TPHCM luẩn quẩn với bài toán thiếu giáo viên

(Dân trí) - Bước vào năm học mới, TPHCM lại tiếp tục loay hoay với bài toán thiếu giáo viên. Chưa bàn đến chất lượng nguồn tuyển mà nhiều nơi rơi vào tỉnh cảnh: số người nộp hồ sơ thấp hơn cả chỉ tiêu tuyển dụng.

Hồ sơ đăng ký thấp hơn chỉ tiêu

Để đáp ứng yêu cầu giáo viên (GV) cho năm học mới, quận Thủ Đức cần tuyển thêm 265 GV nhưng chỉ có 157 hồ sơ đăng ký. Cụ thể ở bậc Mầm non cần bổ sung 59 GV thì chỉ có 27 người đăng ký; ở tiểu học cần 15 GV Mỹ thuật và Thể dục nhưng không có hồ sơ nào; bậc THCS 43 hồ sơ đăng ký trong khi nhu cầu bổ sung là 92.

Năm học này, quận Gò Vấp đưa vào sử dụng 4 trường học mới, nguồn GV cần bổ sung là 205. Trong đó, mầm non là 65, tiểu học 58 và THCS là 82 mà chưa biết tìm nguồn tuyển từ đâu. Chưa hết, theo bà Nguyễn Thị Hà, Phó Chủ tịch UBMTTQ quận Gò Vấp, đáng lo ngại nhất là tình trạng GV, nhất là ở bậc học Mầm non nghỉ việc do đặc thù công việc vất vả nên nguồn GV thường xuyên bị “hụt”.

Số hồ sơ đăng ký tuyển dụng giáo viên ở nhiều nhiều quận huyện thuộc TPHCM thấp hơn cả chỉ tiêu
Số hồ sơ đăng ký tuyển dụng giáo viên ở nhiều nhiều quận huyện thuộc TPHCM thấp hơn cả chỉ tiêu

Không chỉ các quận vùng ven mà ngay ở các quận trung tâm cũng rơi vào cảnh thiếu GV. Như ở quận 3, đang cần bổ sung thêm 167 GV, trong đó bậc học mầm non là 33 và tiểu học 14.

Ông Lê Hoài Nam, Phó GĐ Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, để đáp ứng cho năm học mới, TPHCM cần tuyển dụng gần 5.000 giáo viên ở các bậc học. Cụ thể đối với bậc học mầm non dự kiến cần thêm 1.087 giáo viên (GV); tiểu học cần 1647 GV, 1.415 GV bậc THCS, 500 GV bậc THPT và gần 160 GV khối Trung cấp - Cao đẳng.

Còn từ nay đến năm 2020, dự kiến thành phố cần đào tạo bổ sung 17.025 GV mầm non và 14.639 GV bậc tiểu học.

Vòng luẩn quẩn

Năm học này, TPHCM có thêm gần 100 trường mầm non và tiểu học mới được đưa vào sử dụng. Số trẻ ở bậc mầm non tăng thêm hơn 25.000 trẻ, tiểu học tăng thêm gần 10.000 HS. Sĩ số HS, trường lớp tăng kéo theo nhu cầu GV tại TPHCM tăng cao.

Trong khi, có một thực tế nguồn tuyển dụng GV lại vô cùng ít ỏi, thậm chí là ngày càng bị thu hẹp. Chưa kể, trong chỉ tiêu của các trường đào tạo sư phạm mầm non và tiểu học, tỷ lệ sinh viên có hộ khẩu TPHCM tốt nghiệp hàng năm thấp hơn nhiều các tỉnh.

Nguồn đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học ở TPHCM có xu hướng bị thu hẹp.
Nguồn đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học ở TPHCM có xu hướng bị thu hẹp. Trong ảnh: Sinh viên Trường ĐH Sư phạm TPHCM trong Ngày hội Việc làm tại trường

Hiện nay, việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo hàng năm thực hiện theo theo thông tư 57/2011của Bộ GD - ĐT. Theo đó chỉ tiêu tuyển sinh ĐH được xác định trên các tiêu chí về số lượng giảng viên cơ hữu và diện tích sàn xây dựng /1 sinh viên. Và đến 2017 các trường ĐH không được phép đào tạo trình độ TCCN. Điều này đẩy TPHCM vào cảnh thiếu GV nhưng không được tăng chỉ tiêu mà còn theo chiều hướng giảm.

Theo PGS. TS. Nguyễn Viết Ngoạn, TPHCM có những đặc thù khác với các tỉnh. Thành phố không có Trường Trung cấp Sư phạm, nếu tiếp tục đào tạo (GV) mầm non và tiểu học theo chỉ tiêu đào tạo của một trường ĐH (không có hệ trung cấp) đúng quy định của thông tư 57 của Bộ thì không bao giờ đáp ứng được yêu cầu bổ sung đội ngũ GV ở hai bậc học này của thành phố.

Tại trường CĐ Sư phạm Trung ương TPHCM, mỗi năm chỉ tiêu khoảng 400 SV hệ CĐ và 120 hệ trung cấp mầm non nhưng nếu được tăng chỉ tiêu lên gấp 4 – 5 lần thì cũng chưa chưa đã đáp ứng được nhu cầu. Nhưng việc xác định chỉ tiêu lại phải căn cứ trên điều kiện cơ sở vật chất, giảng viên, muốn "nới" không được. 

Gỡ “bí” tình trạng này, từ tháng 8/2013, Trường ĐH Sài Gòn đã soạn thảo đề án thành lập khoa Trung cấp lên lãnh đạo UBND TPHCM, được thành phố chấp thuận nhưng phải chờ ý kiến phản hồi từ Bộ GD-ĐT. Nếu được chấp thuận, theo kế hoạch từ nay đến năm 2020, khoa Trung cấp thuộc ĐH Sài Gòn sẽ đào tạo trên 9.000 GV mầm non và gần 7.500 GV tiểu học.

Bên cạnh tìm hướng tăng nguồn đào tạo đáp ứng cho nhu cầu tuyển dụng thì một vấn đề cũng được nhiều người đặt ra là cách để giữ chân GV. Vì thực tế nguồn đào tạo vốn đã ít ỏi nhưng tình trạng GV nghỉ việc, nhảy việc, nhất là bậc học mầm non cũng làm các trường học mệt nhoài.
 

Theo Nghị quyết về đề án hỗ trợ Giáo dục mầm non TPHCM có hiệu lực từ ngày 24/6/2014:

Đối với giáo viên mầm non mới ra trường được tuyển dụng sẽ được hỗ trợ 100% lương cơ sở/người/tháng (1.150.000 đồng) trong năm học 2014 - 2015; 70% lương cơ sở (805.000 đồng) trong năm học 2015 - 2016; 50% lương cơ sở (575.000 đồng) trong năm học 2016 - 2017. Từ năm thứ tư sau khi được tuyển dụng sẽ hưởng chế độ tiền lương theo quy định hiện hành.

Với cán bộ, giáo viên, nhân viên thuộc cơ sở GDMN công lập được hỗ trợ thêm 25% tiền lương do tính chất công việc. Đối với cán bộ, giáo viên trực tiếp giảng dạy nhóm lớp 6 đến 18 tháng tuổi sẽ hỗ trợ thêm 35% tiền lương (bằng với mức hỗ trợ của trường chuyên biệt mức phụ cấp ưu đãi 70%).

Hoài Nam