Nghỉ Tết 8 ngày, học sinh Hà Nội có phải làm bài tập về nhà không?
(Dân trí) - Nhiều trường tư thục không giao bài tập về nhà cho học sinh trong dịp nghỉ Tết, trừ học sinh khối 9 và khối 12 đang ôn thi chuyển cấp.
Bài tập Tết: Trường có trường không
Anh Hoàng Mạnh Hùng, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Lê Quý Đôn cho biết, 4 năm nay, con anh không có bài tập về nhà vào dịp Tết. Thay vào đó, mỗi học sinh có một nhiệm vụ về nhà.
"Năm ngoái, trước khi nghỉ lễ, cô giáo chủ nhiệm phát cho các con một tờ phiếu được trang trí đẹp mắt với lời gợi ý: Hãy ghi lại những kỷ niệm đẹp của con với gia đình trong dịp Tết cổ truyền. Trên tờ phiếu có các ô trống để các con viết hoặc vẽ.
Các năm trước, giáo viên cũng đưa ra những nhiệm vụ nhẹ nhàng, ý nghĩa tương tự", anh Hùng chia sẻ.
Theo chị Nguyễn Nhung, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học, THCS&THPT Phenikaa, trường này không giao bài tập về nhà cho học sinh vào bất kỳ dịp nghỉ lễ nào, không riêng dịp Tết cổ truyền.
Chị Phan Thị Lệ Hằng, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Vinschool Gardenia, cho hay, các con chị không được giao bài tập về nhà hoặc nhiệm vụ về nhà vào dịp Tết nguyên đán. "Nghỉ Tết là một kỳ nghỉ hoàn toàn không sách vở", chị Hằng nói.
Tuy nhiên, ở bậc THCS và THPT, các trường tư thục vẫn giao bài tập cho học sinh khối 9 và khối 11, 12.
Hoàng Thái Tùng - cựu học sinh Trường THCS&THPT Lê Quý Đôn - chia sẻ: "Năm lớp 9, dù nghỉ Tết em vẫn làm rất nhiều bài tập các môn toán, ngữ văn, tiếng Anh. Kỳ nghỉ kéo dài 10 ngày, trung bình mỗi ngày 1 phiếu bài tập mỗi môn học. Lượng bài tập nhiều như ngày thường".
Lê Khánh Lâm - học sinh Trường THPT Tạ Quang Bửu - cũng có khá nhiều bài tập môn toán vào mỗi dịp Tết. "Do trường của em nghỉ Tết kéo dài, có năm nghỉ 16 ngày, nên làm chút bài tập không có vấn đề gì. Năm nay em học lớp 12, lượng bài tập Tết có thể sẽ nhiều hơn", Lâm bày tỏ.
Ở khối công lập, việc giao bài tập về nhà trong dịp Tết cổ truyền diễn ra tại nhiều trường tiểu học, THCS.
Cô H.M.T, giáo viên tiểu học, nói: "Hầu như trường công lập nào cũng giao bài tập về nhà dịp Tết. Tùy lớp, tùy khối lớp và tùy trường mà lượng bài tập nhiều hay ít. Học sinh khối 9 có lẽ sẽ thuộc nhóm phải làm nhiều bài tập Tết nhất. Bởi các em đang ở giai đoạn tăng tốc cho kỳ thi vào lớp 10".
Có nên ác cảm với phiếu bài tập về nhà ngày Tết?
Chị Phan Thị Lệ Hằng nêu quan điểm: "Sách vở không đồng nghĩa với gánh nặng. Học không đồng nghĩa với áp lực. Nếu việc học là cần thiết thì tại sao lại không nên diễn ra vào dịp Tết? Quan trọng là cách thức thực hiện".
Theo sát việc học của con, chị Hằng nhận thấy sau một kỳ nghỉ Tết kéo dài 2 tuần, con trai lớp 3 của chị gần như quên sạch kiến thức đã học, thậm chí khó khăn khi viết chính tả.
Khi chị chia sẻ nỗi lo lắng này với giáo viên, cô giáo cho biết đây là tình trạng phổ biến với học sinh tiểu học. Cô giáo sẽ có nhiệm vụ ôn tập, củng cố cho các con.
