Lúng túng chọn nghề vì… giỏi toàn diện

(Dân trí) - Một trong những lý do cử nhân ra trường thất nghiệp là do chọn sai ngành nghề. Tuy nhiên, việc chọn nghề, chọn trường của không ít học sinh hết sức khó khăn vì cái gì cũng giỏi, hoặc các em chịu tác động từ những người xung quanh.

Không lo thi trượt, chỉ không biết học ngành gì

V.H. (sinh viên một trường ĐH Kinh tế) kể, chỉ trong mấy năm học cấp 3, dự định ngành nghề của mình thay đổi như chong chóng. Thầy cô khuyên cậu nên thi Sư phạm, bố mẹ ủng hộ Y - Dược, bạn bè bảo thi Ngân hàng… Bản thân thích ngành gì, H. chịu không biết, cuối cùng cậu quyết định tiến Nam thi Kinh tế theo cậu bạn thân với suy nghĩ “Ở miền Nam dễ kiếm tiền”.

Còn về khả năng của mình, H. nói từ nhỏ đến khi học phổ thông cậu luôn là học sinh giỏi toàn diện nên thật sự không biết đâu là thế mạnh của bản thân, chỉ có điều cậu chắc chắn là mình thi trường nào cũng có thể đỗ.

Nhiều học trò gặp khó khăn khi chọn nghề vì chẳng biết bản thân thích gì (Ảnh: Hoài Nam)
Nhiều học trò gặp khó khăn khi chọn nghề vì chẳng biết bản thân thích gì (Ảnh: Hoài Nam)

Học sinh khó chọn nghề do không biết được sở thích, khả năng của bản thân thuộc lĩnh vực nào cho dù lực học giỏi toàn diện như H. không hề ít.

Trong buổi tư vấn mùa thi diễn ra tại trường, một học trò lớp 12 ở Q.1, TPHCM cho biết, bản thân rất lo lắng không biết sắp tới sẽ thi ngành nghề gì. Bố mẹ khuyên thi vào trường kỹ thuật cho chắc ăn, chị gái khuyên thi dược cho dễ kiếm tiền, bạn bè lại rủ thi kinh tế.

Khi chuyên viên tư vấn hỏi em thích gì và giỏi về lĩnh vực nào, em tự tin nói mình là học sinh giỏi toàn diện, môn gì cũng học tốt, khả năng thi đâu trúng đó nhưng chẳng biết mình… thích gì.

Nói về việc chọn nhầm ngành học của mình, Tr.V. Th., cựu SV một trường Kinh tế bày tỏ, ngay khi học lớp 10 nghe ai hỏi thi khối A hay khối C cậu đã không trả lời được vì cũng thuộc thành phần giỏi toàn bộ. Lớp 9 thi Hóa, lớp 10 lại thi học sinh giỏi Lý, lớp 11 lại “giật” cao ở môn Sử, Văn… Điểm số các môn lúc nào cũng chót vót.

Năm lớp 12, lại nghe nói học khối A dễ kiếm tiền, thế là cậu thi khối A. Còn trường thi bố mẹ nói thi trường nào cậu thi trường đó.

Chọn nghề vì... anh hàng xóm

Hoạt động hướng nghiệp còn hạn chế, không hiểu rõ bản thân mình nên nhiều học trò chọn nghề, chọn trường theo vẻ ngoài một cách cảm tính hoặc chịu tác động bởi người xung quanh, nhất là bạn bè và gia đình.

Có không ít trường hợp, cả nhóm bạn với những sở thích, khả năng khác nhau nhưng “kéo bè” thi vào cùng một ngành, một trường. Có cậu học trò chọn thi vào ngành Báo chí chỉ vì… anh hàng xóm làm nghề này vẻ ngoài rất thành công.

Năm lớp 11 dự định sẽ thi ngành Y nhưng sau đó, Nguyễn Hữu Th. (quê ở Nghệ An) trở thành SV Trường ĐH Giao thông Hà Nội. Lý do Th. đổi ngành thi chẳng chút liên quan so với dự định do hè năm 11 lên thành phố ôn thi ở trọ quen mấy anh học Giao thông, thấy thích nên cậu chuyển ngành. Học được hai năm, Th. bỏ học vì chán và không theo nổi.

Cùng từng phấn chấn khi trở thành cô nữ sinh ngành Quản trị Kinh doanh nhưng rồi thời gian học cho đến khi ra trường, Nguyễn Thị Giang chán nản khi nhận rõ đây không phải là ngành nghề mình yêu thích. Không đam mê, học không hiệu quả, hiển nhiên ra trường Giang không xin được việc làm phù hợp với chuyên ngành. Bập bõm đủ việc để kiếm sống, điều Giang buồn bực nhất là đã không theo tận cùng ước mơ làm cô giáo mầm non của mình.

“Lúc đó anh trai học kinh tế và cả gia đình bắt mình phải thi ngành như anh. Giờ thì cả hai anh em cùng… thất nghiệp”, Giang chua chát

Trong những hội thảo về hướng nghiệp cho giáo viên ở TPHCM, bà Hồ Phụng Hoàng, chuyên viên tư vấn hướng nghiệp Trường ĐH Quốc tế RMIT bày tỏ, việc chọn nghề của giới trẻ Việt Nam chịu rất nhiều tác động bởi các mối quan hệ gia đình, thầy cô, bạn bè. Thậm chí, có nhiều em chọn theo phim, thấy trên phim nghề nghiệp đó “long lanh” là thích.

Các em chịu ảnh hưởng nhiều nhất là từ gia đình, bố lại lại thường định hướng nghề nghiệp cho con nhìn vào quả ngọt của ngành nghề, làm sao để con kiếm được tiền, bớt khổ mà quên đi chính bản thân các em là đam mê và năng lực.

Còn nhiều em chỉ vùi đầu vào học với đủ thành tích, điểm số chót vót nhưng lại thiếu những hoạt động trải nghiệm, thiếu sự trưởng thành cần thiết để có thể hiểu về thân mình, lúng túng không tìm được câu trả lời tôi thích gì và có khả năng gì.

Hoài Nam

(Hoainam@dantri.com.vn)