Vì sao tài khoản nhiều sinh viên sư phạm bất ngờ có thêm 127 triệu đồng?
(Dân trí) - Nhiều sinh viên đang theo học các ngành sư phạm (đào tạo giáo viên) tại TPHCM nhận được hơn 127 triệu đồng trong tài khoản.
Những ngày qua, nhiều sinh viên đang theo học ngành sư phạm (đào tạo giáo viên) tại TPHCM nhận được hơn 127 triệu đồng.
Đây là số tiền hỗ trợ sinh hoạt phí do cơ sở đào tạo hoàn trả dành cho sinh viên ngành sư phạm diện địa phương đặt hàng tại TPHCM lên tới hơn 127 triệu đồng/người.
Chính sách hỗ trợ này được thực hiện theo Nghị định 116/2020 của Chính phủ về việc hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm ở diện đào tạo theo phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng.
Được biết, trong đợt nhận tiền hỗ trợ lần này, có hơn 600 sinh viên sư phạm đang theo học hai trường là Trường Đại học Sài Gòn và Trường Đại học Sư phạm TPHCM được nhận.
Những sinh viên này trúng tuyển đại học năm 2021 và là khóa đầu tiên áp dụng chính sách hỗ trợ theo Nghị định 116/2020 của Chính phủ.
Số tiền chuyển gồm hai khoản là tiền học phí và tiền sinh hoạt phí của 35 tháng (7 học kỳ) mà sinh viên khóa tuyển sinh năm 2021 đã học ở diện đào tạo theo phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng.
Trong đó, tiền học phí hoàn trả cho cơ sở đào tạo, còn tiền sinh hoạt phí được hoàn trả lại cho sinh viên.
Ngoài ra, trường nào có tạm thu học phí của sinh viên thì các em cũng sẽ được nhận lại số tiền đã đóng trong đợt này.
Theo Nghị định 116/2020 của Chính phủ, sinh viên sư phạm hiện được đào tạo theo 3 diện, gồm diện đào tạo theo nhu cầu xã hội; diện đào tạo theo phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu; diện tự do, không đăng ký hưởng chính sách.
Trong đó, sinh viên thuộc hai diện đầu tiên được hưởng chính sách miễn học phí và được hỗ trợ tiền sinh hoạt phí 3,63 triệu đồng/tháng, mỗi năm học không quá 10 tháng. Riêng sinh viên thuộc diện tự do, không đăng ký hưởng chính sách phải tự túc chi phí học tập và sinh hoạt.
Sinh viên sư phạm đã hưởng chính sách sẽ phải bồi hoàn kinh phí nếu không công tác trong ngành giáo dục sau 2 năm tốt nghiệp; không công tác đủ thời gian tối thiểu gấp hai lần thời gian đào tạo tính từ ngày được tuyển dụng; sinh viên chuyển sang ngành đào tạo khác, tự thôi học, không hoàn thành chương trình đào tạo hoặc bị kỷ luật buộc thôi học.