Nghỉ dịch Covid-19 kéo dài: Cẩn trọng với trầm cảm của trẻ
(Dân trí) - TS Tâm lý Vũ Thị Thu Hương (Trường ĐHSP Hà Nội) cho rằng, phụ huynh quá lo lắng về dịch bệnh mà quên mất trẻ em dễ bị ảnh hưởng tâm lý vì kì nghỉ dịch Covid-19 kéo dài.
Một số chuyên gia tâm lý cho rằng, trẻ nghỉ học vì dịch Covid-19 quá dài ngày dễ dẫn đến tình trạng căng thẳng, ngột ngạt.
Đó là tâm trạng đơn độc, buồn tẻ, thậm chí stress của trẻ khi không được gặp gỡ, nói chuyện trực tiếp với bạn như những ngày còn đi học.
TS Tâm lý Vũ Thị Thu Hương (Trường ĐHSP Hà Nội) cho rằng, phụ huynh quá lo lắng về dịch bệnh mà quên mất trẻ em dễ bị ảnh hưởng tâm lý vì kì nghỉ dịch Covid-19 kéo dài.
Cùng với đó, chuyên gia này cũng đưa ra một số dấu hiệu nhận biết về tâm lý, cảm xúc..., cũng như giải pháp cần thiết để áp dụng với trẻ trong thời gian nghỉ để phòng dịch.
Với trẻ dưới 9 tuổi:
Trở nên quá hiếu động. Do kì nghỉ dài, các con tích trữ nhiều năng lượng mà không có môi trường để xả. Do vậy, khả năng các con bùng phát năng lượng, phá phách, nghịch ngợm là rất cao.
Chuyên gia này cho rằng: Cần giảm các đồ bồi bồ năng lượng như sữa, đường; Tăng cường thể thao trong nhà; Tìm cơ hội cho con ra ngoài trời, tới các khu vực vắng người để giải tỏa năng lượng.
Cảm thấy cô đơn, chán nản, biểu hiện là mút tay, mút môi, tự sờ cơ thể...
Ở tình huống này, theo TS Thu Hương: Bố mẹ tìm các việc phù hợp cho con làm, có thể hướng dẫn con làm việc nhà; Dành nhiều thời gian cho con; Chơi với con, đọc sách cùng con; Ôm con trước khi ngủ...
Phụ huynh cũng có thể tâm sự, nói chuyện với con thật nhiều. Chia sẻ với con nỗi lo lắng của mình và nhờ con cùng mình vượt qua khó khăn.
Dễ phát cáu, gây sự, hay khóc, ăn vạ
Trong kì nghỉ dài, nhiều trẻ em bị căng thẳng, nên dễ gây sự hoặc ăn vạ. Theo TS Vũ Thu Hương, ở tình huống này, phụ huynh có thể xử lý theo một số cách. Chẳng hạn, khi trẻ khóc, người nhà nên để con tự nín. Sau khi con ngừng khóc hoàn toàn chừng 15 phút, hãy nói chuyện, cư xử bình thường, tuyệt đối không nhắc lại vụ việc.Các ngày thường, bố mẹ nên chơi cùng con, giao tiếp, trao đổi, tránh mắng mỏ con.
Bố mẹ cố gắng tìm cơ hội cho con ra ngoài không gian để giải tỏa nhưng nên nhớ đó là những nơi thoáng đãng, không tụ tập đông người để tránh dịch bệnh Covid-19 lây lan.
Với trẻ trên 9 tuổi:
TS Vũ Thu Hương cho rằng, trẻ em tuổi teen thường dễ khủng hoảng hơn rất nhiều. "Việc nghỉ ở nhà quá lâu sẽ khiến các con dễ lao vào các việc bị cấm như: Chụp ảnh cơ thể. Tôi phát hiện ra rất nhiều hình ảnh trên Instagram, thử hút bóng cười, thuốc lá điện tử, thử ngủ cùng nhau, đọc truyện cấm, xem phim đen... Các bạn còn có thể rủ nhau đi chơi xa, rủ nhau bơi lội, rủ nhau bỏ nhà đi; Có thể sẽ gây gổ đánh nhau, nghiện game; Tự rạch tay mình, la hét ầm ĩ ko kiểm soát được, hoặc thử tự tử", TS Thu Hương cho hay...
Trường hợp này, TS Vũ Thu Hương cho rằng, gia đình cần bố trí lại thời gian biểu. Yêu cầu các con sinh hoạt đúng giờ giấc hợp lý, không thức khuya, dậy muộn.
Đặc biệt, có thể biến các con thành các quản gia. Giao mọi việc từ phân công, quản lý gia đình để các tự tự xử lý.
Cho các con đọc thông tin và bàn luận về các vấn đề cuộc sống cùng bố mẹ. Thậm chí có thể “khích” các con vượt qua tính lười biếng để tự học tốt nhất, tìm kiếm thông tin qua sách báo tham khảo.
“Stress với trẻ là nguy cơ hiện hữu. Các bố mẹ không nên coi thường”, chuyên gia này nhấn mạnh.
Đồng thời theo chị, trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, các con không thể đi nhiều khu vui chơi.
Tuy nhiên, bố mẹ có thể sắp xếp cuối tuần đưa con đến bãi sông Hồng chẳng hạn, hoặc một số nơi thoáng đãng để nghỉ ngơi, vui chơi.
Các con cần không gian thoải mái, an toàn, có thể giải tỏa trong mùa dịch Covid-19.
Hạnh Nguyên (ghi)