“Chạy trường” - Thực trạng nhức nhối trong ngành giáo dục

Ngành giáo dục “vẽ đường” cho phụ huynh “chạy”?

Đã là phụ huynh thì ai cũng muốn con em mình được học trong những ngôi trường tốt. Không đủ điểm vào trường thì phải “chạy”. Một số phụ huynh còn cho rằng chính sự dễ dãi trong quản lý đã làm phát sinh tiêu cực trong “chạy trường”.

Ông Chu Mạnh Nghĩa, Phó Tổng Giám đốc Công ty Sài Gòn Nam Chính Trực: Nhiều khi là cuộc đua đầy “hãnh tiến”

 

Thực ra, nếu việc “chạy trường” nhiều khó khăn và không trở thành chuyện “bình dân” như hiện nay thì có lẽ những bậc làm cha làm mẹ cũng bằng lòng với ngôi trường phù hợp với sức của con mình. Tôi được biết nhiều trường nhận những học sinh do cha mẹ “chạy” nhưng có cơ quan nào bắt bẻ hay pháp luật can thiệp đâu. Thử hỏi, nếu ngành giáo dục thẳng tay đối với các vụ chạy chọt đó, thì các bậc phụ huynh đâu dám “đùa với lửa” được.

 

Sai không mắng, thấy kẻ ăn trộm không bắt thử hỏi ai dại gì đi tự thú chứ? Và thế là những gia đình có con cái không đủ tiêu chuẩn vào trường này, trường nọ bắt đầu đua nhau “chạy”. Thử nhìn vào thực tế ở một số trường THPT, THCS có tiếng mà xem, học sinh đa phần là con cái những gia đình khá giả. Không lẽ con nhà giàu học giỏi đến thế sao?

 

Tôi nhớ, có người bạn của tôi, chị tìm đủ mọi cách để con có thể học lớp tăng cường tiếng Pháp của một trường THCS. Chị quan niệm, dốt của trường này dẫu sao vẫn khá hơn những trường khác.

 

Hoàn toàn hợp lý khi làm cha mẹ mà mong muốn cho con mình thành thiên tài. Con người ta học trường danh tiếng này, trường danh tiếng nọ; con mình mà học trường thường thì “ê” mặt. Lắm khi, “chạy trường” không chỉ vì con cái. “Chạy trường” cho con, nhiều khi là cuộc chạy đua đầy “hãnh tiến” của bố mẹ!

 

PGS-TS Võ Văn Sen, Trưởng Khoa Lịch sử Trường ĐH KHXH&NV TPHCM: Không còn thư tay sẽ không còn “chạy trường”

 

Tâm lý của phụ huynh học sinh ai cũng muốn cho con vào học ở trường có uy tín và họ có thể làm mọi cách để “chạy” cho con vào trường điểm, kể cả mất tiền. Theo tôi, chừng nào không còn lo lót, cán bộ ngành giáo dục không chấp nhận thư tay thì chừng đó không còn “chạy trường”.

 

Ông Nguyễn Thành Hiệp, Trưởng Phòng Dạy nghề Sở LĐ-TB-XH TPHCM: Ai cũng muốn con học trường tốt.

 

Việc “chạy trường” của phụ huynh ở một góc độ nhất định cho thấy phụ huynh đã quan tâm nhiều đến việc học hành của con em họ vì thực tế trong lòng mỗi phụ huynh ai lại không muốn cho con em học những trường tốt.

 

Việc xóa trường trọng điểm, trường chất lượng cao không có tác dụng gì vì dẫu các trường đó không còn được gọi là trường điểm thì nó vẫn có một vị trí nhất định trong lòng phụ huynh. Để có thể hạn chế được việc “chạy trường” cần thực hiện đúng quy chế tuyển sinh, rõ ràng, công khai.

 

Nhà thơ Thái Thăng Long, Trưởng Chi nhánh phía Nam, Nxb Thanh Niên: Căn bệnh ung thư đã di căn trong ngành giáo dục.

