Cấm giao bài tập về nhà cho học sinh, cô giáo "lách luật" giao cho bố mẹ
(Dân trí) - 22-23h mỗi đêm, dù đã mệt rã rời nhưng nhiều ông bố, bà mẹ vẫn cố uống ly cà phê cho tỉnh táo để cùng con học bậc tiểu học "chiến đấu" với bài tập về nhà.
Học sinh tiểu học thức tới đêm để làm bài tập về nhà
Đều đặn mỗi tối, chị Thanh Mai (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) pha ly cà phê thật đặc, chuẩn bị thêm trái cây, hoa quả để hai mẹ con cùng làm bài tập về nhà.
"Áp lực, cực hình" - đó là hai từ người mẹ trẻ miêu tả mỗi khi nhắc đến 4 chữ "bài tập về nhà".
Con chị Mai năm nay vào lớp 3 của một trường tiểu học trên địa bàn quận. Ngày nào đón con về, việc đầu tiên chị làm là mở cuốn vở ghi bài tập xem hôm nay cô giao nội dung gì về nhà, có nhiều hay không.
Nếu nhiều bài tập, hai mẹ con sẽ gọi đồ bên ngoài rồi còn học. Bà mẹ chỉ dám đi chợ, nấu ăn với những hôm ít bài.
"Con học ở trường cả ngày tới 17h mới tan. Sau đó, đi về nhà, tắm rửa, ăn tối đến 20h. Chưa kịp nghỉ ngơi đã lo làm bài tập.
Hôm nào nhiều bài hay trùng lịch học thêm tiếng Anh ở trung tâm thì 23h mới được đi ngủ", chị Mai kể về thời gian biểu của con.
Những hôm thấy con quá mệt, chị Mai khuyên con đi ngủ nhưng cháu không chịu bởi bài tập được cô kiểm tra hằng ngày.
Học sinh nào không làm sẽ bị cô phê bình, trừ điểm trên hệ thống theo dõi chung của cả lớp.
"Nghĩ mà thương con! 23h30 đi ngủ, 6h30 dậy để kịp vào lớp lúc 7h30. Hôm nào dậy muộn hơn phải vừa đi vừa gặm bánh mì. Kiểu học hành áp lực như này thì khổ quá", chị Thanh Mai than thở.
Vì hôm nào cũng bận rộn với việc dạy con, nên ngay cả bố mẹ cũng không có nhiều thời gian để nghỉ ngơi, chuẩn bị sức khỏe, tinh thần cho ngày làm việc sau đó.
Giao phụ huynh nhưng kiểm tra học sinh
Dù Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định có quy định cấm giao bài tập về nhà cho học sinh tiểu học đã học 2 buổi/ngày, nhưng trên thực tế nhiều giáo viên vẫn không chấp hành.
Có những giáo viên "lách luật" chuyển thành giao cho phụ huynh để bố mẹ yêu cầu con làm bài.
Chị Ngọc Hân (quận Tân Bình, TPHCM) kể bài tập về nhà được cô giáo chủ nhiệm đều đặn mỗi ngày gửi qua nhóm chat chung. Công việc bận rộn, mệt mỏi nhưng tối nào chị cũng phải vào vai giáo viên để dạy con.
"20h tôi mới về đến nhà. Lo ăn uống tạm cái gì rồi lao vào cho con học. Hôm nào cũng tới khuya mới "chiến đấu" hết với đống bài tập. Thấy chương trình trên lớp mà học tới học lui. Riết tụi nhỏ hết tư duy", chị Hân chia sẻ.
Vợ chồng chị Hân muốn con có nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn nhưng, cô giao cũng không dám không làm.
"Bài tập dạy con về nhà được cô giáo giao cho phụ huynh, thế nhưng sẽ kiểm tra con ở trên lớp. Các cô có muốn tốt cho con mới giao bài tập nhưng như vậy áp lực quá. Trẻ đã học cả ngày ở trường rồi mà tối vẫn học tiếp. Bố mẹ đi làm cả ngày cũng muốn nghỉ ngơi. Mệt mỏi dạy con không hiệu quả", chị Hân than thở.
