Năm học 2014 -2015: Kiên Giang thiếu khoảng 1.000 giáo viên

(Dân trí) - Tính đến nay, ở Kiên Giang còn 23 xã chưa có trường mầm non và đang thiếu khoảng 1.000 giáo viên.

Năm học 2013 - 2014 Sở GD-ĐT Kiên Giang đã hoàn thành nhiều nhiệm vụ trong tâm của ngành. Tuy nhiên công tác xây dựng trường lớp, phát triển nhân lực… còn nhiều khó khăn.
 
Số lượng học sinh “bỗng” tăng lên

Trong năm học qua, Sở GD-ĐT Kiên Giang đã chỉ đạo toàn ngành hoàn thành tốt các nhiệm vụ, chỉ tiêu của năm học 2013-2014. Hệ thống trường, lớp học tiếp tục được đầu tư nâng cấp, thiết bị giáo dục được tăng cường; triển khai thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động, phong trào trong nhà trường; tích cực đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục có sự phát triển khá ổn định, tỷ lệ học sinh lưu ban, bỏ học giảm, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT được giữ vững, học sinh vào các trường đại học, cao đẳng ngày càng nhiều; trường đạt chuẩn quốc gia ngày càng tăng và có chất lượng…

Toàn tỉnh có 651 trường (mầm non 121, tiểu học 298, THCS 121, PTCS 44, THPT 52, GDTX 15), huy động 11.814 lớp với 323.008 học sinh; trong đó có 38.418 học sinh dân tộc, chiếm 11,88% tổng số học sinh toàn tỉnh. So với năm học 2012-2013, tăng: 16 trường, 203 lớp và tăng 5.842 học sinh. Quy mô, mạng lưới trường lớp cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của người học; tuy nhiên, vẫn còn phân tán và chưa đồng bộ. Số trường đạt chuẩn quốc gia còn ít (146 trường, đạt 23%; trong đó: mầm non 19, tiểu học 83, THCS 41, THPT 3).

Về công tác giáo dục Mầm non tỉnh Kiên Giang tiếp tục phát triển, số trẻ đến lớp tăng nhanh. Năm 2013, đã đầu tư xây dựng 40 trường, bố trí tăng cường trang thiết bị dạy học mầm non qua nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia 16 tỷ đồng, chiếm 48,7% tổng nguồn. Huy động mọi nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục mầm non, năm 2013 đã vận động các tổ chức, cá nhân xây dựng 36 phòng học mầm non, từng bước nâng tỷ lệ trẻ 5 tuổi ra lớp và được học 2 buổi/ngày. Tỉnh Kiên Giang hiện có 41/145 xã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi, đạt tỷ lệ 28,27%. Tuy nhiên hiện nay trường mầm non chưa phủ kín các xã, phường, thị trấn trong tỉnh, hiện còn 23 xã chưa có trường mầm non (có một phường), hiện đang bố trí hơn 300 lớp trẻ mầm non học tạm trong trường tiểu học.

Năm học 2014 -2015: Kiên Giang thiếu khoảng 1.000 giáo viên
Ngành GD-ĐT Kiên Giang kêu gọi nhiều cá nhân, đơn vị tham gia cấp phát hàng ngàn suất học bổng cho các học sinh nghèo trên địa bàn tỉnh.

Đối với giáo dục phổ thông, ở bậc tiểu học năm học 2013 - 2014, trẻ 6-14 tuổi đi học đạt 96,02% so với dân số độ tuổi. Số trẻ 6 tuổi (sinh năm 2007) là 24.811 em; trong đó, vào lớp 1 là 24.763 em, đạt tỷ lệ là 99,8%, tăng 0,1% so với năm học trước. Số trẻ 11 tuổi (sinh năm 2002) do địa phương quản lý là 22.147 em; trong đó, đã hoàn thành chương trình tiểu học là 19.891 em, đạt tỷ lệ 89,8%, tăng 1,2% so với năm học trước.