Tuy nhiên, cô giáo cũng tâm sự rằng việc giúp học sinh ôn lại kiến thức cũ khiến cô áp lực do thời gian hạn hẹp mà tiến độ bài giảng vẫn phải đảm bảo. Cô giáo nhờ phụ huynh hỗ trợ thêm như kèm con làm bài tập về nhà, làm nhiều bài tập hơn so với thời gian trước Tết…
Từ thực tế này, chị Hằng cho rằng học sinh nên được giao bài tập về nhà trong kỳ nghỉ Tết.
"Nghỉ lễ kéo dài hơn 1 tuần. Nếu cứ 2-3 ngày, bố mẹ bỏ ra khoảng 30-45 phút cùng con làm bài tập về nhà thì không có áp lực nào cả. Áp lực là do trong đầu mình lúc nào cũng nghĩ học là khổ, là vất vả. Khi cha mẹ nói về việc học theo cách đó, con trẻ cũng sẽ nhắc đến học như nhắc đến một nỗi sợ hãi, ám ảnh.
Tại sao không thể nhắc đến học như nhắc đến một niềm vui? Cùng con làm bài tập vào ngày Tết, khai bút đêm giao thừa hay mùng Một, viết 1 trang nhật ký, làm 1 trang bài tập toán… cũng là một sinh hoạt ngày Tết rất đẹp, rất ấm cúng, tạo ra nếp văn hóa trong mỗi gia đình", chị Hằng nêu ý kiến.
Ở góc nhìn nhà trường, cô H.M.T. đồng tình với quan điểm của chị Hằng. "Bài tập về nhà ngày Tết không nên nhìn như một gánh nặng của học sinh", cô T. bày tỏ.
Theo cô T., bài tập giao vào ngày lễ Tết thường không nhiều, không khó, mục đích giúp học sinh ôn tập và rèn kỹ năng làm bài. Mỗi ngày, học sinh chỉ cần dành ra 30 phút là hoàn thành.
Cô T. cho rằng, bỏ ra 30 phút để học bài là thời gian hữu ích và chính đáng. Trẻ vẫn được chơi phần lớn thời gian trong ngày.
"Học bài trong kỳ nghỉ Tết không ảnh hưởng tới chất lượng kỳ nghỉ nếu cha mẹ giúp con sắp xếp khoa học. Giả thiết nếu không có 30 phút ngồi học, con trẻ sẽ làm gì có ích hơn? Cha mẹ có chơi cùng con hay để con tự chơi với tivi và điện thoại?
Trẻ đã quen với nếp học bài mỗi tối, nên vào dịp Tết vẫn có thể duy trì việc đó với thời lượng ngắn hơn.
Trường hợp trẻ không có bài tập về nhà, bố mẹ cũng nên khuyến khích con đọc sách, xem các video, phim khoa học, lịch sử hay học một kiến thức gì đó mới mẻ thuộc lĩnh vực mà con quan tâm.
Học cần là việc được trẻ yêu thích. Nếu con trẻ sợ học, sợ làm bài tập đến vậy thì các con sẽ trưởng thành như thế nào, tham gia vào thị trường lao động như thế nào?", cô T. chia sẻ.
Cô T. nói thêm, giáo viên khi giao bài tập về nhà cho học sinh nên có cách thức phù hợp để các con vui vẻ với nhiệm vụ này thay vì cảm thấy chán ghét.
Tạo hình thức hấp dẫn, hài hước cho các phiếu bài tập, tặng quà bí mật kèm theo trong bao đựng bài tập, viết những dòng thư ngắn dành cho học sinh để khuyến khích học sinh làm bài, ôn bài… là một số gợi ý của cô T.
Tuy nhiên, cô T. cũng cho biết, khối lượng công việc của giáo viên trường công rất lớn khi mỗi lớp học có từ 45-60 học sinh. Phụ huynh nên đồng hành, ủng hộ và hỗ trợ giáo viên trong việc tạo ra những nhiệm vụ về nhà ngày Tết vừa có ích, vừa vui dành cho các con.