Nạn in lậu: Nhà xuất bản Giáo dục vẫn kêu cứu!

(Dân trí) - Hàng năm, Nhà xuất bản Giáo dục đều phải bỏ ra hàng chục tỷ đồng dành cho việc chống in lậu, sách lậu. Nhưng, đáng tiếc hiện tượng in lậu, “nhái” hàng đặc chủng của ngành giáo dục vẫn tràn ngập.

Theo ông Nguyễn Đăng Quang, Phó tổng giám đốc Nhà xuất bản giáo dục (NXB GD), để đối phó với tình trạng này, NXB GD đã phải thiết kế ra một loại tem chống giả. Tem chống giả có hình tròn, đường kính 1,5 - 1,6 cm, màu trắng bạc phản quang. Giữa tem là logo NXB GD, bao quanh là một hoặc nhiều dòng chữ "Bộ giáo dục và đào tạo - Nhà xuất bản giáo dục" theo vòng tròn đồng tâm, với các hình chữ nhật, hình vuông hoặc hình tia chuyển động hướng tâm khi nhìn dưới ánh sáng xiên. Trong khi đó, tem làm giả không có đặc tính này.

 

NXB GD còn in ký hiệu chống giả cho toàn bộ sách giáo khoa (SGK) và sách tham khảo. Ký hiệu này có hình tròn, đường kính 2 cm, chính giữa là dấu (+) được bao quanh bởi 5 vòng tròn đồng tâm gồm 2 vòng chữ NXB GD xen kẽ với 3 vòng mã của nhà in. Mỗi nhà in in sách của NXB GD được cấp một mã riêng, gồm 1 chữ cái chỉ khu vực (B-miền Bắc, T- miền Trung, N-miền Nam) và 2 chữ số chỉ số thứ tự của nhà in (NXB GD đã đưa danh mục và quy định mã số nhà in).

 

Ký hiệu chống giả được in thống nhất màu đen vào tất cả các trang ruột, ở góc trên phía gáy sách. Trên tờ in cứ 4 trang có 1 ký hiệu chống giả hình tròn, sau khi sách được đóng xén chỉ thấy 1/4 hình tròn.

 

Đây là ký hiệu đặc biệt, chỉ có trong các chế bản, tờ in và sách của NXB GD. Mỗi nhà in sách NXB GD chỉ sử dụng một ký hiệu mã số duy nhất cho toàn bộ các sách NXBGD giao in.

Ông Quang cho biết thêm, mỗi con tem nhỏ xíu chống giả có giá thành là 40 đồng. Như vậy, mỗi năm NXB GD phải chi tới gần 10 tỷ đồng cho việc chống sách in lậu. Đó là còn chưa kể tới các chi phí thêm vào trong các biện pháp chống giả khác.

 

Từ bốn năm nay, NXB GD đã áp dụng phòng chống tình trạng in lậu SGK và các ấn phẩm của mình bằng cách: trên mỗi cuốn sách đều dán một con tem chống giả do Viện khoa học hình sự thiết kế đặc biệt chỉ dùng 1 lần. NXB GD quản lý và cấp tem cho nhà in theo số lượng sách đặt in.

 

Được trang bị đến “tận răng” như vậy, nhưng NXB GD cũng mới chỉ cản được phần nào cơn bão in lậu. Thậm chí, có lần, NXB đã suýt phải chào thua khi phát hiện ra chiếc tem luôn được coi là không thể làm giả này lại vẫn giả và giả đến mức quá tinh vi, nếu không vì những lỗi cơ bản nhiều đến mức không thể chấp nhận được ở cuốn sách này, thì ngay cả người trong ngành cũng khó phân iệt được đâu là tem thật, đâu là tem giả! Đó là hiện tượng cuốn Atlas địa lý Việt Nam.

 

Về việc này, ông Nguyễn Việt Hưng, cán bộ NXB GD khẳng định: “ Kể từ khi có dán tem chống giả, NXB GD chưa phát hiện được vụ SGK in lậu nào. Sách lậu chỉ còn tập trung vào sách tham khảo với nhiều cách làm lậu khác nhau như in không giấy phép hoặc giấy phép đã hết hạn, in không đúng nội dung ghi trong giấy phép... Nhưng với cuốn Atlas địa lý Việt Nam in lậu cho thấy tem chống giả của NXB GD phải "chào thua" vì bị làm giả một cách khá tinh vi, nếu chỉ nhìn lướt bằng mắt thường khó có thể nhận biết được. Bọn đầu nậu đã dùng máy quét lại từ cuốn Atlas địa lý do NXB GD ấn hành từ lâu”.

 

Với nạn sách lậu,  bên cạnh những thiệt thòi về mặt kinh tế, còn là những thiệt thòi khác lớn hơn gấp bội lần khi học sinh phải học từ những cuốn sách giả - như trường hợp của cuốn Atlas địa lý Việt Nam. Trong khi cuốn sách thật phải mất đến 3 năm với sự góp sức của rất nhiều giáo sư, phó giáo sư và tiến sĩ để quy hoạch, tính toán, chính xác đến từng chi tiết một và hàng năm đều có sự chỉnh lý trong quá trình tái bản, thì cuốn sách giả, do không có sự hiểu biết nên những con số và màu sắc trong biểu đồ hoàn toàn sai cơ bản.

 

Điều này rất nguy hại cho các em học sinh, đặc biệt là học sinh THPT vì cuốn sách này được phép mang vào phòng thi để tra cứu. Đơn cử như, tại trang 2 (Bản đồ hành chính, hình thể nước Việt Nam) thì Đảo Bạch Long Vĩ in thành Đảo Bạch Long; tại trang 8 (Các miền tự nhiên miền Nam Trung bộ và Nam bộ) độ cao của núi là 1744m nhưng sách lậu đã in sai thành 1244m. Cao nguyên Kontum in thành 780m thực ra 1.780m. Cũng tại trang này các miền tự nhiên lại có những dòng chữ rất vô nghĩa CCCC?. Trang 18 thiếu đảo Cồn Cỏ và Biểu đồ biểu hiện số lượng đàn gia súc 19980,0 (nghìn con) thì bản in giả chỉ có 1998,0 (nghìn con)....

 

Cuốn Atlas địa lý Việt Nam chỉ là một trong những cuốn in lậu bị phát hiện vì quá điển hình, còn biết bao nhiêu cuốn SGK in lậu chìm nổi trên thị trường mà NXB GD không thể kiểm soát nổi. Vì thế, cũng theo ông Quang, Nhà nước cần phải có các chế tài xử phạt nghiêm khắc hơn chứ không thể chỉ xử lý hành chính hay phạt tiền ở mức không đáng kể như hiện nay.

 

 

 

Mai Minh- Hồng Hạnh