“Chạy trường”: Thực trạng nhức nhối trong ngành giáo dục

Từ Bắc chí Nam, phụ huynh đua nhau “chạy trường”!

Có ở trong hoàn cảnh của phụ huynh mới hiểu nỗi khổ của họ khi phải “chạy trường”. Có vị lo chuyển hộ khẩu về gần trường điểm cả năm trước để con họ “đúng tuyến” khi vào lớp 1. Lại có vị “chạy” cho con vào cấp 1 chì vì tương lai của… cấp 2.

Hà Nội: Không tính bằng tiền đồng mà đếm bằng USD

 

Ngay từ Tết, các phụ huynh đã đôn đáo nhờ người quen dẫn đến quà cáp hiệu trưởng nơi định gửi gắm con em mình. Anh H.K, quận Đống Đa, đã nhờ một đồng nghiệp cũng có con vào học tại một trường THCS chất lượng cao của quận Ba Đình dẫn lối. Từ Tết Ất Dậu, anh đã đến làm quen với vị hiệu trưởng của trường này để gửi gắm con gái đang học lớp 5.

 

Kinh nghiệm của nhiều người cho thấy, muốn “chạy” trường điểm cho con là phải “chạy” từ sớm để có thể nhanh chóng giải quyết mọi rắc rối. Một giáo viên giấu tên cho biết, ngay từ trong năm học, những gia đình muốn cho con học trái tuyến phải “chạy hộ khẩu” về quận có trường.

 

Những năm trước, việc “chạy trường” trái tuyến còn khá đơn giản. Nhưng năm nay, do cấp sở “siết” xuống, thậm chí, Sở GD-ĐT còn coi việc thực hiện giảm tỉ lệ học sinh trái tuyến là một tiêu chuẩn trong công tác thi đua nên việc tuyển sinh trái tuyến rất khó khăn. Và vì thế, để chạy được một suất trái tuyến vào trường điểm hoàn toàn không phải là chuyện đơn giản. Anh H.K cho biết, tuần trước, anh đã đến nhà thầy hiệu trưởng tương lai của con với chiếc phong bì 500 USD, nhưng vẫn chưa yên tâm chút nào.

 

Ngày 1/7 mới là thời điểm các trường nhận hồ sơ tuyển sinh nhưng tại các trường tiểu học Tràng An, Bình Minh; các trường THCS Trưng Vương, Đoàn Thị Điểm, Kim Đồng... (đều là những trường chất lượng cao), việc tuyển sinh trái tuyến coi như đã chấm dứt. Còn ở các trường THCS như Giảng Võ, Nguyễn Trường Tộ, thời điểm này mà nhận được lời hứa sẽ dành cho một suất học lớp 6 thì cực khó. Cũng vì khó khăn như thế mà ngoài tiền, để con mình vào được trường danh giá, nhiều phụ huynh còn bắt buộc phải “chạy” cả thư tay của các quan chức giáo dục cấp bộ, sở...

 

Đà Nẵng: Chạy trường - cách đầu tư cho tương lai con cái!

 

Hiện nay, ở Đà Nẵng, một số trường được phụ huynh học sinh đặc biệt lưu ý khi có con vào học lớp đầu cấp như các trường tiểu học Phù Đổng, Hoàng Văn Thụ, Phan Thanh (quận Hải Châu), Trần Cao Vân (quận Thanh Khê), các trường THPT Trưng Vương, Kim Đồng, Nguyễn Huệ...

 

Một anh bạn “chạy” cho con vào Trường Tiểu học Phù Đổng, một trường nằm ở trung tâm TP Đà Nẵng, kể: Cách đây khoảng 5 năm, dường như nhìn thấy trước mọi chuyện, trước khi con anh rời mẫu giáo, anh chuyển hộ khẩu của con từ Hòa Khánh, Liên Chiểu về nhà một người bà con ở phường Hải Châu và đăng ký cho cháu vào học Trường Tiểu học Phù Đổng, một trường luôn có thành tích cao trong giảng dạy, học tập. Bây giờ, sau khi học lớp 5 đương nhiên cháu được chuyển vào Trường Trưng Vương, một trường THCS mà phụ huynh nào cũng ao ước.

 

Để đầu tư được cho con như thế, anh chị và cháu bé thật vất vả. 4 giờ sáng phải đánh thức con dậy, đưa con đến trường, 4 giờ chiều từ trên Hòa Khánh đi xe xuống chờ đón con. Đều đặn như thế, anh chị không hề tiếc công sức. Nhìn thằng bé học sinh lớp 5 gầy quắt, kính cận dày cộp, chúng tôi hỏi anh cứ gì phải học trường điểm, để khổ cả cha mẹ lẫn con cái thế? Anh bảo thực sự vì con nên cũng chẳng tiếc gì, với lại những trường này có tiếng rồi. Đầu tư cho con cái cứ phải là chắc ăn!

 

Ông Nguyễn Tiến Khả, Hiệu trưởng Trường THCS Kim Đồng, nhận xét: “Theo tôi, phụ huynh học sinh cố chạy cho con vào trường điểm cũng có nhiều lý do, người thì do chất lượng giáo dục, người thì muốn con học gần nơi làm việc để tiện đưa đón, có người bị chi phối bởi con của bạn hay người trong gia đình (ngoại tuyến) được vào trường điểm nên cố chạy cho con vào đó cho “bằng anh bằng em”... Vô tình chính họ đã gây áp lực cho các trường có ít nhiều thành tích tốt trong dạy và học trong thành phố”.