Ngoài ra, Kiên Giang thực hiện khá thành công mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN) tại 45 trường tiểu học, nhân rộng tại 11 trường tiểu học khác và 52 lớp ghép hai trình độ (tổng số có 490 lớp/13.836 học sinh các lớp 2, 3 và 4). Kiên Giang đã tổ chức thành công hội thảo “Đánh giá chất lượng, hiệu quả dạy học theo mô hình VNEN” các Sở GD-ĐT vùng đồng bằng sông Cửu Long (tại Phú Quốc).

Bậc THCS và THPT trong năm học 2013 - 2014, công nhận thêm 06 trường THCS nâng tổng số trường đạt chuẩn quốc gia cấp THCS là 42/159 trường, tỷ lệ 26,42%; 03/52 trường THPT, tỷ lệ 5,77%. Tổng số học sinh huy động đầu năm là 126.376 em (trong đó THCS 92.321 (xếp thứ 3 sau An Giang và Tiền Giang) tăng so với cùng kỳ 2.828 em, với 2.637 lớp, bình quân 35 HS/lớp; THPT 34.055.

Chỉ đạo thực hiện công tác tuyển sinh lớp 6, lớp 10 đúng quy định của Bộ GDĐT. Kết quả tốt nghiệp THPT năm học 2013 - 2014 tiếp tục duy trì ổn định, có 10.115 thí sinh đỗ/10.187 thí sinh dự thi, đạt tỷ lệ 99,29% (giảm 0,24% so với năm học trước). Các đơn vị có nhiều tiến bộ và đạt thành tích tiêu biểu trong năm học: THPT Nguyễn Trung Trực, THPT Nguyễn Thần Hiến (Hà Tiên), THPT Thạnh Tây, THPT Nguyễn Hùng Sơn, THPT Chuyên Huỳnh Mẫn Đạt, THPT Hòa Hưng, THPT Bàn Tân Định, THPT An Minh, THPT Thoại Ngọc Hầu…

Trường, lớp, giáo viên... cùng thiếu

Trong năm học qua, ngành GD-ĐT Kiên Giang nổ lực hoàn thành nhiều nhiệm vụ trọng tâm,như: tỷ lệ huy động trẻ đến trường cao; số học sinh lưu ban, bỏ học giảm; số lượng học sinh đỗ tốt nghiệp, đỗ đại học ngày càng tăng cao; tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn, giáo viên giỏi được nâng lên… Tuy nhiên, trong nhiều năm qua các cấp ủy Đảng tỉnh Kiên Giang, ngành giáo dục tỉnh “gồng sức” đầu tư xây dựng nhưng về cơ sở vật chất và nhân lực nhưng đến nay vẫn còn thiếu trường, giáo viên...

Về công tác xây dựng cơ sở vật chất trường học, trong năm, toàn Ngành được bố trí 378.101 triệu đồng cho công tác xây dựng cơ bản (ngân sách 128.670 triệu đồng, xổ số kiến thiết 249.431 triệu đồng), so năm trước tăng 2.188 triệu đồng. Trong năm học đã công nhận mới 19 trường đạt chuẩn quốc gia, nâng tổng số toàn ngành lên 147 trường đạt chuẩn quốc gia (MN 19, TH 85, THCS 40, THPT 3), đạt 23,48% trên tổng số đơn vị toàn Ngành.   

Trong lúc ngân sách nhà nước còn khó khăn, ngành giáo dục mạnh dạng công tác xã hội hóa giáo dục, nhân ngày khai giảng năm học 2013-2014, các doanh nghiệp và các nhà hảo tâm đã trao tặng học bổng, học phẩm, học cụ với tổng số tiền 6.030 triệu đồng. Trong năm học, đã vận động Ngân hàng TMCP Công thương tài trợ 26.790 triệu đồng đầu tư xây dựng 52 phòng học cho 11 trường mầm non và và một nhà tài trợ (không nêu tên) tài trợ 2.000 triệu đồng xây 4 phòng học cho Trường Tiểu học Vĩnh Bình Bắc 4 - huyện Vĩnh Thuận.

Năm học 2014 -2015: Kiên Giang thiếu khoảng 1.000 giáo viên
Hiện nay, ở bậc tiểu học hệ thống trường lớp tương đối hoàn chỉnh, nhưng Kiên Giang vẫn còn 23 xã, phường đến nay vẫn chưa có trường mầm non.

