Mỹ nhân phim Bao Thanh Thiên đến Việt Nam giảng dạy trà nghệ sư

Hoài Nam

(Dân trí) - Nữ diễn viên Triệu Vĩnh Hinh, mỹ nhân phim "Xóm vắng", "Bao Thanh Thiên"... đến Việt Nam tham gia giảng dạy ở lĩnh vực được cho là "đếm tiền mỏi tay", "đào ra kim cương"...

Sáng 25/9, bà Triệu Vĩnh Hinh, diễn viên nổi tiếng trong các bộ phim "Dòng sông ly biệt", "Xóm vắng", "Bao Thanh Thiên"... tham dự lễ khai giảng khóa đào tạo trà sư đầu tiên của Việt Nam tổ chức tại TPHCM.

Đây là chương trình đào tạo kết hợp giữa Học viện Trà Sư Quốc Tế MTG với Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM và Trường trà Lục Vũ Đài Loan (Trung Quốc).

Mỹ nhân phim Bao Thanh Thiên đến Việt Nam giảng dạy trà nghệ sư - 1

Lần đầu tiên Việt Nam đào tạo trà sư (Ảnh: Hoài Nam).

Chương trình cung cấp kiến thức chuyên nghiệp về trà, lịch sử văn hóa trà, quy trình sản xuất trà, kỹ thuật pha trà và các kiến thức liên quan. 

Khóa học do các giáo sư, tiến sĩ khoa Văn hóa học từ Trường Khoa học Xã hội & Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) và đội ngũ chuyên gia từ Trường trà Lục Vũ Đài Loan (Trung Quốc) giảng dạy.

Cùng với các chuyên gia, nữ diễn viên Triệu Vĩnh Hinh sẽ trực tiếp giảng dạy trong khóa đào tạo này. Bà đứng lớp ở một số nội dung như kỹ thuật pha trà, văn hóa trà thế giới, cả phần lý thuyết lẫn thực hành.

Bà Triệu Vĩnh Hinh cho biết, ở Trung Quốc, nếu muốn kinh doanh một cửa hàng trà, mở một trà thất… bắt buộc phải có bằng trà sư, trong đó ít nhất là bằng trà nghệ sư.

Bởi lẽ trước khi trở thành biểu tượng văn hóa, trà là một trong những loại thức uống phục vụ cho nhu cầu hàng ngày của con người.

Mỹ nhân phim Bao Thanh Thiên đến Việt Nam giảng dạy trà nghệ sư - 2

Nữ diễn viên Triệu Vĩnh Hinh (bên trái) đến Việt Nam đào tạo trà sư (Ảnh: E.D).

Trà sư Ngô Thị Thanh Tâm, Tổng Giám đốc Học viện cho biết, sau khóa học, học viên được nhận hai chứng chỉ từ Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) và Trường Trà Lục Vũ Đài Loan, Trung Quốc.

Nói về cơ hội nghề nghiệp ở lĩnh vực này, bà Tâm cho hay cơ hội nghề nghiệp trong ngành trà rất rộng mở. Người học có thể trở thành những nghệ sư, các chuyên gia trong lĩnh vực trà, am hiểu về kỹ thuật pha trà và uống trà; khởi nghiệp, kinh doanh, làm việc trong lĩnh vực liên quan đến trà hoặc có thể dạy học.

Tiềm năng về ngành trà ở Việt Nam được ví như đang ngồi trên "mỏ kim cương", bà Tâm cho hay điều này đòi hỏi chúng ta phải có nhân lực đủ năng lực, kiến thức, đủ đam mê với trà để đào xới và chế tác "kim cương thành trang sức". Còn nếu để kim cương nằm trong lòng đất thì mãi mãi vẫn chỉ là đất.

Lời khuyên cho những bạn trẻ có  ý định theo đuổi lĩnh vực này, bà Ngô Thị Thanh Tâm nhấn mạnh, theo đuổi ngành trà cần kiên nhẫn, kiên trì để đi đến cùng với đam mê của mình.

Mỹ nhân phim Bao Thanh Thiên đến Việt Nam giảng dạy trà nghệ sư - 3

Trà sư Ngô Thị Thanh Tâm cho hay ngành trà Việt Nam còn nhiều tiềm năng để "đào ra kim cương" (Ảnh: E.D).

Trước đó, trong buổi ra mắt cuốn sách "Văn minh trà Việt", tác giả, nhà khoa học Trịnh Quang Dũng cho hay Việt Nam là quốc gia sở hữu nhiều cây chè cổ thụ nhất thế giới.  Đây chính là mỏ "vàng xanh", "mỏ kim cương", "nghề đếm tiền mỏi tay" nếu biết cách khai thác.

Theo nhà khoa học này, giờ đây người làm trà ở Việt Nam không chỉ là những nông dân, công nhân mà còn có các kỹ sư, tiến sĩ tốt nghiệp từ các trường đại học. 

Tiềm năng của mỏ kim cương này, theo ông Dũng đang chờ những người thật sự khát khao kiếm tiền, biết khai thác để biến trà thành vàng, đẻ ra vàng. Đây là cách kiếm tiền hay ho, lành mạnh, có thể vừa kiếm tiền vừa tôn vinh được nét đẹp văn hóa của dân tộc.