Chọn nghề hời hợt sẽ dẫn tới những thất bại nghề nghiệp sau này

(Dân trí) - Thông tin gần 200.000 cử nhân, thạc sĩ các ngành như: Quản trị kinh doanh, marketing, tin học, chứng khoán, ngân hàng, điện lực mà Bộ Lao động Thương binh và Xã hội mới công bố đã làm không ít sĩ tử lớp 12 năm nay hoang mang, vì chọn ngành nào khỏi thất nghiệp?

Theo Bản tin cập nhật thị trường lao động mới nhất của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, hiện nay cả nước có hơn 1,1 triệu người trong độ tuổi lao động đang bị thất nghiệp, trong đó nhóm người có trình độ cao đẳng, đại học trở lên vẫn có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất và có xu hướng tăng.

Cụ thể, trình độ cao đẳng nghề thất nghiệp tăng gần 8%; trình độ cao đẳng chuyên nghiệp thất nghiệp tăng trên 7,9%; trình độ đại học trở lên thất nghiệp tăng gần 4,9%, trong khi đó tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm không có bằng cấp chỉ khoảng 2%.

Cùng với đó là gần 200.000 cử nhân, thạc sĩ các ngành như: Quản trị kinh doanh, marketing, tin học, chứng khoán, ngân hàng, điện lực… đã dành 4 năm để học đại học, 2 năm để học lên cao học, tốt nghiệp với vô số bằng cấp khá, giỏi, nhưng hầu hết đều đang thất nghiệp.


Chọn nghề hời hợt, sơ sài theo kiểu nước đến chân mới nhảy cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới những thất bại nghề nghiệp sau này.

Chọn nghề hời hợt, sơ sài theo kiểu nước đến chân mới nhảy cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới những thất bại nghề nghiệp sau này.

Tiến sĩ tâm lý Phạm Mạnh Hà, Trường ĐHKHXH&NV - ĐH QGHN chia sẻ: “Chọn nghề, hay nói đúng hơn là đi tìm sứ mệnh nghề nghiệp là một công việc lâu dài, khó khăn và không hề đơn giản. Nó đòi hỏi mỗi cá nhân phải dành nhiều thời gian, tâm sức để tìm hiểu và lựa chọn ra một lĩnh vực nghề nghiệp mà bản thân có nhiều cơ hội để theo đuổi, để phát triển và mang lại cho mình niềm vui, niềm hạnh phúc trong cuộc sống.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc chọn nghề của các bạn học sinh hiện nay mang nặng tính thực dụng như: nghề nghiệp này có dễ xin việc làm hay không, có thu nhập cao hay không, được làm việc ở thành phố hay không… chứ ít người chú ý tới nội dung, ý nghĩa và giá trị xã hội của nghề nghiệp cũng như sự phù hợp của nghề nghiệp với xu hướng, nguyện vọng của bản thân.

Tiến sĩ Phạm Mạnh Hà cho rằng, những sai lầm phổ biến trong việc chọn nghề hiện nay của học sinh là chọn nghề, thứ nhất, vì những lí do kinh tế, đặt nặng giá trị kinh tế. Nhiều bạn học sinh chấp nhận từ bỏ lĩnh vực nghề nghiệp mà mình yêu thích để lựa chọn một ngành học khác với suy nghĩ ngành học này ra trường dễ xin được việc hơn, thu nhập cao hơn.

Thứ hai, nhiều bạn học sinh khi chọn nghề vẫn giữ quan niệm xưa cũ, lạc hậu như cho rằng nghề đào tạo ở bậc đại học thì dễ xin việc hơn nghề đào tạo ở bậc trung cấp. Nhiều bạn trẻ còn cảm thấy xấu hổ và thất bại khi phải học trung cấp hay ở những cơ sở đào tạo nghề.

Theo tiến sĩ Hà, ngày nay, thế giới việc làm đã mở rộng với nhiều ngành nghề khác nhau, ở mỗi ngành nghề lại đỏi hỏi trình độ chuyên môn đào tạo riêng. Có nghề đòi hỏi trình độ ở bậc đại học, sau đại học nhưng cũng có nghề chỉ cần ở trình độ trung cấp. Thực tế trong nền kinh tế của chúng ta hiện nay, nhu cầu nhân lực lao động trực tiếp qua đào tạo nghề ngày càng nhiều, do đó những bạn học trung cấp lại có nhiều cơ hội được làm việc đúng chuyên môn cũng như có cơ hội khẳng định bản thân hơn những sinh viên tốt nghiệp đại học.

Bên cạnh đó, chọn nghề theo sự thành công của người thân cũng là một trong những sai lầm thường gặp ở những học sinh đang sống trong gia đình mà có cha mẹ, người thân thành đạt trong xã hội. Cha mẹ và ngay cả bản thân các em cũng mong muốn được tiếp nối truyền thống gia đình, nhưng các bạn không biết rằng mỗi người có một năng lực, sở trường, tính cách riêng vì thế nghề này mang lại sự nghiệp cho người này nhưng chưa chắc sẽ giúp cho người khác thành công.

“Chọn nghề hời hợt, sơ sài theo kiểu nước đến chân mới nhảy cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới những thất bại nghề nghiệp sau này. Nhiều bạn học sinh ngay đến năm lớp 12 cũng chưa tìm hiểu và quyết định lựa chọn một lĩnh vực nghề nghiệp để theo đuổi.

Các em cho rằng việc học tập mới là quan trọng, học càng tốt thì càng có nhiều cơ hội để thi vào các trường đại học mà không hiểu rằng khả năng học tập chỉ là điều kiện ban đầu, còn sau này khi ra trường có phát huy được những kiến thức đã học hay không lại cần có sự phù hợp giữa yêu cầu nghề nghiệp và năng lực, phẩm chất, sở thích của các em” – Tiến sĩ Hà nhấn mạnh.

Chia sẻ với các thí sinh trong kỳ thi sắp tới, Tiến sĩ Hà cho rằng, các thí sinh cần cẩn trọng tìm hiểu xem bản thân thực sự thích thú với loại công việc nào; năng lực sức khoẻ, thể chất của mình ra sao; mình thích làm việc trong môi trường như thế nào; mong muốn về tiền lương, cơ hội thăng tiến ra sao… Sau đó các bạn mới đi tìm kiếm loại công việc đáp ứng được nhiều nhất những mong muốn và khả năng của mình. Sau đó, các bạn phải tìm các cơ sở đào tạo có đào tạo lĩnh vực nghề nghiệp mà mình đã lựa chọn. Cuối cùng căn cứ vào điều kiện gia đình, năng lực học tập để lựa chọn một cơ sở đào tạo phù hợp.

 

Hạnh Hà

(Email: vuhonghanh@dantri.com.vn)

 

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm