tác giáo dục như tôi: “Cô ơi, tuần sau đi học rồi phải không cô? Em mong đi học quá”. Hay “Vui quá, tuần tới em lại được gặp bạn bè, gặp thầy cô”. Hay “Cô ơi, em nhớ lớp, nhớ trường, nhớ thầy cô quá. Đi học lại được chưa cô?”. Hoặc là “Cô đừng bảo em là tiếp tục nghỉ cô nhé, em chết vì buồn mất.”
Bao nhiêu cảm xúc mong muốn đi học đều được học sinh gửi gắm qua những dòng tin nhắn ngắn nhưng cô đọng. Lòng tôi dâng lên một niềm thương các em đến khó tả. Tôi chỉ còn biết khuyên các em rằng học tập là một hành trình dài chứ không gấp gáp trong ngày một, ngày hai được. Trong thời điểm hiện tại, các em hãy biết bảo vệ bản thân cũng chính là bảo vệ những người xung quanh. Khi dịch bệnh qua đi là lúc các em sẽ đến trường.
Tuy là thời điểm nghỉ để phòng dịch bệnh nhưng tất cả học sinh của ngôi trường nơi tôi giảng dạy vẫn tham gia đầy đủ các cuộc thi như Viết thư UPU, sáng tác thơ hoặc truyện trong Cây bút tuổi hồng hoặc tham gia viết bài Cảm nhận cuộc sống do Tỉnh phát động. Các cuộc thi đã tạo cơ hội để các em rèn kĩ năng cảm nhận, tập sáng tác các thể loại như truyện , thơ, tùy bút… Tất cả các em tỏ ra rất hào hứng và các em tạm quên đi quãng thời gian rảnh rỗi này.
Tôi khuyến khích các em phát huy hết sự sáng tạo trong mỗi câu chuyện kể của mình, bản nháp sẽ gửi lại cô sửa trước khi đi đến hoàn chỉnh bài viết.
Được động viên, các em như mở cờ trong bụng, tôi liên tục nhận được các bản nháp từ các em mặc dù ý văn còn vụng về, lời thơ còn lủng củng, bố cục truyện chưa rõ ràng… nhưng bước đầu tôi trân quý sự nhiệt thành, lòng cố gắng, và tinh thần cầu thị nơi các em.
Tôi còn nhắn nhủ các em rằng, bài tập trên web cũng như những sáng tác mang dấu ấn cá nhân đều được cô ghi nhận bằng một đến hai cột điểm trong cột điểm thường xuyên của học tập. Háo hức, hăm hở và thích thú là những cảm xúc đến với học sinh của tôi trong dịp nghỉ bất đắc dĩ này.
Dịch bệnh sẽ qua đi, các em sẽ lại đến trường, tiếng học bài quen thuộc lại vang lên, nhịp sống hàng ngày sẽ trở lại bình thường.
Thanh Thanh
(Thừa Thiên Huế)
Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.
Xin trân trọng cảm ơn!