Kiểm tra miệng kiểu "gọi bất chợt, hỏi bất chợt" làm hỏng học sinh?
(Dân trí) - Nhiều giáo viên ở Hà Nội cho biết kiểm tra miệng theo hình thức vấn đáp "gọi bất chợt, hỏi bất chợt" đã bỏ từ lâu vì không hiệu quả trong việc đánh giá học sinh.
"Gọi bất chợt, hỏi bất chợt" chỉ làm học sinh sợ hãi, học đối phó
Cô H.T.H, giáo viên môn hóa học cấp THPT quận Bắc Từ Liêm, khẳng định "kiểm tra miệng" theo lối vấn đáp, gọi ngẫu nhiên một vài học sinh không hiệu quả trong việc dạy và học.
"Việc kiểm tra chỉ có ý nghĩa khi chỉ ra cho các em thấy các em còn yếu cái gì, hổng chỗ nào. Nếu kiểm tra chỉ để "sát phạt", làm các em sợ hãi mà học, thậm chí vì muốn tạo uy lực cho mình thì việc học chỉ là đối phó.
Nỗi sợ hãi cũng sẽ khiến các em bị ác cảm với môn học, với thầy cô và ngấm ngầm từ chối việc học", cô H. chia sẻ.
Cô P.T.L.A., giáo viên ngữ văn tại Hà Nội, nêu quan điểm tương tự: "Áp lực là cần thiết nhưng thầy cô cần tỉnh táo với các dạng áp lực trong học tập để không tạo ra áp lực sai".
Cô L.A. cho rằng áp lực từ nỗi sợ hãi là một áp lực sai, bởi mục đích của học sinh là học để giải quyết nỗi sợ. Trong trường hợp này, kiến thức không có khả năng chuyển hóa. Học sinh học xong, thi xong là "chữ thầy trả thầy".
"Học tập cũng như mọi việc trong cuộc sống, đòi hỏi sự chăm chỉ, tính kỷ luật để đạt hiệu quả.
Nhưng nếu bạn làm một công việc chỉ vì mưu sinh mà không phải thứ bạn đam mê, bạn sẽ mệt mỏi, căng thẳng, thậm chí chán nản. Nếu sự chăm chỉ, kỷ luật trong học tập được tạo nên bởi sự thúc ép nào đó, một áp lực vô hình nào đó mà không xuất phát từ chính nhu cầu hay niềm yêu thích của học trò thì đó là cực hình.
Vì thế, trước khi tạo áp lực cho học sinh để các em trở nên chăm chỉ, kỷ luật hơn, thầy cô phải tạo cho các em cảm tình với môn học trước đã", cô L.A bày tỏ.
Cô N.T.M.T, giáo viên ngữ văn THCS, cũng cho rằng "kiểm tra miệng" là khái niệm đã lỗi thời và không còn phổ biến. "Đa số giáo viên đều hiểu hình thức kiểm tra này không có tác dụng với học sinh học kém và không đánh giá đầy đủ những học sinh còn lại", cô T. nhấn mạnh.
Theo cô T., với học sinh không có ý thức học tập, không được bố mẹ quan tâm sát sao, giáo viên kiểm tra đột xuất không giúp học sinh học tốt lên. Trong khi đó, những học sinh có lực học khá, tốt vẫn có thể rơi vào trường hợp không trả lời được câu hỏi "bất chợt" vì không phải lúc nào các em cũng hiểu bài.
"Ngay cả học sinh giỏi cũng có lúc này, lúc khác. Có lúc vì lý do nào đó mà em không học bài cũ. Nếu kiểm tra theo kiểu "gọi bất chợt, hỏi bất chợt" vào đúng nội dung em không trả lời được, em sẽ xấu hổ với bạn bè. Làm tổn thương trẻ bao giờ cũng sai, dù đó là lỗi ở em.
Tôi không đồng ý với quan điểm "đòn đau nhớ đời". Có nhiều cách để học trò biết sai, biết rút kinh nghiệm, biết thay đổi hành vi xấu mà không nhất thiết phải đẩy chúng vào cảnh đứng chôn chân trên bục giảng vì sợ hãi và xấu hổ. "Gọi bất chợt, hỏi bất chợt" chỉ làm hỏng học sinh", cô T. chia sẻ góc nhìn.
