Chậm toàn diện, chương trình giáo dục phổ thông mới phải lùi hạn

(Dân trí) - Chiều 2/11, Quốc hội xem xét, thảo luận về việc Chính phủ xin điều chỉnh thời gian áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Cơ quan thẩm tra tờ trình của Chính phủ chỉ rõ, Bộ GT-ĐT đã chậm ở cả khâu ban hành chương trình mới, thẩm định, thực nghiệm sách giáo khoa và đặc biệt chậm trễ trong việc chuẩn bị giáo viên, cơ sở vật chất…

Nêu lý do cần phải lùi thời điểm triển khai áp dụng chương trình và sách giáo khoa phổ thông mới, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ phân trần, dù Nghị quyết 88 của Quốc hội có từ cuối năm 2014 tới nay nhưng kết quả thực hiện còn nhiều hạn chế, bất cập.

Chương trình giáo dục phổ thông mới chưa được ban hành để làm căn cứ biên soạn sách giáo khoa, thời gian thực tế để hoàn thành việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới cần nhiều hơn khoảng 1 năm so với dự kiến; việc chuẩn bị điều kiện về giáo viên, cán bộ quản lý và cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục phổ thông trên phạm vi toàn quốc còn gặp nhiều khó khăn.

“Nếu triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới ngay từ năm học 2018 - 2019 sẽ khó yên tâm về chất lượng”- Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ giải thích, dù phải chỉnh thời điểm bắt đầu áp dụng nhưng tổng thời gian triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới vẫn là 5 năm, không tăng kinh phí.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ giải thích, dù phải chỉnh thời điểm bắt đầu áp dụng nhưng tổng thời gian triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới vẫn là 5 năm, không tăng kinh phí.

Tư lệnh ngành giáo dục cũng phân tích, nếu thực hiện theo đúng lộ trình của Nghị quyết 88 thì việc chuẩn bị giáo viên, cơ sở vật chất trường lớp gặp nhiều khó khăn. Trong 3 năm học đầu tiên của lộ trình, mỗi năm học đều phải triển khai chương trình, sách giáo khoa mới ở 3 lớp thuộc ba cấp học khác nhau, trong khi 2 năm học cuối của lộ trình mỗi năm học chỉ triển khai thêm ở 1 hoặc 2 lớp ở cấp tiểu học.

Ngoài ra, lý do khác là vì thực hiện việc đổi mới, sắp xếp bộ máy chính trị, đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập, Chính phủ cần có thời gian để chỉ đạo triển khai các nghị quyết này trong ngành Giáo dục, đánh giá tác động của chính sách đối với việc thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông và có biện pháp giải quyết.

Theo đó, Chính phủ muốn bắt đầu triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giao khoa mới so với kế hoạch đã đề ra từ năm 2019 thay cho 2018, thực hiện cuối chiếu đối với cấp tiểu học (từ năm học 2019 -2020), đối với cấp trung học cơ sở (từ năm học 2020 – 2021) và đối với cấp trung học phổ thông (từ năm học 2021 – 2022).

Lộ trình cụ thể đối với từng lớp: Năm học 2019 - 2020: Lớp 1; Năm học 2020 - 2021: Lớp 2 và lớp 6; Năm học 2021 - 2022: Lớp 3, lớp 7 và lớp 10; Năm học 2022 - 2023: Lớp 4, lớp 8 và lớp 11; Năm học 2023 - 2024: Lớp 5, lớp 9 và lớp 12.

Như vậy, so với lộ trình ban đầu, việc bắt đầu áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới ở cấp tiểu học chậm 1 năm, ở cấp trung học cơ sở chậm 2 năm và ở cấp trung học phổ thông chậm 3 năm.

Bộ trưởng Nhạ thuyết phục, kinh phí thực hiện xây dựng, biên soạn chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa theo lộ trình đã điều chỉnh cũng không phát sinh do thời gian để tất cả các lớp trên phạm vi cả nước thực hiện chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới vẫn là 5 năm.

Phương án mới sẽ có nhiều thời gian hơn để địa phương rà soát, sắp xếp, điều chỉnh và hoàn thiện quy hoạch mạng lưới trường, lớp học; ưu tiên ngân sách địa phương và tăng cường huy động nguồn lực xã hội đầu tư bổ sung cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục phổ thông bảo đảm đồng bộ, đồng tốc với lộ trình triển khai áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới.

Chấp nhận đề nghị lùi thời gian của Chính phủ nhưng cơ quan thẩm tra tờ trình – UB Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng đánh giá, thực tế đã qua 3 năm triển khai Nghị quyết 88 của Quốc hội nhưng việc chuẩn bị có nhiều hạn chế. Phần công việc cần triển khai trước khi áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới trên phạm vi cả nước còn rất nhiều.

Ngoài ra, trong UB Văn hoá, Giáo dục, có nhiều đại biểu băn khoăn về tính khả thi của lộ trình điều chỉnh Chính phủ nêu ra và đề nghị bắt đầu thực hiện chương trình, sách giáo khoa GDPT mới từ năm học 2020-2021, chậm lại 2 năm thay vì chỉ lùi 1 năm như phương án được trình.

Thực tế hiện nay, việc xây dựng, thẩm định, thực nghiệm và ban hành chương trình mới còn chậm, chưa bảo đảm theo lộ trình và tiến độ đặt ra. Riêng việc ban hành chương trình tổng thể đã chậm hơn một năm so với kế hoạch. Theo kế hoạch ban đầu, chậm nhất đến tháng 6/2016 phải ban hành chương trình mới (gồm chương trình tổng thể và các chương trình môn học). Tuy nhiên, đến ngày 27/7/2017, chương trình tổng thể mới được thông qua.

Chương trình các môn học cũng vẫn chưa hoàn thiện nên chưa có cơ sở để biên soạn, thẩm định, thực nghiệm sách giáo khoa và để thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên; các địa phương chưa có căn cứ để chuẩn bị biên soạn phần nội dung giáo dục của địa phương; cơ sở giáo dục cũng chưa có căn cứ để xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp theo tinh thần Nghị quyết 88.

Đặc biệt là sự chậm trễ trong việc chuẩn bị các điều kiện về đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất, mặc dù các nội dung này đã được xác định rất rõ trong Nghị quyết 88.

P.Thảo