"Không quan trọng điểm số" nhưng cả nhà "phát hỏa" vì con đạt điểm 7

Hoài Nam

(Dân trí) - Nhiều phụ huynh luôn nói "điểm số không quan trọng", nhưng thực tế điểm số của con chi phối không khí, tâm trạng, niềm vui nỗi buồn trong rất nhiều gia đình.

Chia sẻ của chị Nguyễn Ngọc Hòa, có con học lớp 7 tại một trường ngoài công lập có tiếng tại TPHCM sau khi biết điểm thi học kỳ của con thu hút rất nhiều ý kiến trên một diễn đàn. 

Trước khi kể, chị nói "mình không quan trọng điểm số". Nhưng rồi, những ngày qua vợ chồng chị rầu lòng, kỳ nghỉ không còn muốn đi đâu vì điểm học kỳ của con trai. 

Không quan trọng điểm số nhưng cả nhà phát hỏa vì con đạt điểm 7 - 1

"Điểm số không quan trọng" nhưng là thứ nhiều phụ huynh hay dùng để khoe hay chê bai, so sánh con trẻ nhiều nhất 

Đặc biệt là điểm Toán của con chỉ được 7 điểm làm chị vô cùng hoang mang. Nhất là khi ngoài học ở trường, cháu còn đi học thêm.

Thời điểm này, nhiều trường đã có điểm kiểm tra học kỳ, ở khắp các diễn đàn về nuôi dạy trẻ, bố mẹ đang sôi sục về chuyện điểm thi. Cho dù nhiều phụ huynh luôn rào chắn bằng câu "điểm số không quan trọng" nhưng những gì họ đang thể hiện thì điểm số là thứ quan trọng nhất khi đánh giá con hay đánh giá những đứa trẻ khác. 

Người thì khoe con điểm cao, người thì rầu lòng, mất ăn mất ngủ vì con điểm không như mong muốn của... bố mẹ. 

Không như mong muốn ở đây có khi là con chưa đạt được điểm tuyệt đối, có khi con vẫn đứng sau điểm bạn khác trong lớp, trong trường; có khi là con đứng hạng 2, hạng 3. 

Điểm số không quan trọng nhưng sau mỗi học kỳ, có điểm tổng kết của con, Facebook bố mẹ lại ngập tràn hình ảnh khoe điểm, khoe thứ hạng. 

Điểm số không quan trọng nhưng nhiều người lôi con ra trách phạt, chì chiết, thậm chí đánh đập trẻ vì những con điểm. Chưa hài lòng về điểm của con liền lên kế hoạch đẩy con đến lớp học thêm đủ kiểu này nọ. 

Có những học trò, khi có điểm kiểm tra sợ hãi không dám về nhà đối diện với bố mẹ. Có cả một cuộc đời phía trước nhưng biết bao nhiêu học trò rơi vào lo âu, trầm cảm, thậm chí tìm đến cái chết vì điểm thấp. 

Điều nhiều bố mẹ quan tâm nhất ở con là "đạt bao nhiêu điểm, xếp hạng mấy". Những tâm tư, khó khăn, lo lắng mà đứa trẻ phải đối mặt hàng ngày trong các mối quan hệ ban bè, thầy cô, trường lớp... ít ai để ý, lắng nghe con.  

Không quan trọng điểm số nhưng cả nhà phát hỏa vì con đạt điểm 7 - 2

Nhiều học trò bị áp lực rất lớn từ bố mẹ về việc điểm số (Ảnh minh họa)

Phụ huynh biến con thành công cụ thành tích

Trong một lần chia sẻ về vấn đề giáo con con trẻ ngày nay, TS. Nguyễn Đông Hải, Đại học Creighton (Mỹ) bày tỏ, giáo dục của chúng ta đang bắt đứa trẻ chạy theo hiệu suất cao nhất mà người khác đưa ra, hiệu suất điểm 10. Người người, nhà nhà ép con chạy theo hiệu suất này. 

Trong khi, giáo dục là để là để giúp đứa trẻ tiến tới gần nhất hiệu suất của bản thân, phát triển năng lực cao nhất của mình. Giúp họ tốt hơn chính họ ngày hôm qua chứ không phải tiến tới chuẩn người khác đặt ra, tiến tới điểm 10 hay để giống đứa trẻ khác. 

ThS Nguyễn Hoàng Dũng, Trường ĐH Thủ Dầu Một, Bình Dương đặt câu hỏi, trong vòng xoáy chạy theo điểm số, thành tích, có bao giờ phụ huynh dừng lại, ngẫm nghĩ: Mình muốn gì ở con? Muốn con mình ra sao? Mục tiêu thật sự của giáo dục là gì? 

Không quan trọng điểm số nhưng cả nhà phát hỏa vì con đạt điểm 7 - 3

Khi phụ huynh thật sự quan tâm đến cảm xúc, sự phát triển của con thì điểm số chỉ là những con số 

Theo ông Dũng: "Khi phụ huynh quá chú trọng đến việc con có theo kịp bè bạn hay không, đáp ứng kịp yêu cầu hay không, chúng ta đang góp phần biến con thành công cụ chạy theo thành tích". 

Sự lo lắng thái quá làm bố mẹ không kịp dừng lại, có thể tiếp tục đẩy con ra xa hơn như nhét đến các lớp học thêm, không quan tâm đến cảm xúc, tương tác xã hội của đứa trẻ, sự bình an trong con. 

Chạy theo điểm số làm cho việc học của con trẻ bị méo mó, nhiều đứa trẻ chỉ biết đi học với yêu cầu, mục tiêu duy nhất là để đạt điểm cao. Dẫn đến sai lệch về mục tiêu học tập, cách học, hình thức học tập... 

Thực tế, nhiều phụ huynh không quan tâm đến con, không giành thời gian để trò chuyện, chơi đùa, để hiểu con... Nhưng gì họ biết về con chỉ là qua những con số.

Một khi phụ huynh đủ quan tâm con vui buồn ra sao, đang gặp những khó khăn, vướng mắc gì, tương tác với bố mẹ, bạn bè, thầy cô, mọi người xung quanh thế nào, con nhìn nhận cuộc sống thế nào, lịch sinh hoạt ăn ngủ, vận động của con có hợp lý không, có đang phát triển lành mạnh không, đang biết tự hoàn thiện mình không

Phụ huynh quan tâm đến cảm xúc, tôn trọng sự phát triển của trẻ thì khi đó điểm số chỉ là những con số. Bố mẹ sẽ không lo lắng, rầu rĩ vì những con điểm của con.