Nan giải nạn bạo lực học đường
Giữa tháng 9/2007, học sinh Trường THPT Q.T đã được chứng kiến một màn hỗn chiến giữa một bên là 3 nữ sinh với gạch, đá, ống nước, một bên là “đại ca” của trường ngay sau giờ tan học.
Từ lâu nay, bạo lực học đường luôn là một vấn đề nan giải. Dù bị răn đe đuổi học, ghi học bạ nếu đánh nhau, nhưng dường như nạn hành hung trong học đường vẫn không hề thuyên giảm mà còn có chiều hướng gia tăng.
Không có lý do cũng... đánh
Mặc dù hầu hết các trường đều đưa ra các mức kỷ luật rất nặng như đuổi học, ghi học bạ... nếu phát hiện đánh nhau trong trường, nhưng không vì thế mà bạo lực học đường thuyên giảm. Trong cặp sách của nhiều HS có cả dao, côn, ống nước, gươm, kiếm. Để tránh sự kỷ luật của nhà trường, nhiều HS đã đợi đến lúc tan học, ra ngoài cổng trường rồi mới lao vào ẩu đả.
Thường những vụ xô xát, ẩu đả này không dừng lại ở hai "diễn viên" chính mà kéo theo đó là những hội, những bang, những "đệ" với đầy đủ hung khí trong tay. Lý do dẫn đến những vụ ẩu đả thường rất nhỏ, nhỏ đến mức không thể gọi đó là nguyên nhân dẫn đến đánh nhau. Chỉ là nghe phong thanh mình bị nói xấu, va chạm nhỏ trong lớp, hay chỉ đơn thuần là "nhìn đểu"... cũng có thể dẫn đến đánh nhau.
Mới đây, toà án nhân dân TPHCM đã xử lý một vụ án hai HS đâm nhau mà cả hai đều học cùng lớp, một người thường xuyên bị người kia đánh, đấm, bắt nạt mà không hề vì một lý do nào cả. "Tức nước vỡ bờ", một ngày không chịu được, cậu bạn hay bị bắt nạt thủ sẵn con dao găm trong cặp, thẳng tay đâm vào bụng bạn. Khi ra toà, được hỏi lý do vì sao liên tục đánh, bắt nạt bạn, "nạn nhân" nói khẽ: "Chỉ vì nhìn mặt thấy... ghét nên đánh".
Bạo lực không chỉ xuất hiện trong nam sinh mà hiện nay đã lan đến các HS nữ. Dư luận gần đây xôn xao với một video clip quay cảnh đánh nhau giữa hai nhóm khoảng 5-6 nữ sinh với những màn đánh vào đầu, vào gáy, túm tóc, đá vào mặt, xé quần áo... ngay trên hè đường vào giờ tan học.
Giữa tháng 9/2007, HS Trường THPT Q.T đã được chứng kiến một màn hỗn chiến giữa một bên là 3 nữ sinh với gạch, đá, ống nước, một bên là "đại ca" của trường ngay sau giờ tan học.
Quá dễ để sắm “đồ”
"Chỉ cần đưa em 40.000 - 50.000đ, sau 30 phút là em sẽ kiếm được "đồ" - một HS nam tại một trường THPT ở quận Đống Đa, Hà Nội cho biết. "Đồ" là từ lóng để chỉ các loại hung khí như dao, kiếm, ống nước vạt nhọn... Thứ "đồ" được giới HS cá biệt sử dụng để tham gia các vụ đánh lộn nhiều nhất là dao tông, một loại dao dài khoảng 40 - 50cm, chuyên dùng để xén giấy bản.
Loại dao này được bày bán tràn lan và mua rất dễ dàng trên nhiều phố của Hà Nội. Đây là loại dao được sản xuất tại các cơ sở thủ công của một số làng nghề cơ khí quanh địa bàn Hà Nội hoặc được nhập về từ Trung Quốc. Gần đây, dòng hung khí "chảy" về từ biên giới khá nhiều và đa dạng như kiếm Tàu, kiếm Nhật, búa, rìu, chùy gai... tuy nhiên, do giá cao và khó mua nên HS vẫn chủ yếu dùng các vũ khí thô sơ như kiếm tự chế, dao tông, ống tuýp nước...
