Hà Nam:

Nâng cao chất lượng đào tạo nghề, giải pháp để nâng cao nguồn nhân lực

Đức Văn

(Dân trí) - Nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng dạy nghề đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động, các trường đào tạo nghề đã đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo để bắt kịp xu thế của thời đại.

Theo báo cáo Sở LĐ-TB & XH Hà Nam, trong giai đoạn 2015 - 2020 các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã đào tạo nghề cho hơn 100.000 người. Hà Nam hiện có 23 cơ sở đào tạo nghề, mỗi năm đào tạo hàng nghìn lao động có trình độ, tay nghề đáp ứng cho thị trường lao động trong tỉnh và khu vực.

Nâng cao chất lượng đào tạo nghề, giải pháp để nâng cao nguồn nhân lực - 1

Trong giai đoạn 2015 - 2020, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã đào tạo nghề cho hơn 100.000 người.

Tuy nhiên, chất lượng đào tạo nghề của các cơ sở đào tạo nghề ở Hà Nam đào tạo người lao động chưa sát với thực tế, chưa bám sát nhu cầu của thị trường lao động, chỉ tập trung đào tạo những gì có mà chưa đào tạo những gì thị trường lao động cần... Nhận thức được điều đó, các cơ sở đào tạo nghề ở Hà Nam đã chủ động nâng cao chất lượng đào tạo để bắt kịp xu thế của thời đại.

Tại Trường Cao đẳng Nghề Hà Nam, bước vào năm học 2020-2021 ngoài việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, Ban giám hiệu nhà trường đã chú trọng đổi mới phương pháp đào tạo, như xây dựng chương trình giáo án tại giảng đường phù hợp với thực tiễn.

Hơn 70 giảng viên của trường đã tham gia các chương trình đào tạo nghề chất lượng cao ở các nước Pháp, Đức, Nhật Bản, Canada, Hàn Quốc… Đặc biệt, khi được UBND tỉnh Hà Nam và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) ủy thác thực hiện Dự án "Phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực sản xuất tại tỉnh Hà Nam", Trường CĐ Nghề Hà Nam đã đẩy mạnh phương pháp dạy học theo quy trình Monozukuri - lấy người học làm trung tâm.

Nâng cao chất lượng đào tạo nghề, giải pháp để nâng cao nguồn nhân lực - 2

Trung tâm hợp tác và truyền thông quốc tế Kobe phối hợp tổ chức giờ giảng mẫu (bài giảng 5S, an toàn và Monozukuri cơ bản) tại Trường Cao đẳng Nghề Hà Nam.

Theo đó, Trường CĐ Nghề Kober Kose của Nhật Bản tiếp nhận từ 8 - 10 giảng viên của Trường CĐ Nghề Hà Nam sang tập huấn phương pháp dạy học theo quy trình Monozukuri.

Sau đó, Trung tâm hợp tác truyền thông quốc tế Kobe và lãnh đạo Trường CĐ Kỹ thuật Kobe Kosen sẽ sang kiểm tra, đánh giá chất lượng giảng dạy của giảng viên và kết quả học tập học sinh, sinh viên Trường CĐ Nghề Hà Nam.

Đặc biệt, nhà trường liên kết với doanh nghiệp đóng trên địa bàn để đào tạo cho sinh viên những nghề mà doanh nghiệp có nhu cầu. Với hình thức này, người học được thực tập, cọ sát môi trường làm việc tại doanh nghiệp, khi ra trường được doanh nghiệp nhận vào làm việc và không phải qua thời gian thử việc.

Thầy Vũ Hiệu Ý, Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Hà Nam cho biết, trong hai năm vừa qua, thực hiện việc đổi mới phương pháp đào tạo theo yêu cầu xu thế của thời đại, trường đã, đang triển khai nhiều chương trình trao đổi giáo viên, sinh viên với Nhật, Canada… để nâng nền đào tạo đạt chuẩn quốc tế nhằm khẳng định thương hiệu, chất lượng đào tạo thật sự cho sinh viên nghề.

Nâng cao chất lượng đào tạo nghề, giải pháp để nâng cao nguồn nhân lực - 3

Giai đoạn 2021-2025, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Nam có nhu cầu tuyển sinh và đào tạo nghề cho khoảng 112.500 người.

Ngoài ra, Ban giám hiệu chủ trương  xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp trên địa bàn để cộng tác chặt chẽ trong các lĩnh vực: tham gia xây dựng, điều chỉnh chương trình; tham gia giảng dạy và phản biện góp ý cho đề thi, kỹ năng đào tạo, tiêu chuẩn kỹ năng nghề nghiệp cho từng mô đun, môn học…

Giai đoạn 2021-2025, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Nam có nhu cầu tuyển sinh và đào tạo nghề cho khoảng 112.500 người, với các ngành: điện, điện tử, điện dân dụng, cơ khí, chế tạo máy, lắp ráp, sửa chữa, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao…

Vì thế, nâng cao chất lượng đào tạo nghề là yêu cầu tất yếu. Các cơ sở đào tạo nghề cần tiếp tục đổi mới phương pháp dạy nghề, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tăng quy mô tuyển sinh, nâng cao chất lượng và cơ cấu ngành nghề đào tạo bám sát yêu cầu của thị trường lao động và nhu cầu của doanh nghiệp…

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Nam lần thứ XIX đặt ra chỉ tiêu trong giai đoạn 2020 - 2025, mỗi năm tỉnh Hà Nam sẽ giải quyết việc làm mới cho 16 nghìn lao động, đến năm 2021 tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn tỉnh đạt 70%.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm