Năm 2014: Tiếp tục tăng quy mô đào tạo sau đại học

(Dân trí) - Sáng 27/12, Bộ GD-ĐT đã tổ chức Hội nghị kế hoạch ngân sách năm 2014 đối với các trường, các đơn vị trực thuộc Bộ GD-ĐT. Theo đó, năm 2014 sẽ tăng quy mô đào tạo sau đại học. Đối với chỉ tiêu ĐH, CĐ chính quy giữ ổn định để nâng cao chất lượng.

Năm 2013: Chỉ tiêu đào tạo liên thông, văn bằng 2 giảm mạnh

Báo cáo tình thực hiện kế hoạch tuyển sinh năm 2013, ông Nguyễn Ngọc Vũ - Vụ trưởng Vụ kế hoạch - Tài chính (Bộ GD-ĐT) cho biết: Năm 2013 thực hiện chủ trương từng bước ổn định quy mô đào tạo gắn liền với nâng cao chất lượng đào tạo, đồng thời tăng cường giao tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường trong việc xác định chỉ tiêu đào tạo. Theo đó, các trường trực thuộc Bộ đã có nhiều cố gắng trong việc xây dựng kế hoạch tuyển sinh, tổ chức đào tạo đạt được một số kết quả đáng mừng. Cụ thể, các trường trực thuộc đã thực hiện nghiêm túc việc tự xác định chỉ tiêu đào tạo trên cơ sở đội ngũ giảng viên, cơ sở vậy chất và đăng ký gửi về Bộ kịp thời, đúng thời gian quy định. Do vậy, năm 2013 tỷ lệ sinh viên/giảng viên giảm (bình quân khoảng 22 sinh viên/1 giảng viên quy đổi, năm 2012 là 23 sinh viên/giảng viên quy đổi) và diện tích sàn xây dựng phục vụ trực tiếp đào tạo của các trường trực thuộc Bộ tăng (Năm 2013 đạt bình quân là 5,04 m2/1 sinh viên, năm 2012 là 4,8m2/1 sinh viên).

Chỉ tiêu đào tạo hệ liên thông, văn bằng 2 năm 2013 giảm mạnh.
Chỉ tiêu đào tạo hệ liên thông, văn bằng 2 năm 2013 giảm mạnh.

Các trường đã có nhiều cố gắng trong việc bổ sung đội ngũ giảng viên, nhất là giảng viên có trình độ tiến sỹ. Qua báo cáo của các trường cho thấy tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sỹ trở lên là 21,21%, tăng 1,91% so với năm 2012, cao hơn mức bình quân của cả nước (16,6%).

Các trường đã chú trọng đến việc hạn chế tăng quy mô để nâng cao chất lượng đào tạo. Do đó, năm 2013 là năm đầu tiên tất cả chỉ tiêu đào tạo các hệ đều giảm, trừ chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ tăng 9,3%. Cụ thể, chỉ tiêu đào tạo thạc sĩ giảm 7%, chỉ tiêu ĐH giảm 5,1%, chỉ tiêu CĐ giảm 6,5%. Đối với chỉ tiêu đào tạo liên thông, văn bằng 2 trình độ ĐH còn 28.200, giảm 11%. Đặc biệt, chỉ tiêu liên thông, văn bằng 2 trình độ CĐ giảm mạnh xuống còn 1.300, giảm 63%.

Đối với chỉ tiêu đào tạo TCCN năm 2013 là 5.950 chỉ tiêu, giảm 40% so với năm 2012. Chỉ tiêu này giảm là do các trường ĐH trực thuộc Bộ GD-ĐT đã thực hiện nghiêm túc việc giảm chỉ tiêu TCCN 20%/năm tiến tới dừng tuyển sinh đào tạo TCCN trong các trường ĐH vào năm 2017.

Chỉ tiêu dự bị ĐH tăng nhẹ khoảng 1 đến 3% phù hợp với điều kiện cơ sở vật chất của các trường dự bị; chỉ tiêu cử tuyển giảm 18% so với năm 2012 và theo xu hướng giảm dần do nhu cầu tạo nguồn cán bộ vùng đặc biệt khó khăn từng bước được đáp ứng.

“Việc tăng chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ trong những năm gần đây phù hợp với xu hướng tập trung đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên các trường ĐH, CĐ” - lãnh đạo Bộ GD-ĐT giải thích về việc tăng chỉ tiêu đào tạo tiến sĩ.