Những HS đã từng tham gia, hoặc là nạn nhân của các vụ ẩu đả cho biết, chỉ cần xích mích nhỏ cũng có thể dẫn đến những vụ thanh toán nhau. Đến lúc ẩu đả, nếu không chuẩn bị từ trước thì bất cứ vật gì có được trong tay cũng trở thành "vũ khí", từ gạch, đá, mũ cối, ly, cốc, chai nước ngọt... Hầu hết các vụ ẩu đả chỉ dừng lại khi có đổ máu hoặc sự can thiệp của công an.
Trách nhiệm thuộc về ai?
Những vụ ẩu đả diễn ra bên ngoài cổng trường thường ít được báo cáo với hiệu trưởng, mà chỉ lan truyền trong giới HS với nhau. Bản thân các nạn nhân, những người bị bắt nạt, bị hành hung, cũng thường giấu kín vụ việc ngay cả với cha mẹ, thầy cô mình. Sở dĩ nạn bạo lực học đường đang có chiều hướng gia tăng cả về số lượng và mức độ nghiêm trọng, một phần cũng từ sự vô tâm của những người xung quanh.
Vụ nữ sinh ẩu đả được đăng tải trên mạng Internet đã cho thấy rất rõ sự bàng quan thờ ơ, lạnh lùng của những người đứng xem. Không hề ai có dấu hiệu định can thiệp hay báo cho các cơ quan chức năng, mà chỉ đơn thuần "đứng xem cho vui".
Đã đến lúc chúng ta cần một hồi chuông mạnh mẽ cảnh báo nạn bạo lực học đường. Rất cần những hộp thư thoại, đường dây nóng kết nối nhà trường và HS, của lực lượng công an thành phố để làm dịu đi sự căng thẳng bồng bột của tuổi trẻ. Để những cuộc chiến học đường không còn xảy ra dằng dai kéo theo hậu quả nghiêm trọng về thể xác lẫn tinh thần của HS.
Sự bốc đồng không có định hướng sẽ dẫn đến phạm tội - Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Thanh
Phải khẳng định rằng, lứa tuổi 15 - 16 là tuổi dễ bốc đồng và khó tự chủ. Các em bị ảnh hưởng rất nhiều từ bên ngoài như phim ảnh, thông tin bạo lực trên Internet, game... nên dần dần bị nhiễm các tư tưởng bạo lực, thích thể hiện mình qua việc đánh đấm, cho rằng như vậy mới là "anh hùng".
Đáng lo ngại hơn, ở lứa tuổi này, các em thường bị bạn bè kích động, thường nghe bạn hơn nghe lời cha mẹ, thầy cô nên rất khó quản lý. Chúng tôi đã tiếp nhận khá nhiều cuộc điện thoại kêu cứu của các em học sinh là nạn nhân của những vụ bạo lực học đường. Có những vụ xâm phạm đến thể xác, nhưng cũng có nhiều vụ bạo lực về tâm lý như tẩy chay, nói xấu hội đồng... khiến các em hoảng hốt, không còn tâm trạng học tập, thậm chí bị hoảng loạn.
Theo tôi, để khắc phục được tình trạng này, bên cạnh việc nâng cao trách nhiệm của gia đình, nhà trường, tăng cường sự gắn kết giữa thầy cô, cha mẹ với học sinh, các đoàn thể, đặc biệt là Đoàn thanh niên của từng lớp phải phát huy vai trò của mình, phải gần gũi và gắn bó với các em hơn nữa, bởi không có ai nói được các em dễ bằng chính các em nói với nhau. Sự bốc đồng không có định hướng sẽ rất dễ khiến các em phạm tội ở lứa tuổi chưa đủ nhận thức. |
Theo Đức Hạnh - Việt Lâm
Lao Động