Trong khi đó, chị Minh Minh (quận Hà Đông, Hà Nội) lại kể lớp con mình chia làm 2 thái cực. Năm lớp 1, cô giáo chủ trương không giao bài tập nên buổi tối các bé nghỉ ngơi, vui chơi.
Đến đầu năm lớp 2, tại cuộc họp phụ huynh đầu năm, cô giáo thông báo sẽ không giao bài tập về nhà nhưng nhiều phụ huynh đề nghị được giao. Một phần còn lại không muốn trẻ áp lực chuyện bài vở.
"Để đáp ứng các nguyện vọng của phụ huynh, cô giáo lập một nhóm riêng gửi phiếu bài tập mỗi ngày. Bố mẹ nào muốn cho con luyện, cô gửi vào đó tự tải về. Lớp có 52 bạn thì 36 người tham gia. Bố mẹ tự ôn với con. Cô cũng không chấm", chị Minh cho hay.
Theo chị Minh, có cha mẹ muốn dạy con thêm nhưng lại không biết ra bài tập như thế nào, vì thế, các giáo viên cung cấp phiếu bài tập để phụ huynh, học sinh nào có nhu cầu sẽ sử dụng là một cách hay.
"Nói chung cô giáo không áp lực. Gia đình nào có mục tiêu và nhu cầu thì làm. Bé nhà tôi cũng tham gia nhưng bố mẹ không áp đặt. Con thích thú sẽ dành 20 phút mỗi tối để làm thêm. Hôm nào con mệt sẽ nghỉ ngơi", chị Minh kể.
Bà Lê Thụy Mỵ Châu - Phó giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM - cho biết chủ trương của chương trình giáo dục phổ thông 2006 và cả chương trình 2018 là không giao bài về nhà cho học sinh tiểu học.
Theo đó, học sinh đã học ở trường 2 buổi/ngày, giáo viên phải cho các em làm bài tập, thực hành trên lớp. Thời gian ở nhà, giáo viên khuyến khích học sinh tự giác ôn lại bài cũ hoặc chuẩn bị trước bài mới nếu thấy cần.
"Đầu năm học, Sở đã có văn bản hướng dẫn, nhấn mạnh giáo viên phải cho học sinh hoàn tất bài tập trên lớp, không giao bài về nhà. Chúng tôi sẽ có những đoàn kiểm tra để ghi nhận, chấn chỉnh kịp thời tình trạng này, nếu có", bà Châu nói.
Theo Phó giám đốc Sở, giáo viên có thể áp dụng một số giải pháp để giảm giao bài tập về nhà như: tăng cường việc học tập trong nhóm, xây dựng mối quan hệ giáo viên - học sinh theo hướng cộng tác, hình thành và phát triển năng lực tự học cho học sinh với sự tổ chức, hướng dẫn của giáo viên trên nguyên tắc "Học sinh tự mình hoàn thành nhiệm vụ nhận thức (tự chiếm lĩnh kiến thức) với sự tổ chức, hướng dẫn của giáo viên".
Tùy theo mục tiêu, nội dung, đối tượng và điều kiện cụ thể mà giáo viên đưa ra những hình thức tổ chức thích hợp như: Học cá nhân, học nhóm; học trong lớp, học ở ngoài lớp, hướng dẫn thuyết trình. Giáo viên sẽ là người xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá không gây quá tải cho học sinh.
"Các yêu cầu liên quan khi đặt ra, giáo viên cần cân đối mức độ "vừa sức" với học sinh, có yêu cầu "gắng sức" và có kiểm soát "quá tải"; phương pháp dạy học gắn chặt với các hình thức tổ chức dạy học", bà Châu nhấn mạnh.
* Tên học sinh, phụ huynh đã được thay đổi.