Làm rõ hơn các biện pháp bảo vệ trẻ em

Tuần qua, dư luận chưa hết phẫn nộ về việc một cháu bé bị bạo hành tại cơ sở nuôi dạy trẻ trái phép Sơn Ca (TP Đồng Hới, Quảng Bình) thì mới đây tại nhóm lớp mầm non Nụ Cười Xinh (Từ Liêm, Hà Nội) lại thêm một vụ bạo hành trẻ.

 

Làm rõ hơn các biện pháp bảo vệ trẻ em - 1

Trước đó, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip ghi lại cảnh một trẻ bị bảo mẫu ôm đầu lắc mạnh, nhấc bổng bé lên rồi đặt mạnh xuống ghế vì bé quấy khóc và không chịu ăn. Khi thấy bé vẫn còn khóc, bảo mẫu này đã tát mạnh vào mặt bé.

Trước đó có khá nhiều vụ việc bạo hành trẻ em với những hành động như tát liên tục vào mặt, chổng ngược đầu bé vào thùng nước, ép đầu trẻ xuống đất, bịt mũi khi cho uống sữa...

Theo quy định tại Điều 14 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em 2004 thì trẻ em được gia đình, Nhà nước và xã hội tôn trọng, bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm và danh dự. Pháp luật nghiêm cấm mọi hành vi hành hạ, ngược đãi, làm nhục trẻ em. Điều 26 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em 2004 cũng khẳng định: Gia đình, Nhà nước và xã hội có trách nhiệm bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự của trẻ em. Mọi hành vi xâm phạm tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự của trẻ em đều bị xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Tùy theo mức độ xảy ra, hành vi đánh đập, hành hạ trẻ em có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, về xử phạt vi phạm hành chính: Theo quy định tại Điều 27 Nghị định 144/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính người nào có một trong các hành vi xâm phạm thân thể, gây tổn hại về sức khỏe đối với trẻ em; gây tổn thương về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em… Về trách nhiệm hình sự: Theo quy định tại Điều 110 Bộ luật Hình sự năm 1999 được sửa đổi năm 2009 thì người nào đối xử tàn ác với người lệ thuộc mình (trẻ em) có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hành hạ người khác.

Mặc dù pháp luật đã có những chế tài như vậy song có thể thấy tình trạng trẻ em bị hành hạ, đánh đập vẫn diễn ra mà không được xử lý kịp thời, triệt để. Vì vậy, tôi cho rằng để phù hợp với công ước về quyền trẻ em năm 1990 mà Việt Nam đã tham gia, cũng như để đảm bảo quyền trẻ em, việc thực thi pháp luật cần phải được thực hiện nghiêm túc hơn nữa. Bên cạnh đó, những chế tài áp dụng cần nghiêm khắc hơn nữa nhằm trừng trị những người hành hạ, đánh đập trẻ em.

Đặc biệt, sắp tới đây tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, khi xem xét về dự thảo Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi), chúng ta cũng cần làm rõ hơn các biện pháp để bảo vệ quyền trẻ em một cách tốt nhất.

Theo Luật sư NGUYỄN VĂN HẬU, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM (Báo Pháp luật TP.HCM)