Chuyển đổi số giúp giáo viên không phải "gọi bất chợt, hỏi bất chợt"
Cô H.T.H cho biết, các giáo viên trẻ ở trường cô sử dụng thành thạo nhiều công cụ trực tuyến miễn phí như Quizizz, Google form để tạo bài tập về nhà cho học sinh. Các em vui vẻ tiếp nhận các phiếu bài tập trắc nghiệm online hơn là dạng bài tập giấy bút truyền thống.
Với hình thức bài tập trực tuyến này, giáo viên có thể rà soát, đánh giá chất lượng bài tập của học sinh trên hòm thư điện tử, cũng như nắm được những học sinh không làm bài mà không còn phải kiểm tra bài cũ đầu giờ.
Khảo sát tại các trường dân lập như Trường Nguyễn Siêu, Trường Marie Curie, Trường Vinschool, Trường Lê Quý Đôn…, hình thức kiểm tra "miệng" theo lối vấn đáp đều đã bỏ từ lâu. Nhiều trường sử dụng công cụ LMS (hệ thống quản lý học trực tuyến) để giao nhiệm vụ về nhà, kiểm soát việc học bài, ôn bài của học sinh một cách hiệu quả.
Ngoài áp dụng công nghệ thông tin, giáo viên cũng có nhiều hình thức kiểm tra toàn diện tùy vào môn học mà họ phụ trách.
"Ở trường tôi, giáo viên thường dùng hai cách. Một là kiểm tra nhiệm vụ về nhà, hai là kiểm tra 10 phút viết ra giấy. Cả hai cách này đều áp dụng với 100% học sinh trong lớp, không ngẫu nhiên em nào.
Việc kiểm tra đầu giờ nhằm mục đích xem các em đã thực sự hiểu bài cũ hay không, chỗ nào cần nhắc lại, làm rõ trước khi sang bài mới", cô H.T.H. cho hay.
Với giai đoạn ôn thi nước rút phục vụ kỳ thi tốt nghiệp THPT, cô H.T.H có kiểm tra miệng nhưng không gọi ngẫu nhiên. Cô H. sẽ thông báo trước nội dung kiểm tra với những học sinh còn chưa nắm chắc kiến thức của nội dung đó.
Điều này nhằm giúp các em còn yếu biết cần tập trung vào bài nào để ôn tập cũng như điều chỉnh hành vi học tập của mình.
Kiểm tra đầu giờ hình thức phát phiếu trắc nghiệm bằng giấy cũng được nhiều thầy cô giáo áp dụng để tạo tâm lý thoải mái, tăng sự hào hứng cho học sinh.
Cô N.T.M.T. lại có phương pháp khác đánh trúng tâm lý tuổi "teen" của học trò. Cô thông báo trước sẽ kiểm tra bài những học sinh nào nhưng không theo tên mà theo… cung hoàng đạo.
"Không hiểu vì sao gọi theo tên thì các em căng thẳng mà gọi theo cung hoàng đạo thì các em thích thú như "được" kiểm tra chứ không phải "bị" kiểm tra", cô T. tâm sự.
Theo cô T., việc kiểm tra bài cũng cần sáng tạo, ngoài kiến thức trong sách vở nên có thêm nội dung để các em thể hiện hiểu biết xã hội, sở thích và quan điểm cá nhân.
Cô T. thường ra câu hỏi kiểm tra gồm phần cứng và phần mở. Phần cứng là kiến thức cơ bản, phần mở là kiến thức liên hệ thực tế để học sinh bộc lộ cá tính. Nhiều em thể hiện rất tốt ở phần mở này.
Cô T. cũng chia sẻ thêm, việc TPHCM yêu cầu giáo viên không bắt học sinh trả bài theo kiểu "gọi bất chợt, hỏi bất chợt" mang tính chỉ đạo thống nhất về phương pháp giáo dục. Còn trên thực tế, những giáo viên luôn cố gắng đổi mới phương pháp dạy học đã không còn sử dụng hình thức này.