Lời nhắn nhủ của thầy hiệu trưởng ở ngôi trường không có bạo lực học đường
(Dân trí) - Trong diễn văn nhân Ngày Người khuyết tật Việt Nam, Hiệu trưởng Trường PTCS Xã Đàn nhắn nhủ những học sinh đặc biệt của mình về tình yêu thương.
Sự kiện ngày hội văn hóa - thể thao của học sinh Trường PTCS Xã Đàn - ngôi trường chuyên biệt dành cho học sinh khiếm thính - diễn ra sáng 17/4. Chương trình là một trong những hoạt động hưởng ứng Ngày Người khuyết tật Việt Nam 2025 (18/4).
Gần 400 học sinh tham gia các trận thi đấu thể thao sôi nổi bên cạnh sân khấu kịch, đọc sách, trò chơi dân gian. Phần lớn các em là học sinh khiếm thính, số còn lại mắc nhiều dạng khuyết tật khác và chỉ rất ít học sinh bình thường, khỏe mạnh.
Tuy vậy, những khiếm khuyết không cản trở niềm vui của học trò trường Xã Đàn trong ngày hội dành riêng cho các em.

Học sinh trường Xã Đàn thi nhảy bao bố trong ngày hội văn hóa - thể thao hưởng ứng Ngày Người khuyết tật Việt Nam (Ảnh: Trí Hoàng).
Trường PTCS Xã Đàn là ngôi trường đầu tiên trong cả nước thực hiện thành công mô hình giáo dục trẻ khiếm thính học hòa nhập. Trong môi trường đặc biệt này, tình yêu thương trở thành kim chỉ nam để học sinh khuyết tật lẫn khỏe mạnh giúp đỡ nhau, học hỏi nhau, cùng lớn lên và trưởng thành.
Đó cũng là lý do mà trong diễn văn phát biểu của mình, thầy Phạm Văn Hoan - Hiệu trưởng nhà trường - không đề cập đến thành tích hay nhắc nhở học sinh cố gắng học hành mà gửi một lời nhắn nhủ khác: "Thầy mong các con đoàn kết hơn, yêu thương nhau hơn, yêu ngôi trường PTCS Xã Đàn nhiều hơn, ngày càng nhanh hơn, sáng tạo hơn, chủ động hơn".
Thầy Hoan cũng nhấn mạnh về tiêu chí giáo dục của trường, đó là "học sinh được tôn trọng, yêu thương, được thể hiện mình và hòa nhập tốt".

Học sinh giới thiệu sách về chủ đề "50 năm đất nước trọn niềm vui" (Ảnh: Trí Hoàng).
Chủ đề Ngày Người khuyết tật Việt Nam 2025 là "Công nghệ số và khả năng tiếp cận có tính đến người khuyết tật". Việc ứng dụng công nghệ để hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận thông tin, giáo dục và việc làm để được thể hiện năng lực bản thân và hòa nhập tốt ngày càng được chú trọng, đề cao.
Trong đó, các công nghệ hỗ trợ như trình đọc văn bản, nhận diện giọng nói, chuyển đổi ngôn ngữ ký hiệu đang mở ra cơ hội học tập và làm việc cho hàng triệu người khuyết tật.
Giáo dục trực tuyến cũng giúp học sinh khiếm thính nói riêng và khuyết tật nói chung tham gia vào môi trường học tập đa dạng, không bị giới hạn bởi khoảng cách hay điều kiện cá nhân.
Lê Khánh Hải - học sinh lớp 8A, Trường PTCS Xã Đàn - cho biết: "Trên lớp, chúng em được tiếp cận với những bài giảng sử dụng công nghệ AI. Trong các giờ ngoại khóa hay những sự kiện văn hóa - thể thao như hôm nay, chúng em cũng được thầy cô hướng dẫn cách ứng dụng công nghệ vào việc tạo ra sản phẩm, ví dụ như làm hình ảnh, video, bài thuyết trình...".
Hải cũng bày tỏ niềm hạnh phúc khi được học ở trường Xã Đàn - ngôi trường mà em khẳng định "không có bạo lực học đường, chúng em chấp nhận nhau và giúp nhau tiến bộ hơn".