Ngày Tết, mẹ hoảng hốt khi con vừa ngồi cạnh đã bỏng khắp người

Lê Đăng Đạt

(Dân trí) - Con vừa ngồi cạnh, chị Thu hoảng hốt khi chỉ vài phút sau đã nghe con khóc thét ngoài sân với các vết bỏng khắp người…

Chị Lê Thị Thu, 36 tuổi cùng gia đình về đón Tết ở quê nội tại Nghệ An kể lại tại nạn vừa xảy ra với cậu con trai 8 tuổi của mình.

Chiều tối 27 Tết, chị đang ngồi ăn cơm cùng gia đình thì hoảng hốt khi nghe tiếng con trai khóc thét trước sân. Cháu bị bỏng với các đốm loang lổ khắp tay, chân, cổ…

Ngày Tết, mẹ hoảng hốt khi con vừa ngồi cạnh đã bỏng khắp người - 1

Trẻ nhỏ chơi tạo lửa bằng bùi nhùi trong dịp Tết (Ảnh: H.N).

Chỉ vài phút trước, cháu còn ngồi ngay cạnh mẹ. Khi cả nhà đang vui vẻ vừa ăn vừa rôm rả nói chuyện, cháu tọt đi chơi từ lúc nào không hay. 

Hóa ra, con trai chị "gia nhập" cùng mấy người bạn ở quê chơi trò đốt bùi nhùi (mớ rơm bện chặt dùng để giữ lửa) tạo lửa. Nhưng có thể không có kinh nghiệm như các bạn ở quê, cháu bị bùi nhùi tạo lửa bắn khắp người gây bỏng, chưa kể khi chạy còn bị té sưng đầu gối. Cũng may các vết bỏng của cháu nhẹ, thưa, không quá nặng.

Lúc này, chị Thu mới biết, ngoài trò chơi đốt lửa bùi nhùi này, các con còn chơi các trò nguy hiểm khác làm pháo, dùng bật lửa gas ném tạo tiếng nổ…

"Những ngày Tết là khoảng thời gian trẻ chơi tự do, bố mẹ lại bận rộn công việc nên ít giám sát, theo dõi. Các con ở tuổi tò mò, thích khám phá những trò nguy hiểm mà thường chỉ khi xảy ra tai nạn bố mẹ mới hay biết", chị Thu chia sẻ.

Đặc biệt, chị Thu nhận ra, trẻ sống ở thành phố như con chị, khi về quê đón Tết tại các vùng nông thôn gặp môi trường mới mẻ nhưng thiếu kinh nghiệm, càng có nguy cơ gặp tai nạn như ao hồ, cây cối, các trò chơi…

Sau tai nạn của con, chị Thu nhắc mình giảm bớt việc nhà, nấu nước để dành thêm thời gian cho con, hướng dẫn con chơi an toàn trong ngày Tết.

Ngày Tết, mẹ hoảng hốt khi con vừa ngồi cạnh đã bỏng khắp người - 2

Một nhóm học sinh ở Nghệ An làm pháo (Ảnh: H.N).

Riêng việc chế pháo ngày Tết, thời gian qua đã có nhiều học sinh bị thương tích nặng.

Mới nhất ở thị trấn Trảng Bom, Đồng Nai, em V.C.M., 15 tuổi, học sinh THCS nhập viện trong tình trạng dập nát hai bàn tay, bị thương vùng đầu mặt.

Theo người nhà nạn nhân, pháo phát nổ trong lúc nam sinh chế pháo tại nhà khiến hai tay, hốc mắt phải của em bị chấn thương nặng. Sau đó, nam sinh được đưa vào Trung tâm Y tế huyện Trảng Bom sơ cứu rồi chuyển lên Bệnh viện Nhi Đồng Đồng Nai điều trị. 

Trước đó, một nhóm nam sinh cấp 2 ở TP Thuận An, Bình Dương mua hỗn hợp về chế tạo pháo tại nhà một người bạn tên K., là học sinh lớp 9. Sau đó, cả nhóm đưa pháo ra bờ kênh thử, không may bị phát nổ làm K. dập nát bàn tay.

Bệnh nhân phải cắt bỏ ngang cổ tay phải, cũng như bị gãy nhiều xương và có nhiều vết thương vùng cổ, mặt, gối, vai… Thương tật để lại cho bệnh nhân là vĩnh viễn, bao gồm các đau đớn về thể xác cũng như ám ảnh về tinh thần.

Tai nạn ngày Tết xảy ra với trẻ em, học sinh là vấn đề liên tục được cảnh báo. Ngày Tết có nhiều hoạt động, người lớn lại bận rộn, hàng loạt nguy cơ tai nạn  với trẻ như té ngã, hóc dị vật, đuối nước, điện giật… Chưa kể, rất nhiều tai nạn còn đến từ các trò chơi nguy hiểm, tò mò của trẻ có thể để lại những hậu quả đau lòng.

Ngày Tết, mẹ hoảng hốt khi con vừa ngồi cạnh đã bỏng khắp người - 3

Nam sinh lớp 9 ở Bình Dương bị tai nạn pháo nổ thương tâm (Ảnh: BV).

Nhiều trường học, ngành giáo dục tại các địa phương cũng cảnh báo tình trạng nguy cơ thiếu an toàn cho trẻ dịp Tết. Qua đó, lưu ý phụ huynh cần quan tâm, chú ý nhằm đảo bảo an toàn cho trẻ vào dịp này.

Tại TPHCM, trước kỳ nghỉ Tết năm nay, Sở GD&ĐT TPHCM yêu cầu các trường học chủ động phối hợp với lực lượng công an, chính quyền địa phương tổ chức cho học sinh ký cam kết không tham gia các tệ nạn xã hội, tệ nạn ma túy, không để xảy ra các vi phạm liên quan đến pháo nổ, trật tự an toàn giao thông.