 

Đã làm cha làm mẹ, ai cũng muốn con mình được nuôi dưỡng, học hành trong một môi trường tốt nhất. Những người có tiền, có chức tước, địa vị thì điều này không chỉ là sự mong mỏi mà còn là niềm kiêu hãnh nữa. Người ta cứ nghĩ trường điểm, trường có chút ít tiếng tăm thể nào thầy cô cũng giỏi hơn, trang thiết bị sẽ tốt hơn và việc học của con cái sẽ xuôi chèo mát mái hơn. Nước chảy chỗ trũng mà! Chính niềm kiêu hãnh của bố mẹ làm khổ con cái, không đủ sức để học trường chuyên lớp chọn cũng cố sức “chạy” cho con vào đó.

 

Thú thực, cách đây trên dưới mười năm, bất đắc dĩ mà tôi cũng phải “chạy trường” cho con mình. Sự đời thật oái oăm, con tôi học giỏi thì không được chọn vào trường tốt nhưng có những học sinh chỉ thuộc diện trung bình cũng nghiễm nhiên có chỗ. Muốn tốt cho con thì bố mẹ cũng phải chịu nhún nhường một chút. Nhất thân nhì quen, sau một số công đoạn gặp gỡ, con tôi cũng bằng chị bằng em... Lẽ thường tình, người này “chạy” không lẽ người kia chịu đứng yên? Và thế là nạn “chạy trường” triền miên tiếp diễn, như một căn bệnh ung thư đã di căn trong ngành giáo dục của chúng ta.

 

Giáo dục là nền móng, là gốc rễ của sự phát triển mà phải “chạy” thì còn ra gì nữa. Tất cả là do sự không hài hòa trong giáo dục gây ra. Huyện nào, quận nào cũng hết trường điểm này tới trường điểm nọ. Từ tiểu học đến trung học không bậc nào mà không có trường chất lượng cao... Chính ngành giáo dục vẽ đường cho chúng tôi “chạy” trường!

 

Anh Duy Phương, nhà ở quận 8 - TPHCM đang “chạy” cho con vào lớp 6 Trường THCS Hồng Bàng (Q.5 - TPHCM): Chỉ vì sĩ diện.

 

Con tôi hiện nay đang học ở một trường tiểu học ở quận 8, sắp tới cháu sẽ hoàn thành chương trình tiểu học. Thực lòng, tôi không hề muốn “chạy” cho con học ở Trường Hồng Bàng, Q.5 vì cháu sẽ phải đi học rất xa, việc đưa đón cũng rất mất thời gian nhưng vì bà xã lúc nào cũng hối thúc phải “chạy” cho được vào trường “chất lượng cao” Hồng Bàng cho dù có tốn kém. Mấy người bạn của bà ấy, người nào cũng “chạy” vào Trường THCS Hồng Bàng hay ở những trường điểm khác. Chỉ vì sĩ diện. Bà ấy cũng chỉ muốn cho bằng bạn, bằng bè.

 

Chúng tôi tiến hành khảo sát nhanh trên 100 phụ huynh, kết quả:

 

- 100% có nghe nói đến thực trạng “chạy trường”.

 

- 75% thú nhận là bản thân hoặc người trong gia đình có ít nhất 1 lần “chạy trường”.

 

- 80% nêu lý do “chạy trường” là vì muốn con em được học trong môi trường tốt.

 

- 20% thú nhận thấy người ta “chạy” thì mình cũng “chạy”.

 

- 100% cho rằng ngành giáo dục thiếu nghiêm khắc nên việc “chạy trường” mới ngày một công khai và rầm rộ như hiện nay.

 

- Để dẹp nạn “chạy trường”, 45% phụ huynh đề nghị xóa trường điểm; 55% phụ huynh đề nghị trước hết ngành giáo dục phải nghiêm khắc, không giải quyết bất cứ trường hợp nào.

 

Theo Người lao động

 

Các kiểu "chạy trường"

Dòng sự kiện: chạy trường

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm