Ngày Kỹ năng Lao động Việt Nam 4/10:
Nâng cao sức mạnh nội sinh cho đất nước bằng nhân lực có kỹ năng nghề
(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng nhấn mạnh, nội lực và sức mạnh nội sinh của đất nước có thể được nâng cao chính bằng sức mạnh của kỹ năng và năng lực hành nghề ở nguồn nhân lực.
Phóng viên Dân trí có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng về vấn đề phát triển kỹ năng lao động nhằm nâng cao nội lực, sức mạnh nội sinh cho phát triển đất nước nhân ngày Kỹ năng lao động Việt Nam 4/10.
Kỹ năng lao động thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh toàn cầu hóa
Xin Thứ trưởng cho biết sự cần thiết của kỹ năng lao động trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt là trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19?
- Kỹ năng lao động luôn có vai trò rất quan trọng, góp phần tăng năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhất là trong bối cảnh phát triển nhanh chóng của công nghệ, số hóa, tự động hóa, toàn cầu hóa đã tác động sâu sắc đến mô hình phát triển của các quốc gia, thúc đẩy nhu cầu nâng cao kỹ năng lao động trên toàn thế giới.
Ngay trong bối cảnh dịch bệnh Covid -19 diễn biến phức tạp, tác động nặng nề lên nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với các Bộ, ngành tham mưu Quốc hội và Chính phủ có nhiều chính sách và ưu tiên nguồn lực để hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động.
Trong đó có chính sách hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại nhằm nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phục hồi sản xuất, tạo việc làm cho người lao động, chống đứt gãy chuỗi cung ứng lao động và thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư như: Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 (gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng) và Nghị quyết 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 (gói hỗ trợ 38.000 tỷ đồng) về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; Quyết định số 1446/QĐ-TTg ngày 30/8/2021 Phê duyệt Chương trình "Đào tạo, đào tạo lại nâng cao kỹ năng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư". Trước đó ngày 28/5/2020 Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 24/CT-TTg về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới...
Nhân dịp ngày Kỹ năng lao động Việt Nam 04/10 năm nay, Chủ tịch nước có thư gửi tới toàn thể người lao động và các cơ quan, tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp trong cả nước để biểu dương và tri ân những đóng góp lớn lao cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời gian qua. Đồng thời, Chủ tịch nước kêu gọi chúng ta còn cần nỗ lực hơn nữa để cùng chung tay vượt qua đại dịch Covid-19 và đồng hành nâng tầm kỹ năng lao động, để đất nước ta chiến thắng dịch bệnh và phát triển thịnh vượng trong thời gian tới.
Xin Thứ trưởng cho biết tình hình nhân lực có kỹ năng nghề của Việt Nam hiện nay và quan điểm, định hướng về phát triển nhân lực có kỹ năng trong thời gian tới?
- Trong những năm qua, việc đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn bị nhân lực có kỹ năng nghề được Đảng, Nhà nước rất quan tâm và đã có nhiều chuyển biến tích cực về nhận thức, quy mô tuyển sinh, chất lượng và hiệu quả đào tạo.
Hệ thống các quy định pháp luật về giáo dục nghề nghiệp (GDNN) từng bước được hoàn thiện; mạng lưới cơ sở GDNN phát triển rộng khắp, đa dạng về loại hình và trình độ đào tạo; chất lượng được tăng cường. Xuất hiện ngày càng nhiều mô hình đào tạo chất lượng cao, đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đánh giá về tình hình phát triển GDNN giai đoạn vừa qua, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhận định GDNN có nhiều chuyển biến, qua đó đóng góp tích cực vào xây dựng con người, phát triển nguồn nhân lực… Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể thì quy mô, cơ cấu và chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu nhân lực trực tiếp cho phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia gần 100 triệu dân, 55 triệu lao động đang trong giai đoạn dân số vàng, nhất là trong bối cảnh do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, xu hướng tự động hóa, điện tử hóa, số hóa, tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.
Mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn sẽ quyết định tới nhu cầu về số lượng, cơ cấu, chất lượng nhân lực cho thị trường lao động. Đảng ta xác định một trong những nội dung đột phá chiến lược là tiếp tục phát triển toàn diện nguồn nhân lực; chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao; đẩy nhanh thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, trọng tâm là hiện đại hóa và thay đổi phương thức giáo dục, đào tạo, nhất là giáo dục đại học và GDNN.
Chuyển từ đào tạo một lần sang học tập thường xuyên, học tập suốt đời
Hiện nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang thực hiện chỉ đạo của Chính phủ xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp và Đề án "Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam", xin Thứ trưởng cho biết thêm về những quan điểm, định hướng phát triển lực lượng lao động có kỹ năng trong đó?
- Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp và Đề án "Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam có một số quan điểm, định hướng phát triển lực lượng lao động có kỹ năng là:
Lực lượng lao động có chất lượng, kỹ năng và hiệu quả cao là nguồn tài nguyên vô giá, là nhân tố quyết định sự phát triển của mỗi quốc gia. Trong bối cảnh hiện nay, khi đại dịch Covid-19 đang diễn biến và thế giới cũng đã xác định sống chung với covid-19 thì vai trò Nâng tầm kỹ năng lao động là một chiến lược cần ưu tiên để nhanh chóng khôi phục lại thị trường lao động, đảm bảo chuỗi cung ứng lao động không bị đứt gãy và chuẩn bị cho công cuộc phục hồi nền kinh tế sau Covid-19.
Các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, tổ chức có liên quan ưu tiên nguồn lực, cơ chế chính sách và hành động quyết liệt để đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng, tay nghề cao, phổ cập nghề cho thanh niên.
Phát triển kỹ năng lao động là quá trình được hình thành trong học tập, lao động và cuộc sống. Do vậy, thay vì tư duy đào tạo một lần để làm việc suốt đời, chúng ta cần thay đổi chuyển từ đào tạo một lần sang học tập thường xuyên, học tập suốt đời để không ngừng nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp. Đào tạo, đào tạo lại để thích ứng với thế giới việc làm đang đổi thay là hết sức quan trọng. Mọi người lao động phải không ngừng học tập, rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp, liên tục sáng tạo để cải thiện năng suất và nâng cao hiệu quả lao động trong công việc.
Một vấn đề hết sức quan trọng, đó là nâng tầm kỹ năng lao động, không phải là nhiệm vụ riêng của một ai, mà là của toàn Đảng, toàn dân, toàn xã hội. Cộng đồng doanh nghiệp và người sử dụng lao động cũng cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để triển khai kịp thời, hiệu quả các chính sách hỗ trợ đào tạo nâng cao kỹ năng nghề cho người lao động, đặc biệt là chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Với sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự đồng hành của các cơ quan, tổ chức, người sử dụng lao động và nhất là phát huy phẩm chất quý báu của người Việt Nam luôn có ý chí khắc phục khó khăn để vươn lên trong học tập, lao động và sản xuất sẽ nâng tầm kỹ năng lao động, đóng góp thiết thực, hiệu quả để đất nước ta chiến thắng dịch bệnh và phát triển thịnh vượng trong thời gian tới.
Xin trân trọng cám ơn Thứ trưởng!