Trao đổi với PV Dân trí, bà Nguyễn Thị Minh Giang, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Kiên Giang, chia sẻ: “Tỉnh Kiên Giang là một tỉnh có địa bàn dân cư rộng lớn, một bộ phận người dân sống theo những tuyến kênh, bìa rừng… Vì vậy, mấy năm qua, mặc dù được các cấp ủy Đảng của tỉnh ưu tiên tập trung đầu tư cho ngành giáo dục, nhất là về cơ sở vất chất, trường lớp, trang thiết bị… Tuy nhiên do điểm xuất phát thấp nên đến nay về trường lớp vẫn chưa đảm bảo, nhất là bậc giáo dục mầm non, vẫn còn 23 xã phường của tỉnh chưa có trường mầm non. Trong khi đó tại một số địa phương có dân cư sống phân tán rộng như huyện An Minh, An Biên… mỗi điểm chính trường mầm non ở đây cần có thêm từ 10 – 12 điểm phụ, còn tính trung bình của tỉnh thì có khoảng 7 điểm phụ. Do vậy, số trường lớp vẫn còn thiếu nhiều.”

Về công tác nhân sự, bà Giang cũng cho biết thêm, trong năm học 2014 - 2015, toàn tỉnh thiếu khoảng 1.000 giáo viên nhưng chủ yếu là giáo viên mầm non. Vừa qua, Bộ nội vụ đã đồng ý cho ngành giáo dục Kiên Giang tuyển 750 biên chế, khoảng thiếu còn lại, Ngành tiếp tục sử dụng giáo viên hợp đồng. Do vậy theo bà Giang bước đầu cũng giảm được nhiều khó khăn về công tác nhân sự, tuy nhiên về lâu dài, khi 23 xã có trường mầm non cũng như xây thêm các điểm lẻ ở các địa phương thì số lượng giáo viên vẫn còn thiếu nhiều.

Trong kế hoạch năm học 2014 - 2015, bà Giang cho biết ngoài việc Sở GD-ĐT tỉnh tiếp tục thực hiện công tác chỉ đạo toàn ngành hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm, như:  triển khai Kế hoạch hành động của Bộ GDĐT và của tỉnh thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 09/6/2014 của Chính phủ ngay từ năm học 2014-2015 với các nhiệm vụ, giải pháp, lộ trình thực hiện khả thi, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, cơ sở giáo dục và đào tạo. Tiếp tục thực hiện chủ đề năm 2014, 2015 về “Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trong các hoạt động học tập và rèn luyện của cán bộ, giáo viên và học sinh bằng những việc làm cụ thể, thiết thực; chú trọng công tác giáo dục đạo đức, nhân cách, kỹ năng sống cho học sinh; nâng cao đạo đức nghề nghiệp của nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Tiếp tục đưa nội dung các cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, “Hai không” và phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” thành hoạt động thường xuyên của ngành…

Đặc biệt, bà Giang cho biết để chào mừng các ngày lễ lớn sắp tới cũng như kích thích tư duy đổi mới, sáng tạo trong công tác giảng dạy, quản lý của cán bộ giáo viên trong toàn tỉnh, trong năm học 2014 -2015, Sở GD-ĐT tỉnh yêu cầu mỗi cán bộ, giáo viên đăng ký một việc đổi mới; một trường học, đơn vị giáo dục đăng ký một công trình.

Đối với 23 xã, phường trên địa bàn tỉnh Kiên Giang chưa có trường mầm non, ngành GD-ĐT tỉnh quyết tâm cuối năm 2014 các địa phương này sẽ có đầy đủ trường mầm non tại các điểm chính. Riêng bậc THCS trong năm học 2014 - 2015, ngành Giáo dục Kiên Giang còn sử dụng 6 phòng học tạm (bán kiên cố) nguyên nhân là do một số địa phương có số học sinh tăng lên (như An Minh, An Biên...) và nguyên nhân khác là một số phòng học chưa hoàn thiện kịp trong năm học mới này.

Nguyễn Hành