Phụ huynh xếp hàng tranh suất cho con vào khóa luyện thi lớp 10

Quang Trường

(Dân trí) - Để được học với một số giáo viên luyện thi nổi tiếng, học sinh phải vượt qua bài kiểm tra đầu vào. Thậm chí, phụ huynh còn phải đăng ký trước hàng tháng trời để giành suất cho con vào lớp học thêm.

Học sinh lớp 9 chưa hoàn thành học kỳ một, nhiều bậc phụ huynh đã ráo riết tìm chỗ cho con ôn thi vào lớp 10. Một số cha mẹ không ngại đưa con đi học xa, "mạnh tay" chi tiền cho con học với giáo viên "hot". Những giáo viên nổi tiếng dạy giỏi thường kiểm tra đầu vào, nhận dạy rất ít học sinh.

Thi vào lớp học thêm khó hơn thi học kỳ

Tháng trước, anh Ngô Mạnh Hùng (Cầu Giấy, Hà Nội) đăng ký cho con vào lớp học thêm Toán của một thầy giáo luyện thi có tiếng ở Hà Nội. Thầy cam kết đầu ra của học sinh đạt từ 8 điểm trở lên. Để vào khóa luyện thi, học sinh phải làm bài kiểm tra đầu vào.

Kết quả, con trai anh Hùng trượt lớp luyện thi. Con chỉ đạt 5 điểm, thiếu một điểm so với điểm sàn. "Điểm Toán của con trên lớp lúc nào cũng trên 6 điểm nhưng lại không qua nổi bài kiểm tra này. Con kêu đề kiểm tra khó hơn cả đề thi học kỳ", anh Hùng nói.

Phụ huynh xếp hàng tranh suất cho con vào khóa luyện thi lớp 10 - 1
Một số thầy cô kiểm tra học sinh trước khi nhận vào lớp ôn thi (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

Anh Hùng cho biết, cùng trượt với con ở lần thi này còn có khoảng 40 học sinh khác. Thầy chỉ chọn chưa đến 15 em mỗi khóa. Đầu tháng sau, khóa học này mới diễn ra nhưng các em đã phải tranh suất từ tháng trước. Học phí là 400 nghìn đồng/buổi.

"Gia đình tôi sẵn sàng chi tiền cho con được học với giáo viên uy tín nhưng không được. Thầy giáo cho biết lý do là để đảm bảo đầu ra và chất lượng giảng dạy, thầy chỉ nhận một số ít học sinh có năng lực. Thầy dạy nhanh và nâng cao nên những em học lực trung bình - yếu sẽ khó theo", anh Hùng nói.

Ngoài ra, anh Hùng cũng vất vả mới tìm được cho con một lớp học Ngữ văn ưng ý. Con trai anh chưa từng đi học thêm Ngữ văn, con sợ học thuộc, ngại viết dài. Để chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10, anh đã thuyết phục bằng được con học thêm Ngữ văn.

Anh phải nhờ hết bạn bè, người quen giới thiệu mới tìm được lớp cho con, do giảng viên khoa Ngữ văn của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội trực tiếp giảng dạy.

"Ban đầu, do khóa luyện thi của cô đã đủ học sinh, con tôi không được nhận. Sau đó, tôi phải nhờ một người bạn, cũng là người quen của cô giáo "nói khó" cho con vào lớp", anh Hùng cho biết.

Chị Phạm Ngọc Huyền (Tây Hồ, Hà Nội) cũng đang loay hoay tìm chỗ cho con học thêm tiếng Anh. Năm tới, con gái chị dự định thi vào Trường THPT Chu Văn An.

Mấy ngày trước, chị Huyền mừng hụt, tưởng rằng đã đăng ký thành công cho con vào khóa học thêm tiếng Anh với một giáo viên luyện thi nổi tiếng, đang giảng dạy tại Trường THPT Khoa học Tự nhiên (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội). Nhưng sau đó, chị Huyền bất ngờ nhận được tiền học phí do giáo viên này gửi lại. Cô giáo thông báo rằng lớp đã đủ số học sinh.

Phụ huynh xếp hàng tranh suất cho con vào khóa luyện thi lớp 10 - 2
Cha mẹ, học sinh "xếp hàng" để giành suất học thêm (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

"Tôi đã phải đặt lịch cho con vào khóa học này trước cả tháng trời, tiền học cũng đã chuyển đầy đủ. Do tôi chủ quan là mình đặt lịch sớm, không để ý thông tin cập nhật là lớp đã đủ học sinh nên cứ yên tâm đăng ký, chuyển khoản. Nhận lại tiền học, tôi còn bị cô mắng vì làm mất thời gian của cô", chị Huyền nói.

