Mẹ Việt Nam anh hùng có thể chỉ ở độ tuổi... 30

(Dân trí)-Ông Tạ Văn Thiều-phó Cục trưởng Cục Người có công, Bộ LĐ,TB&XH cho biết: “Với Nghị định và Pháp lệnh ưu đãi với người có công hiện tại thì mẹ Việt Nam anh hùng có thể ở độ tuổi khoảng 30”. Như vậy, quy định cộng điểm cho bà mẹ VNAH không phải là thiếu thực tế.

Ông Thiều cũng khẳng định, Thông tư của Bộ GD-ĐT bổ sung diện bà mẹ Việt Nam anh hùng; người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 vào diện ưu tiên không quá xa vời với thực tế.

Ngày 4/7/2013, Bộ GD-ĐT đã có Thông tư số 24/2013/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung đối tượng ưu tiên quy định trong Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính. Thông tư mới quy định: Bổ sung đối tượng ưu tiên vào đối tượng 03, gồm: Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945; Người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945;…”.

Sau khi Bộ GD-ĐT công bố thông tư này đã có nhiều ý kiến cho rằng quy định này không thực tế bởi nếu bà mẹ Việt Nam anh hùng có dự thi ĐH thì cũng ở độ tuổi xế chiều.

Để làm rõ ý của ông Tạ Văn Thiều - phó Cục trưởng Cục Người có công, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, PV Dân trí  đã đối chiếu với các văn bản hiện hành. Cụ thể đó là Nghị định số 56/2013/NĐ-CP, Pháp lệnh 05/2012/UBTVQH13 và Pháp lệnh 04/2012/UBTVQH13.

 

Nghị định số 56/2013/NĐ-CP và Pháp lệnh 05/2012/UBTVQH13 có quy định, những bà mẹ thuộc một trong các trường hợp sau đây được xét tặng hoặc truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”: Có 2 con trở lên là liệt sỹ; Chỉ có 2 con mà 1 con là liệt sỹ và 1 con là thương binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; Chỉ có 1 con mà người con đó là liệt sỹ; Có 1 con là liệt sĩ và bản thân là thương binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.

 

Trong khi đó Pháp lệnh 04/2012/UBTVQH13 quy định: Liệt sĩ là người đã hy sinh vì sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế hoặc vì lợi ích của Nhà nước, của nhân dân được Nhà nước truy tặng Bằng “Tổ quốc ghi công” thuộc một trong các trường hợp sau đây: Chiến đấu hoặc trực tiếp phục vụ chiến đấu; Trực tiếp đấu tranh chính trị, đấu tranh binh vận có tổ chức với địch; Hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tra tấn vẫn không chịu khuất phục, kiên quyết đấu tranh hoặc thực hiện chủ trương vượt tù, vượt ngục mà hy sinh; Làm nghĩa vụ quốc tế; Đấu tranh chống tội phạm; Dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng, an ninh; dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân…

 

Một vấn đề mà dư luận đặt ra, quy định là vậy nhưng thực tế đã có trường hợp nào ở độ tuổi khoảng 30 được phong tặng “Bà Mẹ Việt Nam anh hùng” hay chưa. Tính đến nay, không thể có trường hợp này vì Pháp lệnh 04/2012/UBTVQH13 có hiệu lực vào ngày 16/7/2012; Pháp lệnh 05/2012/UBTVQH13 bắt đầu có hiệu lực 1/1/2013. Thời điểm hiện tại, “Bà Mẹ Việt Nam anh hùng” ở độ tuổi khoảng 30 là chưa có nhưng trong tương lai gần thì có thể có.

Giải thích về quy định này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, thông tư mới được ban hành để cập nhật các đối tượng được hưởng chính sách ưu tiên trong tuyển sinh nhằm thực hiện quy định tại khoản 1 Điều 77 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 9/4/2013 của Chính phủ về việc quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, trong đó giao Bộ GD-ĐT: “Hướng dẫn thực hiện việc ưu tiên trong tuyển sinh, đào tạo đối với người có công với cách mạng và con của họ tại các cơ sở thuộc hệ thống giáo dục quốc dân”.

Ngày 22/5/2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 56/2013/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, văn bản này không có qui định giới hạn tuổi của bà mẹ Việt Nam anh hùng, theo quy định về đối tượng được xét tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” tại Điều 2 Nghị định số 56/2013/NĐ-CP thì không chỉ người trong thời kỳ kháng chiến mà nhiều người trong thời kỳ hiện nay cũng có thể được phong tặng danh hiệu này.

Bộ GD-ĐT cũng cho biết thêm, thông tư này cũng thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tinh thần trách nhiệm của xã hội đối với những người có công với nước, hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc, dù biết rằng đối tượng bổ sung có thể rất ít.
 
Để làm rõ thêm về vấn đề này, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi thêm với ông Tạ Văn Thiều - phó Cục trưởng Cục Người có công, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội. Ông Thiều cho biết, xã hội đang hiểu nhầm về quy định phong tặng Bà mẹ Việt Nam anh hùng thời chiến. Trên thực tế với pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng và Nghị định Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” thì hoàn toàn có thể xảy ra câu chuyện một bà mẹ chưa tròn 30 tuổi vẫn được phong tặng “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.

Dựa vào các văn bản trên, ông Thiều cho rằng, nếu một bà mẹ sinh con lúc 18 tuổi và sau đó 10 năm, nếu người con đó (lúc này khoảng 10 tuổi) có hành động dũng cảm cứu người và được công nhận là liệt sỹ thì có thể được phong tặng “Bà Mẹ Việt Nam anh hùng”. Chẳng hạn, trường hợp hy sinh cứu người của em Nguyễn Văn Nam ở Nghệ An vừa qua có thể được công nhận là liệt sỹ.

Video clip trao đổi của ông Tạ Văn Thiều - phó Cục trưởng Cục Người có công, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội  và ông Bùi Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ giáo dục ĐH - Bộ GD-ĐT về quy định này:
 
 
Tuy nhiên, cũng theo ông Thiều, khi Bộ GD-ĐT xây dựng Thông tư đã không xin ý kiến đóng góp của Cục Người có công nên có một số điểm còn bất cập. Cụ thể ở đối tượng 04, Thông tư đã bổ sung một số đối tượng con của Anh hùng lao động trong thời kỳ kháng chiến; Con của người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày; Con của người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế; Con của người có công giúp đỡ cách mạng. Với quy định này sẽ có hàng triệu gia đình thuộc diện chính sách đồng nghĩa sẽ có hàng triệu thí sinh được hưởng quyền cộng điểm ưu tiên.

Giải đáp vấn đề này, ông Bùi Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ giáo dục ĐH - Bộ GD-ĐT cho biết: “Ban soạn thảo thông tư đã xem xét rất kỹ vấn đề này. Khi thực hiện các Nghị định, pháp lệnh của Chính phủ thì cần phải bao quát hết các đối tượng. Có thể đối tượng ưu tiên sẽ nhiều, Bộ GD-ĐT sẽ có tổng kết đánh giá cụ thể để đánh giá và rút kinh nghiệm. Năm 2013, Bộ GD-ĐT sẽ yêu cầu các trường căn cứ vào điều kiện của từng đối tượng được hưởng chính sách này để có phương án cụ thể. Nếu các đối này chưa đủ khả năng để học tập thì có thể học bổ sung, bồi dưỡng trước khi bước vào học chính thức. Với cách làm như vậy sẽ không làm ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo của các trường”.

Nguyễn Hùng - Trọng Trinh