 

Cần Thơ: Rủ nhau... “chạy” trường điểm

 

Hiện nay, do rất nhiều trường nằm trong TP Cần Thơ đang tiến hành sửa chữa lại khang trang hơn để xứng đáng với tầm vóc của một TP trực thuộc Trung ương, nên năm nay hầu hết các trường này đều không nhận HS ở các phường khác (gọi là ngoài tuyến). Nắm bắt được thông tin này, trong những ngày qua, mặc dù năm học cũ chưa kết thúc, nhưng khá nhiều bậc phụ huynh đã... rủ nhau đi “chạy” vào trường điểm.

 

Lực lượng “chạy trường” xông xáo nhất vẫn là những người ở khác phường, con em không đủ điểm tuyển theo quy định. Khi nghe các trường thông báo bán hồ sơ tuyển sinh, họ nháo nhào chạy đi mua cho bằng được hồ sơ của các trường điểm. Mua hết hồ sơ ở Trường THCS Đoàn Thị Điểm (được xem là số 1), họ lại ào qua mua hồ sơ của Trường THCS Lương Thế Vinh, Tân An...

 

Thói quen “phòng xa” này đôi khi cũng có ích. Như trường hợp của ông N. (ngụ đường Nguyễn Văn Cừ, phường An Hòa) mua cùng lúc 3 bộ hồ sơ tuyển sinh vào các trường điểm ngon nhất TP. “Chạy” đến trường nào cũng bị “lắc đầu” do con không đủ điểm chuẩn. Trong lúc định bó tay và cho con mình về học ở phường nhà thì tình cờ gặp ông bạn quen. Nhờ ông bạn mối mang, con ông N. được một “trường điểm” nhận vào học.

 

Trường hợp ông Nguyễn Văn Ph., ngụ ở đường Mậu Thân, phường An Hòa, quận Ninh Kiều còn “ngoạn mục” hơn. Số là ông Ph. ở tỉnh X. mới về TP Cần Thơ lập nghiệp nên chưa kịp chuyển hộ khẩu. Để tìm cho con một chỗ học trong trường điểm thật không dễ dàng gì. May nhờ ông bạn thân có quen biết với một ông... nhà giáo, ông này có quen với... một cán bộ quận, vị cán bộ quận lại thân quen với một cán bộ... phòng giáo dục, và vị cán bộ phòng giáo dục lại có cô bạn học làm... hiệu trưởng trường điểm! Thế là, qua một đường dây quen biết vòng vo như thế, cuối cùng ông cũng xin được cho con mình vào một trường điểm đứng hàng thứ hai trong TP.

 

Ông Huỳnh Văn Hoa, Giám đốc Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng: Gây áp lực lớn đối với các trường và Sở

 

Nhiều năm trước đây, cứ mỗi lần chuẩn bị bước vào năm học mới, nhất là ở các lớp đầu cấp học, hiện tượng phụ huynh tìm đủ mọi cách để lo cho con em mình vào một số trường chuẩn - trường điểm có số lượng tương đối lớn. Tình hình này gây áp lực đối với các trường và Sở.

 

Nhận thức được vấn đề trên, 4 năm trở lại đây, chúng tôi tập trung thực hiện một số biện pháp giảm bớt việc chạy vào trường chuẩn, trường điểm. Trước tiên, chúng tôi chủ động lập đề án quy hoạch mạng lưới trường lớp từ mầm non, phổ thông đến giáo dục không chính quy.

 

Việc xét tuyển học sinh vào đầu cấp của các bậc học, nhất là bậc THCS..., Sở sẽ có chỉ tiêu cụ thể giao về các trường. Nếu các trường muốn tuyển thêm học sinh ngoại tuyến, phải có văn bản xin phép và chỉ được tuyển khi có ý kiến của giám đốc sở...

 

Bà Nguyễn Thị Giúp, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Quyền - TP Cần Thơ: Năm nay, việc “chạy” trường sẽ diễn ra rất gay gắt

 

Tôi rất buồn khi năm nào cũng nghe dư luận cho rằng một số giáo viên đã nhận tiền “chạy” trường của phụ huynh. Thú thật, việc lo lót tiền bạc diễn ra ở đâu, chứ trong trong Trường Tiểu học Ngô Quyền thì tôi xin khẳng định chưa xảy ra bao giờ. Năm học 2004-2005, trường thu nhận 6 lớp 1 với 220 HS. Trong đó, có 4 lớp ngoại tuyến, giảm khoảng 30% - 40% so với năm học trước đó.

 

Tuy nhiên, năm nay trường sẽ cố gắng giữ tương đương số lượng HS thu vào, chứ không thể giảm như những năm trước. Bởi lẽ, năm nay nhiều trường tiểu học trong nội ô TP đang sửa chữa lại nên không nhận HS ngoài tuyến. Do đó, chắc chắn việc phụ huynh HS “chạy” cho con em mình vào các trường tiểu học điểm như Ngô Quyền và Trần Quốc Toản sẽ diễn ra vô cùng gay gắt.

 

Theo Nguoilaodong

Dòng sự kiện: chạy trường