Bộ GD-ĐT cũng thừa nhận, bên cạnh những kết quả đạt được thì việc xác định và đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh năm 2013 còn có những hạn chế như nhiều trường trực thuộc Bộ vẫn còn quy mô đào tạo lớn, tỷ lệ sinh viên/giảng viên khá cao, nhất là đối với các trường đào tạo nhóm ngành kinh tế; đội ngũ giảng viên tăng chậm, vẫn còn một số trường có tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ còn thấp hơn mức bình quân chung cả nước…; việc đào tạo cử tuyển, dự bị tập trung nhiều vào một số ngành như ngành Y, Dược và tập trung vào một số trường ở thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM…

Tăng quy mô đào tạo sau đại học, giảm chỉ tiêu ngành Kinh tế

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cũng cho biết, kế hoạch tuyển sinh năm 2014 tiếp tục thực hiện theo quy định hiện hành, việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo định hướng tăng khoảng 7% đối với đào tạo tiến sĩ và khoảng 5% đối với đào tạo thạc sĩ so với năm 2013.

Năm 2014 tiếp tục tăng quy mô đào tạo sau đại học.
Năm 2014 tiếp tục tăng quy mô đào tạo sau đại học.

Đối với chỉ tiêu ĐH, CĐ chính quy thì giữ ổn định quy mô đào tạo để nâng cao chất lượng đào tạo. Các cơ sở đào tạo phải đảm bảo cân đối chỉ tiêu đào tạo với các điều kiện đảm bảo chất lượng, đặc biệt là đội ngũ giảng viên giảng dạy theo chuyên ngành. Đồng thời điều chỉnh cơ cấu chỉ tiêu giữa các ngành theo hướng giảm chỉ tiêu nhóm ngành kinh tế - tài chính, quản trị kinh doanh, tăng chỉ tiêu nhóm ngành kỹ thuật công nghệ, nông lâm, y dược, nghệ thuật.

Chỉ tiêu liên thông ĐH, CĐ chính quy xác định tối đa bằng 20% chỉ tiêu ĐH, CĐ chính quy tương ứng. Chỉ tiêu vừa học vừa làm, liên thông, văn bằng 2 theo hình thức vừa học vừa làm tiếp tục được xác định không vượt quá 50% so với chỉ tiêu chính quy. Riêng các trường sư phạm, để triển khai thực hiện việc đào tạo nâng chuẩn giáo viên, cần có đề án xác định rõ nhu cầu cần nâng chuẩn giáo viên.

Thống kê của Bộ GD-ĐT cho hay, năm 2013, khối ngành Kỹ thuật công nghệ chiếm gần 31%, nhóm ngành Kinh tế chiếm gần 25%, ngành Sư phạm chiếm 15,8% và Khoa học tự nhiên và xã hội nhân văn chiếm tỷ lệ 10,43%. Tỷ trọng đào tạo khối ngành Y dược và Nghệ thuật chiếm tỷ trọng khá thấp lần lượt là 2,3% và 1,46%.

Do tình trạng thừa giáo viên hiện nay nên chỉ tiêu sư phạm sẽ điều chỉnh giảm trong những năm tới trên cơ sở đánh giá lại thực trạng đội ngũ giáo viên hiện nay so với nhu cầu.

Các trường ĐH tiếp tục giảm chỉ tiêu đào tạo TCCN theo lộ trình. Đối với hệ đào tạo dự bị ĐH, phổ thông dân tộc nội trú, năng khiếu giữ ổn định như năm 2013.

Riêng đối với nhóm ngành y dược, để đảm bảo chất lượng đào tạo Bộ GD-ĐT yêu cầu các cơ sở đào tạo có đào tạo nhóm ngành Y dược xác định và đăng ký chỉ tiêu đào tạo nhóm ngành Y dược chính quy năm 2014 trong tổng chỉ tiêu đào tạo chính quy.

Để khắc phục những hạn chế năm 2013, tại hội nghị kế hoạch ngân sách năm 2014, Bộ GD-ĐT đã đề nghị các trường trực thuộc cần có kế hoạch tăng cường đào tạo để nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo; Thực hiện nghiêm túc các Thông tư hướng dẫn xác định chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ và TCCN.

“Qua kết quả khảo sát thực tế, Bộ sẽ có công văn hướng dẫn về chỉ tiêu đối với các trường dự bị và địa phương về cử tuyển để phù hợp với nhu cầu nguồn nhân lực và khả năng tiếp nhận của các trường ĐH. Bộ sẽ tiếp tục công tác kiểm tra, thanh tra việc tự xác định chỉ tiêu tuyển của các trường và có biện pháp xử lý nghiêm khắc các trường vi phạm trong công tác tuyển sinh theo quy định” - lãnh đạo Bộ GD-ĐT nói.

Nguyễn Hùng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm