Nên bỏ môn thi thứ 4 vào lớp 10 hoặc để học sinh tự chọn môn thi?
(Dân trí) - Hiệu trưởng một số trường tại Hà Nội muốn giảm tải áp lực cho học sinh bằng việc bỏ môn thi thứ 4 vào lớp 10, hoặc để học sinh tự chọn môn thi theo định hướng và năng lực của mình.
"Bỏ được môn thi thứ 4 thì tốt quá"
Trao đổi với PV Dân trí, ông Trịnh Hùng Sơn - Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Lý Thái Tổ (Hà Nội), học sinh cần được giảm tải những áp lực thi cử không cần thiết.
"Nếu bỏ được môn thi thứ 4 vào lớp 10 thì tốt quá. Bởi vì, lứa học sinh chuẩn bị tốt nghiệp THCS năm nay có 2 năm liền chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Thêm một môn thi nữa cũng chỉ là thêm một lần đánh giá, sẽ tạo áp lực nặng nề cho các em mà lại không cần thiết.
Bởi vì, nếu muốn đánh giá học sinh một cách toàn diện và mọi mặt qua kỳ thi thì học sinh học bao nhiêu môn sẽ phải thi bấy nhiêu, chứ không phải chỉ thi thêm một môn là xong.
Những năm trước, chúng ta thường bốc thăm và tổ chức thi thêm ngẫu nhiên một môn học nào đó, ví dụ, bốc thăm vào môn lịch sử thì học sinh phải thi thêm môn này, trong khi đó, vật lý, hóa học hay sinh học cũng rất hay đấy chứ.
Tôi nghĩ, các em thi vào lớp 10 bằng 3 môn bắt buộc là đủ, các môn học còn lại đã được nhà trường dạy, kiểm tra và đánh giá thường xuyên theo chỉ đạo và chương trình chuẩn của Bộ GD&ĐT", ông Sơn nói.
Bà Nguyễn Thị Vân Hồng - Hiệu trưởng Trường THCS Chương Dương (Hà Nội) cho biết, không khẳng định là nên bỏ hay giữ môn thi này mà tinh thần chung là dù học sinh thi thêm môn nào thì chúng tôi cũng sẵn sàng.
Theo bà Hồng, mong muốn của những nhà quản lý giáo dục là các con học đều tất cả các môn cho đến tận thời điểm thi, chứ không chỉ học ngữ văn, toán và tiếng Anh.
"Tuy nhiên, dưới góc độ của học sinh, phụ huynh và giáo viên thì tôi cũng muốn các em được giảm bớt gánh nặng học tập, thi cử. Để học sinh tránh được áp lực không cần thiết thì các em chỉ phải thi 3 môn là đủ, chúng ta đã có thể dựa vào đó để chọn lọc thí sinh. Các môn còn lại dù không được tổ chức thi, các em cũng phải học toàn diện, theo đúng chương trình thì mới tốt nghiệp được.
Việc bỏ môn thi thứ 4 lúc này là phù hợp với mong mỏi của phụ huynh, học sinh và cả giáo viên. Nếu phải thi thêm một môn, học sinh sẽ ôn tập trong một thời gian rất ngắn, dễ dẫn đến tình trạng học đối phó, học thuộc lòng chứ không nắm bắt được kiến thức. Nếu yêu thích môn học nào thì các em đã say mê tìm tòi, học hỏi chứ không nhất thiết phải thi thì các em mới học.
Ví dụ, có những học sinh ngay từ lớp 6 đã thích học lịch sử, kết thúc chương trình THCS, các em quyết tâm thi vào lớp chuyên sử thì sẽ tự giác học và ôn tập mà không cần biết đó có phải môn thi thứ 4 hay không", cô Hồng nói.
Theo cô Hồng, cách duy nhất để học sinh học toàn diện mà không cần phải thi môn thứ 4 là giáo viên phải có trách nhiệm với môn học mà mình dạy. Nếu các thầy cô dạy đến nơi đến chốn, sáng tạo các hoạt động dạy và học thu hút học sinh thì các em vẫn sẽ học đều tất cả các môn tới tận lúc thi.