Chị Huyền cho biết thêm, con gái chị học Toán, Ngữ văn và môn chuyên Vật lý ở mức tốt, nhưng môn Tiếng Anh vẫn chưa đạt ngưỡng trung bình. Ở nhà, con luyện đề thường xuyên, học với gia sư riêng và đi học ở nhiều trung tâm nhưng kết quả chưa được cải thiện.

"Tôi được đồng nghiệp có con từng học giáo viên này giới thiệu nên biết đến cô. Cô đã có tuổi, luyện thi nhiều năm nay. Nhiều học sinh của cô đi thi đạt điểm 10, đỗ trường chuyên, lớp chọn. Tôi đành đợi cô mở khóa học mới rồi đăng ký cho con sau", chị Huyền nói.

Đưa con từ ngoại thành vào nội thành học thêm

Mỗi tuần 2 buổi, anh Nguyễn Anh Quân (tên nhân vật đã được thay đổi) chở con từ huyện Đông Anh (Hà Nội) vào quận Cầu Giấy để học thêm môn Tiếng Anh. Quãng đường hơn 20km, di chuyển vào giờ tan tầm, anh đi nhanh cũng mất khoảng 40 phút để đưa con đến lớp học thêm.

Anh Quân sẽ mua xôi hoặc bánh mì cho con ăn lót dạ trước khi vào lớp. Bản thân anh ngồi ở quán trà đá để đợi đón con đi học về. Ngày nào đi học về, trời cũng đã tối muộn. Ăn uống xong, con còn phải làm bài trên lớp.

Phụ huynh xếp hàng tranh suất cho con vào khóa luyện thi lớp 10 - 3
Học sinh khó tránh khỏi áp lực học hành trước những kỳ thi (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

Con trai anh Quân đang học lớp 9, con dự định sẽ thi vào một trường chuyên ở Hà Nội. Từ đầu năm học, con đã học thêm các môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh. Tiếng Anh là môn con học yếu nhất nên anh Quân chấp nhận vất vả đưa đón để con được học với giáo viên giỏi. Vợ chồng anh làm việc tự do, mỗi tháng phải bỏ ra vài triệu đồng cho con đi học thêm.

Anh Quân cho biết, không phải cứ muốn đăng ký là con được học. Giáo viên của con anh dạy giỏi nhưng kén chọn học sinh, con lại học yếu nên khó đăng ký. Buổi đầu tiên, trợ giảng của cô kiểm tra kiến thức cho con và lắc đầu, không nhận vào lớp.

Anh Quân về nhà gọi điện xin nhưng cô nhất định từ chối. Anh phải đến gặp trực tiếp cô giáo để xin lần thứ 3, cô mới đồng ý nhận con vào lớp. Tuy nhiên, cô lưu ý là sẽ không cam kết đầu ra cho con như những bạn khác.

"Con càng học lên cao thì càng tốn kém. Cháu là con một nên tôi nhất định phải cho ăn học đàng hoàng. Trước đó, con học thêm với cô giáo ở gần nhà nhưng không hiệu quả. Tôi đành phải đăng ký cho con học với giáo viên trường chuyên trong nội thành", anh Quân nói.

Trao đổi với PV Dân trí, thầy Lại Trường Giang - Giáo viên môn Toán tại một trung tâm giáo dục ở Hà Nội cho biết, có một số ít giáo viên dạy giỏi, rất đông học sinh đăng ký học nhưng chọn lọc học sinh rất kỹ, tiêu chí chọn khắt khe. Đặc biệt, những học sinh đăng ký lớp luyện thi chuyển cấp thường phải làm bài kiểm tra đầu vào.

Theo thầy Giang, điều này là dễ hiểu vì nếu thầy cô nhận học sinh quá yếu thì sẽ không đảm bảo được đầu ra. Điều đó ảnh hưởng đến uy tín của họ. Họ phải chọn những em phù hợp với phương pháp, chương trình dạy của mình. Em nào yếu quá sẽ không theo được, sớm bỏ cuộc. Như vậy, cha mẹ tốn tiền mà con học lại không hiệu quả. Mức học phí của các lớp này có thể lên đến một triệu đồng/buổi.

"Quan điểm của tôi là dạy những em học kém tiến bộ lên chứ không nhất thiết phải đào tạo những em giỏi sẵn. Cha mẹ nên lưu ý rằng, không phải con cứ theo thầy cô nổi tiếng, dạy học sinh đỗ trường chuyên, lớp chọn thì mới tiến bộ. Quan trọng là con được dạy theo phương pháp phù hợp với năng lực và mục tiêu học tập của con", thầy Giang nói.