Một ngày làm việc của giảng viên dạy trực tuyến với sinh viên "ảo"
(Dân trí) - Không chỉ đơn giản là bật webcam rồi ngồi nói chuyện với sinh viên, hay dùng phấn viết lên bảng trên giảng đường rồi dùng máy quay ghi hình lại, hay livestream trên mạng xã hội...
Dạy trực tuyến đòi hỏi giảng viên phải đầu tư thời gian, tâm sức và chuẩn bị một cách bài bản để đáp ứng yêu cầu giảng dạy trên hệ thống đào tạo trực tuyến và phần mềm quản lý học tập của nhà trường
Là người có kinh nghiệm lâu năm trong giảng dạy trực tuyến nhưng khoảng thời gian diễn ra dịch bệnh Covid-19 mới thực sự là lúc cô giáo Nam Chi và các đồng nghiệp tại Trường Đại học Mở Hà Nội căng mình chạy đua với thời gian để không làm gián đoạn kế hoạch học tập của sinh viên.
Một ngày làm việc của cô Nam Chi khi giảng dạy trực tuyến bắt đầu từ 6h và kết thúc khoảng 22h: từ chuẩn bị bài giảng, lên lớp dạy online đến khi về nhà tập hợp thông tin, tương tác và nhận xét, đánh giá kết quả học tập của sinh viên.
Một ngày làm việc của cô Nam Chi bắt đầu từ 6h sáng. Nhà ở Quận Hà Đông, để tới kịp studio của trường dạy Vclass và đảm bảo đủ thời gian di chuyển quãng đường gần 10km trong giờ cao điểm, cô phải xuất phát từ 7h.
Toàn bộ bài giảng được ghi hình, vừa phát trực tiếp, vừa phát lại trên hệ thống đào tạo trực tuyến của Đại học Mở Hà Nội nên công tác chuẩn bị lên hình rất quan trọng, tạo tâm lý hứng khởi cho giảng viên trước những sinh viên “ảo” ở mọi nơi.
30 phút trước giờ ghi hình là công tác kiểm tra hệ thống giảng dạy trực tuyến với Kỹ thuật viên trường quay, đảm bảo kết nối đường truyền, âm thanh, ánh sáng,…đáp ứng tiêu chuẩn phát sóng.
Tại studio, Giảng viên sử dụng các trang thiết bị hiện đại như hệ thống máy quay, micro, cách âm, máy vi tính, whiteboard tiêu chuẩn,...làm công cụ giảng dạy.
Các bài giảng Vclass được phát lại để sinh viên có thể xem đi, xem lại nhiều lần; kết hợp cùng bài giảng điện tử, giáo trình ebook…có sẵn trên hệ thống LMS để tìm hiểu các khía cạnh của bài học.
Dù tất bật nhưng cô Nam Chi cũng không quên mang theo lọ xịt sát khuẩn tay nhanh để phòng, chống Covid-19.
Trước khi môn học được mở ra cho sinh viên học theo thời khóa biểu, cô Nam Chi cùng các đồng nghiệp đã phải thực hiện rất nhiều công đoạn để có thể chuyển giáo trình in thành giáo trình điện tử ebook, biên soạn bài giảng slide và chuyển thành các dạng học liệu khác nhau như Richmedia (bài giảng đa phương tiện), video, audio, text, case study,…
“Biên soạn slide bài giảng để chuyển tiếp thành nhiều dạng khác nhau là một yêu cầu khó hơn rất nhiều so với việc soạn một bài giảng để lên lớp trực tiếp cho sinh viên. Vì với việc lên lớp mặt giáp mặt, giảng viên có thể quan sát phản ứng của sinh viên để điều chỉnh tốc độ giảng, kỹ thuật giảng dạy…
Còn với học liệu điện tử, vì không quan sát được, nên bên cạnh hỗ trợ của kỹ thuật phần mềm, còn cần có tư duy thiết kế bài giảng sinh động, ngắn gọn, dễ hiểu, hấp dẫn, dừng nghỉ tương tác…phù hợp để lôi cuốn được sinh viên” – Cô Nam Chi chia sẻ.
Sau khi thống nhất được kịch bản ghi hình, giảng viên cùng đội ngũ kỹ thuật viên trường quay thực hiện ghi hình bài giảng điện tử.
Studio của Trường Đại học Mở Hà Nội là một trong các hạng mục quan trọng của gói tài trợ không hoàn lại của KOICA (Hàn Quốc) có giá trị hơn 6 triệu USD. Toàn bộ các trang thiết bị đáp ứng tiêu chuẩn như một trường quay của Đài truyền hình.
“Ban đầu cũng run lắm vì bao nhiêu năm chỉ đứng trên bục giảng, trước mặt là sinh viên. Giờ đây đứng trước máy quay, trước mặt là dàn đèn, camera, keyboard, camera,…toàn bộ quá trình mình nói những gì, đi đứng cử chỉ ra sao đều được ghi lại hết,…nên không tránh khỏi tâm lý hồi hộp, lo lắng. Tuy nhiên sau nhiều khóa tập huấn do Nhà trường tổ chức cho đội ngũ giảng viên về kỹ năng đứng trước máy quay, mình và các đồng nghiệp thấy tự tin và hứng khởi hơn rất nhiều.” – Cô Nam Chi tâm sự.
Ngoài giờ lên lớp, cô Nam Chi tổng hợp các ý kiến của sinh viên qua các kênh diễn đàn và vào hệ thống tương tác với sinh viên.
Cô Nam Chi cho biết: “Mình thấy chấm bài môn Tiếng Anh qua việc xem video Sinh viên quay và nộp lại trên hệ thống rất thuận tiện và có nhiều ưu điểm.
Mình có thể nghe và nhận xét thật kỹ cho từng sinh viên về cách phát âm, ngữ điệu, cách dùng từ,…Không như trên lớp, thời gian có hạn nên mình chỉ có thể nhận xét, góp ý những điểm cơ bản.
Sinh viên cũng có thể xem lại video đã nộp và đối chiếu với nhận xét của giảng viên để rút kinh nghiệm và nâng cao kỹ năng”.
Ngọc Anh