Ngược lại, nếu giáo viên có tư tưởng dạy qua loa vì các em không thi môn của mình thì sẽ "giết chết" tình yêu của các em dành cho môn học.
Học sinh phải học nghiêm túc, tôn trọng môn học, giáo viên đánh giá chính xác cả về năng lực và thái độ học tập của các em. Khi đó, chính thầy cô quyết định các em có thể học toàn diện hay không, chứ không phải chính sách của ngành giáo dục.
"Đến thời điểm này, chúng tôi vẫn duy trì dạy và học theo chương trình, sẵn sàng kế hoạch ôn tập cho bất kỳ môn thi nào, không trông chờ việc bỏ môn thi thứ 4. Tôi chỉ có đề xuất nhỏ, là nếu năm nay Sở GD&ĐT Hà Nội vẫn quyết định tổ chức môn thi này thì nên công bố sớm để học sinh, phụ huynh và giáo viên chuẩn bị", cô Hồng cho biết.
Theo bà Hoàng Thị Yến - Hiệu trưởng Trường THCS Nam Từ Liêm (Hà Nội), cả phụ huynh, học sinh và nhà trường đều có chung nguyện vọng là các em được giảm tải môn thi thứ 4 vào lớp 10 để nhẹ gánh áp lực, ôn tập hiệu quả hơn.
Bà Yến cho rằng, nếu học sinh không phải thi môn thứ 4 thì các em sẽ có nhiều thời gian hơn cho các môn toán, ngữ văn và tiếng Anh, nhà trường cũng có thể giảm bớt thời lượng ôn tập cho môn thi này để tập trung nâng cao chất lượng dạy và học của 3 môn bắt buộc.
"Đến thời điểm này, Hà Nội chưa công bố quyết định về môn thi thêm khiến các giáo viên, học sinh và thậm chí là phụ huynh rất mông lung, nhà trường gặp khó khăn trong việc lên kế hoạch tổ chức thời gian ôn tập cho các em.
Nếu Hà Nội vẫn giữ môn thi thứ 4, tôi mong muốn các em được thi giáo dục công dân. Bởi vì, đây là môn học gần gũi, các em dễ tiếp cận, hơn nữa, nó có tác dụng giáo dục đạo đức và việc tuân thủ pháp luật của học sinh trong cuộc sống hằng ngày", bà Yến nói.
Nên cho học sinh tự chọn môn thi thứ 4
Bà Nguyễn Thị Minh Thúy - Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Nguyễn Siêu cho rằng, kỳ thi vào lớp 10 THPT ở Hà Nội không nên bỏ môn thi thứ 4, tuy nhiên, học sinh nên được chọn môn thi này phù hợp với năng lực và định hướng của các em.
Theo bà Thúy, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 cần phải thay đổi theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong đó, 3 môn thi bắt buộc của học sinh vẫn là toán, văn và tiếng Anh, bên cạnh đó, tùy vào các tổ hợp khoa học tự nhiên, khoa học xã hội hay khoa học kỹ thuật và nghệ thuật mà các em lựa chọn theo đuổi khi lên cấp THPT để quyết định môn thi thứ 4, quyết định này nên là của từng học sinh.
"Tôi không tán thành bỏ môn thi thứ 4. Bởi vì có thể học sinh theo xu hướng học để thi, lơ là các môn học còn lại. Tuy nhiên, tôi cũng không đồng ý với cách tổ chức môn thi này như cũ. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thay đổi theo hướng giáo dục tiếp cận phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh, nên đầu vào THPT cũng phải thay đổi theo.
Vì vậy, môn thi thứ 4 không nên là môn bắt buộc và quyết định bằng cách bốc thăm như hiện nay, thay vào đó, đây nên là môn thi mà các em được tự chọn theo năng lực và phù hợp với tổ hợp mà các em dự định học ở cấp 3. Đây cũng là căn cứ để các trường kiểm tra đầu vào của học sinh có đáp ứng được chương trình học THPT mà các em đăng ký hay không", bà Thúy chia sẻ.